Trung Quốc có kế hoạch phóng tên lửa đẩy Trường Chinh 5 mang tàu thăm dò Hằng Nga 5 lên mặt trăng trong tuần này để thu thập thêm nhiều mẫu đất đá tại đây sau bốn thập niên kể từ năm 1970, đài CNN đưa tin.
Tàu thăm dò Hằng Nga 5, được đặt theo tên của nữ thần mặt trăng của Trung Quốc, sẽ tìm cách thu thập tài liệu có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm về nguồn gốc và sự hình thành của mặt trăng.
Tàu thăm dò Hằng Nga 5 gồm bốn bộ phận: tàu quay quanh quỹ đạo, trạm đổ bộ, phương tiện vận chuyển mẫu vật và khoang hồi quyển.
Khi tàu thăm dò đi vào quỹ đạo mặt trăng, trạm đổ bộ và phương tiện vận chuyển mẫu vật sẽ hạ cánh trên mặt trăng. Sau đó, trạm đổ bộ sẽ tiến hành thu thập các mẫu đất mặt trăng rồi đặt vào phương tiện vận chuyển mẫu vật. Khoang hồi quyển sẽ đưa mẫu vật trở về Trái Đất.
Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Liên Xô thu được các mẫu đá mặt trăng nếu sứ mệnh này thành công.
Tên lửa đẩyTrường Chinh 5 mang tàu thăm dò Hằng Nga 5 trên đầu. Ảnh: CNN
Tàu thăm dò của Trung Quốc sẽ cố gắng thu thập 2kg mẫu tại một khu vực mới có tên Oceanus Procellarum.
Ông James Head - một nhà khoa học hành tinh tại Đại học Brown cho biết: “Vùng mẫu Apollo-Luna của mặt trăng dù rất quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta nhưng lại được thực hiện trong một khu vực chưa đầy một nửa bề mặt Mặt trăng”.
Ông nói rằng dữ liệu sau đó từ các sứ mệnh viễn thám quỹ đạo đã cho thấy sự đa dạng về loại đá, khoáng vật và niên đại hơn so với thể hiện trong các bộ sưu tập mẫu Apollo-Luna.
“Các nhà khoa học đã ủng hộ cho các sứ mệnh lấy mẫu bằng robot ở nhiều khu vực quan trọng khác nhau của Mặt trăng để giải quyết các câu hỏi còn sót lại từ cuộc thám hiểm trước đó” - ông cho biết thêm.
Tàu thăm dò Hằng Nga 5 có thể giúp trả lời các câu hỏi như núi lửa trên mặt trăng còn hoạt động trong bao lâu và khi nào từ trường của nó - chìa khóa để bảo vệ mọi dạng sống khỏi bức xạ của mặt trời - bị tiêu tan.
Trong vòng một thập niên tới, Trung Quốc có kế hoạch txây dựng một trạm robot trên mặt trăng để tiến hành thăm dò khu vực cực nam. Các kế hoạch này sẽ được phát triển thông qua các các tàu thăm dò Hằng Nga 6, 7 và 8 trong những năm 2020 và mở rộng đến những năm 2030 trước khi đổ bộ có người lái.