Hôm qua (8-5), Đại sứ Trung Quốc (TQ) tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Zhang Xiangchen đã có cuộc chạm trán tại Geneva (Thụy Sĩ) với Phó đại diện thương mại Mỹ tại WTO Dennis Shea, người được đánh giá là “diều hâu” với kinh tế TQ về những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài từ tháng 3 đến nay.
Quyết không theo xếp đặt của Mỹ
Trong cuộc tranh luận, ông Zhang Xiangchen chỉ trích đạo luật đánh thuế 150 tỉ USD lên hàng hóa, đặc biệt trong đó có mặt hàng thép xuất khẩu của TQ mà chính quyền Mỹ đề ra. Hồi đầu tháng 4, ông Zhang từng chỉ trích Mỹ “cố ý vi phạm các nguyên tắc cơ bản của WTO về không phân biệt đối xử và cam kết thuế quan” với hàng hóa TQ, đồng thời cảnh báo TQ sẽ đáp trả với phạm vi và mức độ tương xứng với các biện pháp của Mỹ.
Trong khi đó, ông Dennis Shea phản biện lại các chỉ trích từ phía TQ, đồng thời chỉ ra những bất hợp lý trong các biện pháp trả đũa của chính quyền Bắc Kinh đề ra.
Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh phái đoàn kinh tế của ông Trump, do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu, đã ra về gần như tay trắng sau hai ngày đàm phán với phái đoàn kinh tế TQ do Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế cấp cao của Chủ tịch Tập Cận Bình, dẫn đầu diễn ra hồi tuần trước tại thủ đô Bắc Kinh.
Ông Lưu Hạc (trái), đại diện TQ, tái gặp gỡ ông Steven Mnuchin tại Washington vào tuần tới để “gỡ rối” cho đối đầu thương mại song phương. Ảnh: INDEPENDENT
Mỹ có nhiều yêu cầu nổi bật với TQ như giảm thâm hụt thương mại, bảo vệ công nghệ và sở hữu trí tuệ Mỹ, TQ phải giới hạn đầu tư vào công nghệ nhạy cảm của Mỹ, công bằng với đầu tư Mỹ tại TQ, cắt giảm thuế quan với hàng hóa Mỹ… Điển hình trong đó Mỹ yêu cầu cắt giảm thâm hụt thương mại hằng năm của Mỹ trong giao thương với TQ từ mức 375 tỉ USD xuống còn 200 tỉ USD vào năm 2020; tăng mua hàng hóa và giới hạn kế hoạch 300 tỉ USD mà TQ dự tính dùng để nâng cao công nghệ, gồm trí tuệ nhân tạo, vật liệu bán dẫn… để hỗ trợ cho kế hoạch “Made in China” (hàng sản xuất ở TQ) - nằm trong tham vọng thống lĩnh thị trường công nghiệp toàn cầu, điển hình là ngành chế tạo robot. Phía TQ ngay từ đầu đã kiên quyết không chấp thuận hai yêu cầu này.
Truyền thông nhà nước TQ nói rằng việc giữ thái độ mềm dẻo sẽ tạo ra những cơ hội để hai bên có thể thảo luận nhiều hơn nhằm tìm ra thỏa thuận chung. Tờ China Daily bình luận: Biến TQ thành vật tế thần để giải quyết các căn bệnh của nền kinh tế Mỹ có thể sẽ xoa dịu được một số cử tri mù quáng chứ khó có thể cắt giảm thâm hụt thương mại Mỹ. “TQ sẽ tiếp tục mở rộng cửa nền kinh tế để cộng đồng quốc tế có thể hưởng lợi từ một thị trường phát triển nhanh và rộng lớn. Nhưng TQ sẽ thực hiện điều đó dựa trên những điều kiện của chính mình, chứ không theo sự xếp đặt của nước khác” - tờ báo khẳng định.
Nhưng sẵn sàng theo đuổi đàm phán
TQ cũng kiên nhẫn và nhượng bộ ít nhiều đối với chính quyền Donald Trump khi đồng ý giảm thuế nhập khẩu ô tô, tăng mua hàng hóa của Mỹ. Truyền thông chính phủ TQ cũng sớm đưa ra những lời bình luận tích cực về đàm phán thương mại song phương sau cuộc đàm phán kéo dài hai ngày mà không đạt được kết quả đáng kể.
Các dữ liệu thương mại Mỹ-TQ được công bố hôm thứ Ba (8-5) cho thấy thặng dư thương mại của TQ với Mỹ đạt 22,2 tỉ USD, tức không suy giảm và còn đạt mốc cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. (Thống kê của Bloomberg) |
Tuần tới, phái đoàn kinh tế của ông Lưu Hạc theo kế hoạch sẽ đến Washington với quyết tâm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ “quả bom” chiến tranh thương mại với chính quyền ông Trump. Bộ Thương mại TQ trước chuyến thăm của ông Lưu Hạc đến Mỹ cũng đã đánh tiếng rằng cơ quan này đang nghiên cứu các giải pháp khác nhằm cắt giảm thuế đối với một số mặt hàng thực phẩm, thuốc và thiết bị y tế của Mỹ.
Bà Wang Tao, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế TQ tại UBS Group AG, cho biết Bắc Kinh đang thúc đẩy một số biện pháp mở cửa và cải cách nền kinh tế như đã tuyên bố, đồng thời kỳ vọng Mỹ sẽ giới hạn các biện pháp đánh thuế gây tác động trực tiếp lên hàng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.
Ông Wang Yong, giáo sư kinh tế học tại ĐH Peking ở TQ, cho rằng “Mỹ đã đòi hỏi TQ quá nhiều và cuộc đàm phán tới đây ở Mỹ khả năng sẽ không đi đến một thỏa thuận, dù có thể đạt được những tiến bộ”. Ông Wang đánh giá cả Mỹ và TQ đều đang chịu áp lực vì ngày thực thi đạo luật thuế liên quan đến cuộc điều tra của Mỹ, “Điều 301” về đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, đang đến gần.
Ông Liu Li-gang, chuyên gia kinh tế TQ đứng đầu Citigroup, bình luận trên truyền hình Bloomberg rằng cuộc gặp tuần trước giữa hai phái đoàn kinh tế đã tập trung quá nhiều vào các đòi hỏi, TQ sẽ không chấp nhận tất cả yêu cầu của Mỹ nhưng vẫn còn rất nhiều “khoảng trống” mà hai bên có thể thảo luận, ví dụ vấn đề tiếp cận thị trường, bảo vệ sản phẩm trí tuệ, hoạt động giao thương và quan trọng hơn là kế hoạch “Made in China 2025”.
Mỹ quá tập trung “cây gậy” mà bỏ “củ cà rốt” Nhìn nhận tương quan Mỹ-TQ, GS Stephen Roach, nhà kinh tế học thuộc ĐH Yale (Mỹ), cựu Chủ tịch phụ trách châu Á kiêm chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, cho rằng Mỹ đang tiếp cận TQ bằng “cây gậy” (trừng phạt) mà không có bất kỳ “củ cà rốt” (nhượng bộ) nào. Ông cho rằng Mỹ đang “đe dọa” TQ nhưng những tính toán sai lầm về chiến lược khiến điều đó thể gây “phản tác dụng”. |