“Sau khi tham vấn giữa hai quân đội…, điều đã được quyết định là quân đội Trung Quốc (TQ) sẽ đảm trách huấn luyện chuyên nghiệp cho quân đội Syria về y tế và chăm sóc”. Cách đây một tháng, Bộ Quốc phòng TQ đã thông báo như trên.
Cử đặc phái viên Trung Quốc về Syria
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ cho biết hoạt động huấn luyện sẽ diễn ra ở TQ và mục đích nhằm giảm khủng hoảng nhân đạo ở Syria. TQ cũng đã từng cung cấp thiết bị y tế và thuốc men cho Syria.
Trước đó, hôm 14-8, Chuẩn Đô đốc Quan Hữu Phi đã có chuyến công tác đến thủ đô Damascus.
Sau đó, ông tuyên bố Bắc Kinh mong muốn phát triển quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Syria. Ông nhấn mạnh: “Từ lâu TQ và Syria đã giúp đỡ lẫn nhau”. Ông khẳng định: “TQ ủng hộ giải pháp chính trị cho xung đột Syria và TQ luôn luôn ủng hộ nền độc lập của Syria”.
TQ giữ quan hệ tốt với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong quá khứ TQ đã từng cung cấp vũ khí cho Syria. Song song theo đó, TQ cũng giữ mối tiếp xúc với các nhóm đối lập ở Syria.
TQ còn có tham vọng giữ vai trò nhà thương lượng nên đã từng đón tiếp các phái đoàn cấp cao của chính phủ Syria cũng như các lãnh đạo của phe đối lập Syria.
Cuối tháng 3, lần đầu tiên TQ đã chỉ định một đặc phái viên TQ về Syria nhằm phát triển ảnh hưởng trong xung đột Syria. Đầu năm nay, Khaled Khoja - một lãnh đạo phe đối lập Syria đã từng được mời sang TQ.
Nhóm khủng bố Jabhat Fateh al-Sham chuẩn bị bắn pháo ở Aleppo. Ảnh: YOUTUBE
Trung Quốc bỏ qua nguyên tắc không can thiệp
TQ thân cận với Nga và Nga yểm trợ cho Syria trong các chiến dịch không kích IS và quân nổi dậy, do đó TQ ủng hộ chế độ Syria là điều tất nhiên.
Tạp chí National Interest dẫn lời TS Michael Clarke ở Trường An ninh quốc gia (ĐH Quốc gia Úc) và chuyên gia Raffaello Pantucci tại Viện Các quân chủng thống nhất hoàng gia Anh nhận định chính sách của TQ ở Trung Đông gần giống chính sách của Nga.
Đặc biệt tại Syria, TQ rất dè chừng với đà trỗi dậy của các tổ chức khủng bố. Đây là lý do chủ yếu để TQ can thiệp ở Trung Đông.
Hai chuyên gia nêu rõ Bắc Kinh muốn nhắm đến đảng Hồi giáo Turkestan (TIP). TQ đã tố đảng này gây rối ở khu tự trị Tân Cương ở miền Tây TQ và gây ra nhiều vụ khủng bố ở TQ.
Hiện thời nhiều tay súng đảng Hồi giáo Turkestan đang chiến đấu trong hàng ngũ của nhóm khủng bố Jabhat Fateh al-Sham (tên cũ là Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh Al Qaeda ở Syria) và cả IS.
TQ xem đây là mối đe dọa trực tiếp cho TQ vào lúc TQ đang xúc tiến dự án “một vành đai, một con đường” trị giá 900 tỉ USD nhằm nối liền châu Á với châu Âu và châu Phi đi qua Trung Đông. Đây là khu vực sống còn của TQ bởi TQ mua 50% dầu thô của Iraq. Dự báo đến năm 2020, 80% dầu thô của Iraq sẽ chảy về TQ.
Sự trỗi dậy của IS đã đe dọa trực tiếp đến lợi ích của TQ, do đó thúc đẩy TQ xét lại nguyên tắc không can thiệp vào công việc của nước ngoài. Nhà nghiên cứu Moritz Rudolf ở Viện Mercator nghiên cứu về TQ tại Berlin (Đức) nhận xét: “Tiến trình hòa bình ở Syria tạo cơ hội duy nhất cho các nhà ngoại giao TQ để đào sâu kinh nghiệm về các khủng hoảng trên toàn cầu và đàm phán giải quyết xung đột”.
Trung Quốc sẽ can thiệp vào Syria bao lâu?
Thỏa thuận TQ-Syria về huấn luyện quân y đã đánh dấu một bước ngoặt chiến lược của TQ.
Trong năm năm gần đây, TQ không tiến hành hình thức hợp tác quân sự nào để có thể bị Washington đánh giá là viện trợ quân sự cho Syria. TQ không cung cấp vũ khí mà cũng không đếm xỉa đến các thiết bị dân sự cần trong chiến tranh như thiết bị dò đường hầm.
Vậy lần này TQ có thể can thiệp vào Syria trong bao lâu? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào mức độ Mỹ triển khai ở biển Đông nhanh đến đâu và động thái của các đồng minh của Mỹ trong khu vực biển Đông.
Đây không phải lần đầu TQ tham gia tổ chức đàm phán với vai trò nhà thương lượng. Hồi tháng 1-2016, TQ đã cùng với Mỹ đứng ra bảo trợ cho hội nghị về tiến trình hòa bình ở Afghanistan tại Islamabad (Pakistan). Dù vậy, nhà nghiên cứu Moritz Rudolf ghi nhận: “Các nhà thương lượng TQ thiếu kinh nghiệm trong giải quyết các cuộc xung đột ở Trung Đông. Quan điểm ngoại giao của TQ trước tiên sao chép các chiến lược đã có, ví dụ như thương lượng với các lãnh đạo phe đối lập như Khoja. Ông này đại diện cho tiếng nói quan trọng của phe đối lập thế tục ở nước ngoài nhưng lại ít có ảnh hưởng trong Syria”.
Trong khi đó, Thời Báo Hoàn Cầu (TQ) lại đưa ra nhận định khác. Báo dẫn lời GS Chu Vy Minh ở ĐH nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nhận xét: “Mỹ đã can thiệp quân sự vào sân sau của TQ ở biển Đông, do đó đây là đòn báo thù của quân đội TQ tại khu vực Trung Đông vốn được xem là khu vực quân sự ảnh hưởng Mỹ”.
Hiện nay có một khu phố dành cho người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Raqqa, căn cứ địa của IS ở Syria. IS cũng đã cho phép xuất bản một tờ báo dành riêng cho người dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Các phần tử Duy Ngô Nhĩ tập hợp trong Đạo quân Naqshbandiyya. TQ tin rằng CIA của Mỹ và MI6 của Anh đã cài người vào nhóm này. Trong những năm 1990, nhóm này đã tổ chức nhiều hoạt động Hồi giáo ở vùng Caucasus của Nga và Tân Cương của TQ. TQ rất cần thông tin tình báo liên quan đến tổ chức này cũng như cách thức Mỹ và Anh hoạt động trong nhóm này thế nào. |