Trung Quốc lấn dần ở bãi cạn Scarborough

Từ tháng 6-2012, Trung Quốc đã kiểm soát bãi cạn Scarborough (cách thủ đô Manila của Philippines 225 km). Một tuần trước, Trung Quốc lại ngang ngược tố ngư dân Philippines tấn công tàu hải cảnh Trung Quốc ở bãi cạn.

Từ sự kiện này, chuyên san The Diplomat (Nhật) ngày 29-3 phân tích sự hiện diện của các tàu khảo sát Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough cho thấy Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị xây dựng căn cứ trên đó.

Theo The Diplomat, âm mưu bao chiếm biển Đông của Trung Quốc còn một kẽ hở quan trọng, đó là vùng biển giữa Manila và mũi phía nam đảo Đài Loan.

Kẽ hở này bao gồm eo biển Luzon, một cửa ngõ vào Thái Bình Dương. Xây dựng căn cứ ở bãi cạn Scarborough sẽ khép lại kẽ hở này.

Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ) ghi nhận Trung Quốc dự định nạo vét bãi cạn Scarborough và xây căn cứ mới.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Ohio đến Philippines ngày 22-3, tức một tuần sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc đâm tàu cá Philippines ở bãi cạn Scarborough. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Bà nhận định: “Một căn cứ ở Scarborough sẽ có tầm quan trọng chiến lược lớn lao đối với Trung Quốc. Đặc biệt khi kết hợp với các cơ sở khác đã xây dựng trên đá Vành Khăn và đá Chữ Thập, Trung Quốc sẽ có thể mở rộng kiểm soát trên biển và trên không rộng hơn”.

Chuyên gia Timothy Heath thuộc tổ chức RAND (Mỹ) nhận xét căn cứ trên bãi cạn Scarborough không chỉ cung cấp cho Trung Quốc khả năng giám sát các lực lượng Mỹ và Philippines hoạt động trên đảo Luzon tốt hơn mà sẽ gia tăng uy hiếp khi Trung Quốc triển khai tên lửa.

Chiếm bãi cạn Scarborough sẽ mang lại lợi ích về chiến thuật và biểu tượng.Trung Quốc có thể duy trì lực lượng ở bãi cạn để tuần tra thường xuyên và tiếp tế cho đá Chữ Thập, đá Su bi, đá Vành Khăn.

Trung Quốc sẽ tính toán chiến lược lấn dần từng bước, từ không chiếm bãi cạn đến đưa một lực lượng nhỏ rồi chờ nhiều tháng, nhiều năm sau sẽ xây dựng căn cứ tại bãi cạn.

Bắc Kinh chỉ cần duy trì lực lượng ngăn chặn đủ lâu để thiết lập bước đệm tiến đến chiếm cứ bãi cạn. Đến lúc đó chi phí đánh đuổi lực lượng Trung Quốc sẽ cao đến mức Mỹ khó thực hiện.

Dù chiếm bãi cạn Scarborough có thể thúc đẩy ASEAN tập trung hơn nữa về an ninh hay các nước trong khu vực sẽ ngả theo Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ bất chấp vì hai lý do.

Một là Trung Quốc cho rằng đã tốn công xâm lấn trên biển Đông rồi thì thêm một hành động khiêu khích nữa cũng chẳng sao.

Hai là chiếm bãi cạn Scarborough sẽ ít gây hậu quả hơn hành động bồi đắp và xây dựng hàng loạt trên các đảo nhân tạo đã hoàn thành trên biển Đông.

Theo The Diplomat, đối sách biển Đông của Trung Quốc được thúc đẩy bởi thông điệp mang tính chất dân tộc chủ nghĩa của các nhà lãnh đạo nhiều hơn là bởi chiến lược quân sự.

Tòa Trọng tài Thường trực chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc tại biển Đông.

Lúc đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ bị áp lực từ trong nước rằng “chủ quyền quốc gia” bị đe dọa để lấn tới ở bãi cạn Scarborough. Và nếu Trung Quốc đã chiếm được bãi cạn thì không có gì ngăn cản Bắc Kinh sẽ xây căn cứ lớn trên đó.

Ngày 30-3, Tổng thống Benigno Aquino tuyên bố với báo chí Philippines cần phải đầu tư hạm đội tàu ngầm đầu tiên để bảo vệ lãnh thổ. Theo GMA News, Tổng thống Aquino cảnh báo toàn thế giới sẽ thua nếu tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông dẫn đến chiến tranh vì sẽ không có ai là người chiến thắng. Ông khẳng định tình hình bất ổn chẳng đóng góp gì cho thịnh vượng khu vực.

_________________________________

Chúng ta có bờ biển dài 36.000 km. Chúng ta có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Và rồi đột nhiên chúng ta sắp mất phân nửa nếu chúng ta nhất trí với “đường chín đoạn”.

Tổng thống Philippines BENIGNO AQUINO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm