Tờ South China Morning Post ngày 19-2 đưa tin Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Tiền Ba làm đặc phái viên đầu tiên của chính phủ Trung Quốc về đối ngoại ở các quốc đảo Thái Bình Dương.
Thông báo về việc bổ nhiệm được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân công bố ngày 15-2, trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực này.
Ông Tiền Ba - đặc phái viên đầu tiên của chính phủ Trung Quốc về các vấn đề ở các quốc đảo Thái Bình Dương. Ảnh: HANDOUT |
Trước khi được bổ nhiệm vị trí mới, ông Tiền từng là đại sứ Trung Quốc tại quốc đảo Fiji từ năm 2018. Ông Vương cho biết Bắc Kinh hy vọng ông Tiền có thể tăng cường trao đổi và hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương, cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa các bên.
Điều này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đối với các quốc đảo Thái Bình Dương.
Trước đây, Trung Quốc chỉ bổ nhiệm các đặc phái viên thường trực cho các khu vực hoặc các vấn đề đặc biệt quan tâm hoặc quan tâm, chẳng hạn như bán đảo Triều Tiên, vùng Sừng châu Phi, Trung Đông, Afghanistan, Syria và biến đổi khí hậu.
Theo ông Vương Nhất Vĩ - Giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, điều này cho thấy ông Tiền, với tư cách là đại diện của chính phủ, sẽ làm việc với tư cách là điều phối viên giữa các bộ và ban ngành khác nhau của Quốc vụ viện, cho phép ông tăng cường hợp tác để giải quyết các vấn đề quan trọng và phức tạp hơn.
Trung Quốc đã tăng cường đáng kể sự hiện diện ở châu Đại Dương trong hai thập niên qua. Bắc Kinh đã trở thành một đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn trong khu vực thông qua các cam kết và các chuyến thăm thường xuyên của các quan chức cấp cao.
Việc bổ nhiệm là bước đi mới nhất của Bắc Kinh nhằm cạnh tranh với Mỹ trong khu vực.
Tháng 9-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo khu vực, đồng thời cam kết viện trợ 810 triệu USD để các nước phát triển kinh tế.
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh, chính quyền ông Biden đã công bố Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ, trong đó cảnh báo rằng “áp lực và cưỡng ép kinh tế” của Trung Quốc có nguy cơ phá hoại hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực và Washington.