HỘI NGHỊ CẤP CAO ĐÔNG Á

Trung Quốc muốn hiệp ước hữu nghị với ASEAN

Sau hai ngày làm việc, tối 13-11, hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các hội nghị liên quan giữa ASEAN với các đối tác tại Nay Pyi Taw (Myanmar) đã kết thúc. Myanmar chuyển giao cương vị chủ tịch ASEAN 2015 cho Malaysia.

Sáng cùng ngày, hội nghị cấp cao Đông Á khai mạc với các nhà lãnh đạo ASEAN và tám đối tác gồm Tổng thống Barack Obama (Mỹ), Thủ tướng Dmitry Medvedev (Nga), Thủ tướng Shinzo Abe (Nhật), Tổng thống Park Geun-hye (Hàn Quốc), Thủ tướng Lý Khắc Cường (Trung Quốc), Thủ tướng Narendra Modi (Ấn Độ), Thủ tướng Tony Abbott (Úc) và Thủ tướng John Key (New Zealand).

Các vấn đề được quan tâm gồm tăng cường hợp tác khu vực, đối phó dịch Ebola, Nhà nước Hồi giáo và tình hình biển Đông.

Ngày 13-11, tại Nay Pyi Taw (Myanmar), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Obama. Ảnh: TTXVN

Báo The Star (Malaysia) đưa tin phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tỏ ra lạc quan khi nhận định tình hình biển Đông vẫn ổn định, tự do và an toàn hàng hải vẫn được bảo đảm.

Ông nói Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước để thúc đẩy sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Tuy nhiên, ông vẫn giữ quan điểm cũ rằng vấn đề biển Đông nên giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan, không thông qua tòa án hay giải quyết đa phương.

Ông đề xuất ký kết một hiệp ước hữu nghị, hợp tác và láng giềng tốt với các nước ASEAN nhằm xua tan suy nghĩ Trung Quốc là mối đe dọa và Trung Quốc cũng sẵn sàng ký kết các văn kiện với các nước trong khu vực về hợp tác hữu nghị và láng giềng tốt.

Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), ông Lý Khắc Cường còn đề xuất lập đường dây nóng quốc phòng và tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng Quốc phòng với 10 nước ASEAN vào năm tới tại Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hối thúc các nước cần tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế, cụ thể là trên biển Đông. Ông nhấn mạnh trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau, không có lựa chọn nào khác ngoài tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

Về vấn đề chống khủng bố, theo báo Times of India (Ấn Độ), ông Narendra Modi hối thúc các nước phản đối bất kỳ mối liên hệ nào giữa tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố. Ông cho rằng phản ứng toàn diện chống chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi một đối tác quốc tế thực sự.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ghi nhận các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch Ebola hay Nhà nước Hồi giáo đang gia tăng. Đối với Nhà nước Hồi giáo, ông nói không có giải pháp quân sự thuần túy nào nhưng chiến đấu, ngăn chặn và làm suy yếu cội nguồn tư tưởng cực đoan là cần thiết.

Ông đề xuất tổ chức một hội nghị cấp cao Đông Á về hạ nhiệt tư tưởng cực đoan để lập diễn đàn cho các chuyên gia chia sẻ các biện pháp tốt nhất.

Ông nhận định quan hệ Mỹ-Trung là then chốt cho ổn định khu vực. Ông hoan nghênh Mỹ-Trung thảo luận thường xuyên và Nhật-Hàn-Trung nối lại đối thoại.

Sau hội nghị cấp cao Đông Á, chiều cùng ngày, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tham dự hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ, hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc và hội nghị ASEAN+3 (Hàn Quốc, Nhật và Trung Quốc).

Trang tin Rappler (Philippines) đưa tin tại hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cảm ơn Trung Quốc vì lời đề nghị tiến tới quan hệ đối tác với ASEAN nhưng Trung Quốc vẫn phải giải quyết vấn đề biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh mọi nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc về thiết lập đường dây nóng sẽ trở thành vô nghĩa trừ phi đạt được tiến triển tích cực ở biển Đông. Ông cho rằng ASEAN và Trung Quốc có thể tìm kiếm các yếu tố để tiến tới COC từ các chuẩn mực và công ước quốc tế trên biển mà không cần nghĩ ra cái gì mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới