Tại sao các nước ASEAN tăng cường lực lượng đổ bộ?

Nhận định này đã được chuyên gia Koh Swee Lean Collin ở Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng (Trường S. Rajaratnam tại Singapore) nêu trên tạp chíThe Diplomat (Nhật) ngày 17-10. Có hai giả thuyết giải thích tại sao các nước ASEAN tăng cường lực lượng đổ bộ:

Yếu tố biển Đông:Trung Quốc đã tăng cường lực lượng đổ bộ trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông. Cuối tháng 9 mới đây, quân đội Philippines thông báo kế hoạch điều chỉnh lính thủy đánh bộ theo hướng chuyển từ an ninh nội địa sang phòng thủ từ bên ngoài, chủ yếu ở biển Đông. Dự kiến đến năm 2016-2017, Philippines sẽ có hạm đội tàu hỗ trợ chiến lược.

Việt Nam đang tăng cường xây dựng khả năng tuần tra biển, tập trung hoạt động phản công nếu kẻ thù chiếm đóng quần đảo Trường Sa và ưu tiên các tàu trọng tải nhỏ. Dù Việt Nam vẫn đang sử dụng các phương tiện chiến đấu đổ bộ thời Liên Xô cũ nhưng đã đầu tư vũ khí của Israel, đồng phục ngụy trang mới, thiết bị bảo hộ cá nhân.

Indonesia dù không phải là bên tranh chấp ở biển Đông nhưng lực lượng đổ bộ được xem là một phần của các biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó khủng hoảng tiềm năng trên biển Đông. Hồi tháng 3, quân đội đã thông báo kế hoạch tăng cường quốc phòng ở quần đảo Natuna và tuyên bố mọi sự cố trên biển Đông đều có thể gây nguy hiểm cho Indonesia.

Ảnh hưởng từ các cường quốc:Úc, Hàn Quốc, Nhật và đặc biệt là Trung Quốc đều tiến hành các chương trình phát triển lực lượng đổ bộ đầy tham vọng. Úc đã trình làng hai tàu trực thăng đổ bộ lớp Canberra và chuẩn bị lập nhóm sẵn sàng đổ bộ vào năm 2016.

Năm 2013, Hàn Quốc đã lập kế hoạch trang bị tàu đổ bộ lớn hơn tàu đổ bộ Dokdo 19.000 tấn hiện tại. Tháng 9-2013, Hàn Quốc đã giới thiệu các tàu đổ bộ mới LST- II và chuẩn bị mua thêm ba tàu đổ bộ vào năm 2018.

Nhật đang thành lập lực lượng đổ bộ chuyên dụng để bảo vệ các đảo xa, chuẩn bị lập lực lượng theo mô hình lính thủy đánh bộ Mỹ vào năm 2015, trang bị các phương tiện chiến đấu đổ bộ, trực thăng vận tải cánh quạt MV-22 Osprey và tàu đổ bộ cỡ lớn. Dự kiến đến tháng 3-2019 Nhật sẽ sở hữu tàu đổ bộ lớp Osumi 14.000 tấn.

Ảnh hưởng lớn nhất có lẽ đến từ Trung Quốc. Lực lượng đổ bộ Trung Quốc đã được tăng cường hiện đại hóa. Tháng 8-2013, quân đội bắt đầu xây dựng tàu trực thăng đổ bộ đầu tiên Type 081 theo kiểu tàu Mistral của Pháp. Gần đây tàu đổ bộ Type 071 lớp Ngọc Chiêu vẫn thường đi cùng tàu tấn công đổ bộ trên biển Đông.

Bản chất của tàu đổ bộ nói riêng hay lực lượng đổ bộ nói chung đều là tài sản quân sự có chức năng kép bao gồm phòng thủ và tấn công. Tài sản này có thể được triển khai vì mục đích hòa bình như cứu trợ thảm họa, hỗ trợ nhân đạo hoặc vì nguyên do gây hấn như tranh chấp lãnh hải.

Do đó, chuyên gia Koh Swee Lean Collin đề nghị để tránh nguy cơ gia tăng căng thẳng trên biển Đông, các lực lượng đổ bộ trong khu vực cần tham gia tập trận đa quốc gia nhằm xây dựng khả năng phối hợp cứu trợ thảm họa đồng thời xây dựng niềm tin lẫn nhau.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm