Đại sứ Trung Quốc minh định hòa bình và trật tự ở biển Đông sẽ được ASEAN và Trung Quốc hợp tác duy trì. Nói tóm tắt, ý nói Mỹ đừng nên can thiệp.
Trước đó, hôm 4-11 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có bài phát biểu về quan hệ Mỹ-Trung tại ĐH John Hopskins ở Washington. Ông nhấn mạnh chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương không nhằm kiềm chế Trung Quốc và yếu tố chính trong chiến lược này là tăng cường quan hệ Mỹ-Trung. Ông khẳng định quan hệ Mỹ-Trung càng mạnh không chỉ có lợi cho hai nước mà cho khu vực và thế giới.
Ông giải thích chính sách về Trung Quốc của Mỹ dựa trên hai trụ cột: Quản lý các khác biệt mang tính xây dựng và hợp tác trên nhiều vấn đề mang lại lợi ích chung.
Về quản lý các khác biệt, ông nhận định vấn đề không nằm ở chỗ đồng ý hay không đồng ý. Chẳng hạn, Mỹ không chỉ đơn giản nói đồng ý hay không đồng ý về vấn đề an ninh hàng hải ở biển Đông hay biển Hoa Đông. Mỹ không phải là bên tranh chấp nên Mỹ không đứng về bên nào và không thể bày tỏ quan điểm rằng yêu sách chủ quyền trên biển phải được giải quyết như thế nào.
Mỹ chỉ kêu gọi các bên theo đuổi yêu sách chủ quyền phải phù hợp với luật pháp quốc tế, kiềm chế và giải quyết tranh chấp trong hòa bình, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông để giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột. Ông khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ quá trình tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông bởi bộ quy tắc này sẽ mang lại ổn định trong khu vực và cơ hội hợp tác tại các khu vực khác.
Về vấn đề không gian mạng, ông John Kerry giải thích Mỹ cũng không thể nói đồng ý hay không đồng ý. Mỹ chỉ phản đối cá nhân hay quốc gia nào ăn cắp bí mật thương mại và thông tin nhạy cảm của các doanh nghiệp Mỹ. Mỹ cam kết xây dựng niềm tin và phát triển các quy tắc chung để giải quyết các thách thức kinh tế và an ninh thông qua đối thoại thẳng thắn và cởi mở.
Ngoại trưởng John Kerry ghi nhận mức độ hợp tác ở cấp chính phủ giữa Mỹ và Trung Quốc là chưa đủ và hai bên cần đẩy mạnh quan hệ giữa con người với con người. Theo ông, Mỹ và Trung Quốc có hệ thống chính trị, văn hóa và lịch sử khác nhau, hai bên cũng có quan điểm khác nhau trong nhiều lĩnh vực. Bởi thế hai nước cần phải đưa các khác biệt ấy lên bàn đàm phán.
DUY KHANG