Ngày 18-11, hơn 200 chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế tiếp tục thảo luận, mổ xẻ về các yêu sách tại biển Đông và giải quyết tranh chấp biển, các biện pháp xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột.
Lòng tham TQ “đạp đổ” khả năng đàm phán
Nói về biển Đông hiện nay, GS Leszek Buszynski (nghiên cứu viên cấp cao, ĐH Quốc gia Úc) nhận định Trung Quốc (TQ) có tham vọng nâng tầm năng lực biển và sức mạnh hải quân của mình để cho thế giới thấy được sự hiện diện của một siêu cường - điều mà những người TQ theo trường phái chủ nghĩa dân tộc khao khát.
“Tham vọng hướng biển của TQ có thể được thấy tại quần đảo Senkaku - nơi TQ thách thức sự kiểm soát của Nhật hay tại biển Đông - nơi TQ nỗ lực thực thi chính sách phong tỏa biển Đông, biến khu vực này thành lãnh thổ của Bắc Kinh” - GS Leszek Buszynski nói.
Leszek Buszynski phân tích khi biển Đông trở thành lãnh thổ trong tiềm thức của người TQ thì sự linh hoạt cần thiết để đàm phán sẽ bị mất đi. Các lãnh đạo TQ sẽ bị trói buộc bởi chủ nghĩa dân tộc và sẽ tìm cách hiện thực hóa các yêu sách của Bắc Kinh.
Lẽ ra TQ đã có thể đàm phán vấn đề này với ASEAN vào một thập kỷ trước. Nhưng bây giờ chiến lược bao vây biển đã được kích hoạt cùng chủ nghĩa dân tộc đang lên đã làm tiêu tan khả năng đàm phán của giới lãnh đạo TQ.
GS Robert Beckman (Giám đốc Trung tâm luật quốc tế, ĐH Quốc gia Singapore) và TS Phan Duy Hảo (nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm luật quốc tế, ĐH Quốc gia Singapore) nhận định: Quan ngại chính ở Đông Nam Á sau khi TQ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông đó là TQ sẽ tuyên bố ADIZ ở biển Đông.
Lo ngại này là có cơ sở khi mà căng thẳng trong tranh chấp giữa TQ-Việt Nam, TQ-Philipines ở biển Đông chưa giảm hẳn. Các bài phát biểu của quan chức và các nhà bình luận ở TQ ám chỉ rằng Bắc Kinh có thể tuyên bố ADIZ ở biển Đông trong tương lai. “Nếu ADIZ được TQ tuyên bố ở biển Đông chắc chắn sẽ gây ra chỉ trích về cả mặt pháp lý lẫn chính trị. Nó cũng sẽ dẫn đến các xung đột có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực” - GS Robert Beckman cảnh báo.
Các học giả cho rằng Trung Quốc đơn phương xây dựng quy mô lớn trên một số thực thể ở Trường Sa của Việt Nam có thể cấu thành hành động vi phạm Luật Biển quốc tế. Ảnh: LÊ PHI
Việt Nam đang lợi thế trên mặt trận pháp lý
TS Nguyễn Thị Lan Anh (khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam) cho hay: “Việc TQ cải tạo đất quy mô lớn trên một số thực thể của quần đảo Trường Sa (của Việt Nam, bị TQ đánh chiếm trái phép) bao gồm Gạc Ma, Ken Nan, Ga Ven, Chữ Thập và Châu Viên sẽ không giúp TQ củng cố yêu sách chủ quyền và vùng biển trong tranh chấp tại biển Đông”.
Thậm chí hành động xây dựng đơn phương với quy mô lớn trên một số thực thể ở Trường Sa có thể cấu thành hành động vi phạm Luật Biển quốc tế. Nó còn vi phạm thỏa thuận chung giữa TQ và các nước ASEAN.
GS James Charles Kraska (Trung tâm nghiên cứu luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ) khẳng định: Quá trình đàm phán UNCLOS và các phán quyết tòa án quốc tế cho thấy chủ quyền đối với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở biển Đông đều có lợi cho Việt Nam (VN). Dù TQ đã chiếm đóng Hoàng Sa (của VN) bằng vũ lực hoặc đưa ra yêu sách đường chín đoạn cũng không thể làm thay đổi quyền hợp pháp của VN đối với EEZ này.
“Dù tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể đó được giải quyết như thế nào đi chăng nữa, yêu sách của VN về vùng EEZ 200 hải lý là có cơ sở pháp lý vững chắc theo phán quyết của tòa án quốc tế” - GS James Charles Kraska nói.
Ảnh dưới: Ngư dân Quảng Ngãi ra khơi đánh bắt thủy sản trên biển Đông. Ảnh: CTV
TQ và “quyền độc tôn vô lý”
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam) thì cho rằng trong bối cảnh căng thẳng vẫn tiếp tục diễn ra thì việc xây dựng lòng tin, đối thoại ở biển Đông là rất cần thiết. Nhờ có cơ chế đối thoại và sự kiềm chế của các chính phủ liên quan, đặc biệt là về quân sự nên một số vụ việc nghiêm trọng đã được ngăn chặn và không dẫn tới xung đột vũ trang.
Tuy nhiên, theo bà Hà, mức độ tin cậy và lòng tin chưa ổn định. Xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa đã và đang được sử dụng ở biển Đông nhưng chưa được hiệu quả. Nguyên nhân là do thiếu ý chí chính trị, ảnh hưởng của chính trị trong nước, tác động đa chiều của cạnh tranh giữa các nước lớn trong việc phát huy lợi ích chiến lược và khu vực.
Về giải pháp cho hòa bình, ổn định trên biển Đông, GS Leszek Buszynski nhấn mạnh: TQ hoàn toàn có thể từ bỏ chủ quyền độc tôn vô lý của mình ở biển Đông và thừa nhận rằng các nước ASEAN có chủ quyền cần phải được tôn trọng. Bắc Kinh có thể thể hiện sự sẵn sàng tuân theo luật pháp quốc tế và UNCLOS trong việc xác định các quyền lợi hợp pháp, đàm phán với các nước ASEAN để ra một thể chế biển.
GS Leszek Buszynski đưa ra giả thuyết “nếu Bắc Kinh thực hiện các bước này thì chu kỳ của sự xung đột sẽ bị phá vỡ.” Khi đó TQ sẽ làm tan biến những nghi ngờ về vai trò toàn cầu của mình và xây dựng được lòng tin với cộng đồng quốc tế rằng TQ là quốc gia có trách nhiệm với trật tự quốc tế. TQ sẽ đạt được nhiều ảnh hưởng và sự tôn trọng của quốc tế hơn là những gì Bắc Kinh hiện đang và sẽ bị mất đi.
Nếu các nhà lãnh đạo TQ vẫn tiếp tục con đường hiện tại thì điều này đơn giản sẽ chỉ làm gia tăng các xu hướng chiến lược và dẫn tới nhiều hơn các liên minh lợi ích chống lại Bắc Kinh” - GS Leszek Buszynski nhấn mạnh.
Phải đối xử nhân đạo với người bị nạn trên biển
Các học giả quốc tế cho rằng mặc dù tranh chấp ở biển Đông rất phức tạp và chưa có giải pháp cuối cùng nhưng các quốc gia không nên bó tay trong việc quản lý và sử dụng biển, nguồn tài nguyên một cách hòa bình, ổn định. Bởi các khuôn khổ pháp lý luôn được công nhận bởi các bên liên quan.
Các nước liên quan đến tranh chấp trên biển Đông cần phải duy trì đối thoại và trao đổi quan điểm giữa các quan chức quốc phòng và quân đội; đối xử nhân đạo và công bằng với người bị nạn trên biển; thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan về các cuộc diễn tập quân sự chung; tìm kiếm và tiến hành các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, nghiên cứu biển, an toàn hàng hải, cứu nạn trên biển và chống tội phạm xuyên quốc gia.
Trung Quốc đòi nhiều quyền vô lý Nguyên Đại tá Hải quân Mỹ Ashley Roach cho rằng: “TQ là quốc gia có số lượng lớn nhất các yêu sách biển phi lý trong khu vực”. Luật của TQ về lãnh hải và vùng tiếp giáp theo lãnh hải năm 1992 có các quy định không phù hợp, trái với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) như: TQ quy định đường cơ sở “được vẽ theo phương pháp đường cơ thẳng”; các tàu quân sự nước ngoài phải được sự cho phép của TQ mới có thể đi vào lãnh hải TQ; an ninh là một lợi ích mà TQ sẽ bảo vệ trong vùng tiếp giáp của mình… Ngoài ra TQ khẳng định có quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình, điều này đã vượt quá quy định của UNCLOS. Tuyên bố ADIZ của TQ ở biển Hoa Đông là được phép thực thi chống lại các máy bay không có ý định đi vào không phận quốc gia của TQ là vi phạm luật quốc tế. |