Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng đánh giá về tình hình biển Đông trong năm qua có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng biển Đông vẫn hòa bình, ổn định, tự do đi lại trên biển và trên không vẫn diễn ra bình thường, không có gì phải lo ngại.
Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày với sự tham dự của hàng trăm học giả đến từ trong nước và quốc tế. Ảnh: Lê Phi
Quan điểm khác thì cho rằng hòa bình ổn định, tự do đi lại đã bị đe dọa nghiêm trọng, nếu không có sự kiềm chế và các nỗ lực hợp tác của các bên liên quan thì bất ổn tất yếu sẽ xảy ra, có thể là ngay ngày mai, ngay tuần sau, tháng sau.
"Nếu so sánh bức ảnh chụp nguyên trạng trên biển Đông trong những năm qua ai cũng thấy rõ xu hướng nguyên trạng đang bị thay đổi. Riêng trong năm nay, đã có sự thay đổi mang tính đột biến và nguyên trạng đã không còn nguyên nữa. Hậu quả lớn nhất của tình hình này là lòng tin giữa các bên liên quan ngày càng suy giảm, niềm hi vọng của nhân dân trong khu vực về một biển Đông hoà bình, hợp tác và phát triển bị xói mòn bởi sự lo ngại", ông Quý nói.
Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cũng cho hay tình hình biển Đông trở nên căng thẳng trong tháng 5-6 vừa qua đã làm cho lượng khách quốc tế đến với TP giảm so với năm 2013, môi trường đầu tư nước ngoài vào TP cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
"Các sự cố xảy ra với ngư dân chúng tôi khi đánh bắt trên biển Đông nói chung và ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa nói riêng gây ra nhiều bức xúc trong dân chúng, ảnh hưởng xấu đến tình cảm hữu nghị của người dân TP. Điều chúng tôi quan tâm hơn đấy là sự suy giảm lòng tin. Công cụ ngăn ngừa xung đột hiệu quả nhất không phải là sự hiện diện của quan hệ thương mại và sự tuỳ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia mà là lòng tin giữa các quốc gia có liên quan", ông Chiến nói.