Trung Quốc, Mỹ và những kỳ vọng tại APEC 2023

(PLO)- Mỹ và Trung Quốc hy vọng quan hệ song phương sẽ đi đúng hướng sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC 2023.

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 tại TP San Francisco (Mỹ) đã bước sang ngày thứ tư với các cuộc họp của các quan chức cấp cao các nền kinh tế APEC. Ngày 14-11, quan chức phụ trách thương mại và ngoại giao của 21 nền kinh tế APEC đã nhóm họp để thảo luận về các biện pháp mới nhằm thúc đẩy một tương lai bền vững và đảm bảo tương lai công bằng, toàn diện cho cộng đồng.

Kỳ vọng, ưu tiên của Mỹ về APEC 2023

Phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC 2023 vào ngày 14-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định sự tham gia APEC của Mỹ thể hiện cam kết lâu dài của nước này về tầm nhìn một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, năng động, kiên cường, rộng mở và thịnh vượng. Ông Blinken nhấn mạnh APEC 2023 là một diễn đàn mạnh để các nền kinh tế nhóm họp, hợp tác và xây dựng sự đồng thuận về các vấn đề tương lai kinh tế cho người dân trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC 2023 ở TP San Francisco (Mỹ) vào ngày 14-11. Ảnh: JUSTIN TAFOJA/BỘ NGOẠI GIAO MỸ

Theo ông Blinken, có ba ưu tiên mà Mỹ đã đặt ra trong thời gian qua cũng như trong những ngày tới của khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2023. Thứ nhất là sự kết nối, tập trung vào nỗ lực xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn của chuỗi cung ứng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững, chất lượng cao để cùng kết nối và phát triển.

Thứ hai là đổi mới sáng tạo. Tận dụng vai trò của APEC 2023 với tư cách là vườn ươm các ý tưởng, Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy các giải pháp mới cho một số thách thức hóc búa mà khu vực và thế giới đang phải đối mặt, từ việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng đến hình thành nền kinh tế kỹ thuật số. Thứ ba, Mỹ đang thúc đẩy sự tham gia toàn diện của người dân, bất kể giới tính, dân tộc... và khai phóng tiềm năng của con người nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng trong mỗi nước và giữa các quốc gia.

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế như phục hồi sau đại dịch COVID-19 còn chậm, mối đe dọa từ khủng hoảng khí hậu, xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas... thì Mỹ, với tư cách là nền kinh tế đăng cai Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023, đã đặt ra những ưu tiên cốt lõi nhằm “kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người”.

Trung Quốc - Mỹ hy vọng ổn định quan hệ

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình đã đến TP San Francisco ngày 14-11 để tham dự Hội nghị APEC 2023 và hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp song phương bên lề hội nghị vào ngày 15-11 (giờ Mỹ). Cuộc gặp này được cho là một trong những tâm điểm của kỳ APEC 2023.

Bộ Ngoại giao TQ cho biết trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi sâu sắc về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, bao trùm trong việc định hình quan hệ TQ - Mỹ, cũng như các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình và phát triển của thế giới, theo tờ China Daily.

Phát biểu với các PV tại Nhà Trắng trước khi khởi hành đến TP San Francisco, Tổng thống Biden cho biết mục tiêu của ông trong cuộc hội đàm với ông Tập là đưa mối quan hệ hai nước đi theo chiều hướng tốt đẹp hơn, đồng thời hy vọng hai bên có thể nối lại liên lạc giữa hai quân đội nhằm đảm bảo hai bên có thể nói chuyện với nhau khi gặp khủng hoảng, theo hãng tin Reuters.

Các chuyên gia cho rằng dù có ít kỳ vọng về đột phá thực chất trong quan hệ Mỹ - TQ sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo nhưng cuộc gặp vẫn có thể gửi đi thông điệp đáng chú ý. Hai nước có thể đảm bảo với thế giới rằng Mỹ và TQ không có ý định tách rời nhau và sẽ thực hiện các biện pháp có thể để ngăn hai nước rơi vào một cuộc xung đột vũ trang, theo China Daily.

Ông Wang Jisi, Giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Bắc Kinh, cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có ý nghĩa quan trọng vì nó có thể thiết lập lại nhịp điệu cho sự phát triển của quan hệ song phương trong những năm tới và chuẩn bị cho những liên hệ, trao đổi cấp cao giữa Bắc Kinh vào năm sau.

Theo ông Wang, với việc ngày càng có nhiều trao đổi cấp cao giữa TQ và Mỹ, những vấn đề khúc mắc sẽ lần lượt được hai bên bàn thảo. Ngoài ra, hai bên sẽ có thể cùng phối hợp để đưa ra các giải pháp cho các cuộc khủng hoảng an ninh như xung đột Nga - Ukraine và Palestine - Israel, thay vì để chúng trở thành yếu tố làm trầm trọng thêm những khác biệt chiến lược.•

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự APEC 2023

Ngày 14-11 (giờ Mỹ), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế San Francisco (Mỹ), bắt đầu chuyến công tác tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ.

Trong khuôn khổ sự kiện, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ cùng lãnh đạo các nền kinh tế APEC thảo luận những vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với kinh tế thế giới và khu vực, cũng như đề ra những định hướng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác.

Dự kiến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tham dự và phát biểu dẫn đề tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp (CEO Summit), tham dự các buổi đối thoại giữa các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC với đối tác, khách mời, dự Hội nghị cấp cao Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương…

Về hoạt động song phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có các buổi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Mỹ; tham dự và phát biểu, trao đổi chính sách tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR); dự Bàn tròn kết nối doanh nghiệp, địa phương về công nghệ cao. Dự kiến Chủ tịch nước cũng sẽ gặp gỡ lãnh đạo một số công ty và tập đoàn hàng đầu của Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới