Những ngày này, thế giới lại nhớ cuộc chiến tranh năm 1979 do Trung Quốc (TQ) phát động, tấn công toàn diện vào sáu tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Nhiều người đã ngã xuống, đau thương, mất mát là rất lớn. Hệ quả ấy xuất phát từ động cơ phi nghĩa của TQ.
Phi nghĩa ở chỗ một quốc gia là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) lại vô cớ nổ súng tấn công nước khác. Phi nghĩa ở chỗ Hiến chương LHQ do chính TQ góp phần xây dựng, thừa nhận nguyên tắc “phi bạo lực” thì bị chính TQ làm lơ.
Những thập niên sau sự kiện năm 1979, TQ bắt đầu tiến hành chiến lược mà họ gọi là “trỗi dậy hòa bình” để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” (còn gọi là “Trung Hoa mộng”).
Trong thời buổi toàn cầu hóa, sự phát triển vượt bậc của TQ về kinh tế, khoa học - công nghệ… đã từng được những người lạc quan tin rằng: TQ phát triển, trỗi dậy thì thế giới có lợi. Nước nào cũng muốn có mối quan hệ kinh tế, thương mại, được nhận hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển từ các cường quốc. Và TQ cũng từng là đối tác đầy tiềm năng trong “cuộc chơi chung” toàn cầu.
Tiếc thay, bài học từ thất bại năm 1979 vẫn chưa giúp TQ thức tỉnh và từ bỏ những hành vi phi pháp, phi nghĩa, phi lý. Biển Đông trong hàng thập niên qua tiếp tục dậy sóng trước hàng loạt động thái của Bắc Kinh. Đầu năm 1988, TQ dùng vũ lực chiếm đóng trái phép bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cũng trong năm đó, TQ nổ súng chiếm Gạc Ma khiến 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh. TQ tiếp tục hàng loạt hành vi phi pháp với các thực thể do họ chiếm trái phép, như bồi lấp, xây đảo nhân tạo, dân sự hóa, quân sự hóa khu vực. Họ dùng nhiều biện pháp, với lực lượng hải cảnh, dân quân biển làm trọng tâm để va đâm tàu, quấy rối hoạt động kinh tế, xâm phạm chủ quyền các nước trong khu vực Biển Đông.
Tất cả những hành vi ấy trái hoàn toàn với Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) mà chính họ đặt bút ký để trở thành thành viên.
TQ vẫn là cường quốc theo định nghĩa về tiền bạc và quân sự nhưng “giấc mơ Trung Hoa” theo cái nghĩa “TQ lãnh đạo thế giới” thì nước này vẫn thiếu một điều kiện quan trọng: Trách nhiệm!
Một nước giàu mạnh muốn lãnh đạo các nước khác thì phải có trách nhiệm với thế giới xung quanh, bởi trách nhiệm tạo nên sự tin tưởng và ủng hộ tuyệt đối. Trách nhiệm đó không phải được định hình bằng việc tự xưng hay hô hào khẩu hiệu mà trách nhiệm được ràng buộc bởi một trật tự dựa trên pháp luật, bằng cách cư xử thượng tôn pháp luật.
Bao giờ TQ từ bỏ đường lưỡi bò cùng những động thái lạm dụng sức mạnh “cơ bắp” ở Biển Đông, tôn trọng UNCLOS và những quy định pháp lý khác được thế giới thừa nhận rộng rãi thì khi đó họ là cường quốc có trách nhiệm và được ủng hộ.