Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh:AFP. |
"Nếu không có sự cho phép từ phía Trung Quốc, hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt của bất kỳ công ty nước ngoài nào trên vùng biển mà Trung Quốc có quyền pháp lý đều là phi pháp và vô giá trị", trang tin Rappler của Philippines dẫn lời ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu trong cuộc họp báo hôm 10/7 tại Bắc Kinh, theo Vnexpress.
Tuyên bố của ông Hồng nhằm chỉ trích việc Bộ Năng lượng Philippines hôm 9/7 gia hạn thêm một năm cho Forum Energy, một công ty dầu khí của Anh, tiến hành các hoạt động dầu khí ở khu vực Bãi Cỏ Rong (tên quốc tế là Reed Bank) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với bãi đá này.
Ông Hồng còn tiếp tục nhắc lại lập luận ngang ngược rằng Trung Quốc "có chủ quyền không tranh cãi" đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các vùng biển lân cận.
Charles Jose, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines từ chối bình luận về phát ngôn của ông Hồng, đồng thời cho biết Manila sẽ đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này vào ngày 14/7, Manila Standard Today cho hay. "Nếu Trung Quốc nghĩ rằng có thể đe dọa Philippines bằng chiến thuật đe dọa thì đó là một sai lầm", ông Walden Bello, một nghị sĩ Philippines, nói.
Với tuyên bố đường 9 đoạn, rồi sau thành 10 đoạn, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, vùng biển có những tuyến hàng hải quan trọng và được cho là có trữ lượng dầu khí lớn. Những tuyên bố đó không có cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử thích đáng và không được bất kỳ bên liên quan nào công nhận.
Mới đây, Bắc Kinh còn công bố một bộ phim tài liệu dài tập phản ánh các hoạt động trên Biển Đông, được các chuyên gia đánh giá là một tín hiệu nữa nhằm thể hiện quyết tâm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền tham lam của nước này. Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales (Úc) đã lên tiếng cảnh báo sau khi ông thấy cộng đồng thế giới dường như không phản đối bộ phim tài liệu này. Theo giáo sư Thayer, bộ phim gửi một thông điệp "rùng rợn" tới các bên tranh chấp rằng Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh cơ bắp như cho đâm tàu để củng cố “quyền chủ quyền” của họ.
Những hành động ngang ngược, vô lối, bất chấp luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc đã bị cộng đồng thế giới lên án. Mới đây nhất, vào ngày 10-7, Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua Nghị quyết 412 về biển Đông, trong đó yêu cầu Trung Quốc trả lại nguyên trạng biển Đông như trước ngày 1-5-2014 (ngày nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa của Việt Nam).
PV (Tổng hợp)