Mỹ-Trung Quốc có xứng tầm nước lớn?

Mỹ, Trung Quốc, hai cường quốc dẫn đầu các nước kinh tế phát triển và mới nổi, đã cam kết với nhau thực hiện quan hệ “nước lớn kiểu mới”, với nội dung chủ yếu là: “giữ vững ổn định quan hệ song phương từ tầm cao chiến lược và bảo đảm chiều sâu lợi ích cốt lõi của hai bên, trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các nước khác trên thế giới”.

Tuy nhiên, trên thực tế giữa nói và làm của hai nước này lại không phù hợp với nhau.

Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế

Trung Quốc trong khi tuyên bố “trỗi dậy hòa bình”, “tôn trọng lợi ích của các nước khác”, nhưng với tham vọng lãnh đạo châu Á, độc chiếm Biển Đông nên họ đã không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng, gây hấn trên biển, đơn phương tuyên bố chủ quyển trên biển không căn cứ vào luật pháp quốc tế.

Mỹ-Trung Quốc có xứng tầm nước lớn? ảnh 1Giàn khoan Hải Dương- 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam

Lợi dụng khi Mỹ gặp khó khăn về kinh tế, bị chi phối bởi các “điểm nóng” ở châu Âu, Trung Đông – Bắc Phi, Trung Quốc đã có hàng loạt các hoạt động gây hấn tại khu vực biển với các nước láng giềng, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ (Nhật, Philippines), nhằm “hất cẳng” Mỹ ra khỏi khu vực.

Trung Quốc thường lớn tiếng tuyên bố “kiên định duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, Hoa Đông”; bảo vệ “nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”; “hy vọng không có sự bất ổn ở Biển Đông và Hoa Đông”; yêu cầu “đàm phán trực tiếp với từng bên liên quan” ở Biển Đông, hy vọng các nước ngoài Biển Đông không “kích động căng thẳng, gia tăng đối đầu và làm phức tạp thêm tình hình khu vực”.

Tuy nhiên, đã hơn hai tháng, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút khỏi khu vực và đã hơn 30 lần đề nghị tổ chức cuộc gặp hai bên để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, giàn khoan và tàu hộ tống vẫn ở lì trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, trong khi Trung Quốc lại “bày tỏ tin tưởng Việt Nam và Trung Quốc sẽ giải quyết được vấn đề hiện nay thông qua đối thoại”; “đề nghị có cuộc họp ASEAN - Trung Quốc để thảo luận về COC”, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc còn nói: “tình hình tại Biển Đông nói chung ổn định” và Trung Quốc “không gây rối”.

Trên thực tế, Trung Quốc thường xuyên làm trái với những lời lẽ mà họ tuyên bố. Chỉ tính từ cuối năm 2012, sau vụ cắt cáp tàu Bình Minh, thì tháng 3/2013 Trung Quốc lại bắn cháy tàu cá, ngăn cản cư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống; tháng 4/2013 Trung Quốc xây dựng trái phép các công trình dịch vụ và đưa tàu du lịch đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; tháng 5/2013 Trung Quốc lại gây áp lực lên Philippines, tại bãi cạn Scarborough.

Tháng 5/2014 đến nay Trung Quốc tiếp tục đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng gây căng thẳng với Nhật Bản và Hàn Quốc ở biển Hoa Đông bằng việc tuyên bố “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) bao trùm các vùng chồng lấn với 2 nước này. Mới đây họ lại cho công bố bản đồ dọc với 10 đoạn, chiếm gần chọn Biển Đông.

Mỹ “nói nhiều, làm ít”

Kể từ khi Mỹ tuyên bố “Kỷ nguyên Thái Bình Dương” (2011), chiến lược “xoay trục” về châu Á–Thái Bình Dương (CA-TBD), cam kết hành động theo Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đến nay, dư luận cho rằng  Mỹ vẫn “nói nhiều hơn làm”.

Việc cơ cấu lại lực lượng toàn cầu theo quan hệ “60/40” giữa châu Á và châu Âu vẫn không được thể hiện. Số lính thủy đánh bộ Mỹ điều chuyển đến Australia hai lần mới chỉ là 450/2.500 theo kế hoạch.

Mỹ-Trung Quốc có xứng tầm nước lớn? ảnh 2Thay vì những tuyên bố mạnh mẽ nhưm thế này, Tổng thống Mỹ Obama cần có những hành động cụ thể để lấy lại vị thế nước lớn cho Mỹ (Ảnh AP)

Việc triển khai vũ khí trang bị hiện đại như: máy bay trinh sát không người lái Global Hawk, hệ thống radar X-band mới, máy bay tuần tra biển P-8 cũng phải đến cuối năm 2014 mới bắt đầu.

Theo giới phân tích, mục tiêu của chiến lược “xoay trục” của Mỹ là kiềm chế, cô lập Trung Quốc tại khu vực CA-TBD. Tuy nhiên, chiến lược xuyên suốt từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai của Mỹ đến nay và cả tương lai, đó là bảo vệ lợi ích của mình và đồng minh.

NATO đang đối đầu với Nga trong tham vọng “Đông tiến”. Vì NATO là xương sống trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, nên Mỹ không thể từ bỏ châu Âu, không thể để châu Âu ngày càng phụ thuộc nhiều hơn về kinh tế - năng lượng vào Nga, nhưng Mỹ cũng không để châu Á-Thái Bình Dương nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.

Vì thế, nhiều động thái cho thấy do “lực bất tòng tâm”, nên Mỹ phải chia sẻ trách nhiệm cho đồng minh, bằng việc xây dựng tại khu vực một “chuỗi đảo đồng minh” với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và sự hậu thuẫn của Australia.

Trong tình huống Mỹ vắng mặt sẽ phải có một quốc gia có vai trò điều phối. Quốc gia đó chính là Nhật Bản, nên việc mở đường cho Nhật Bản tái quân sự hóa nền quốc phòng, xóa bỏ hạn chế về xuất khẩu vũ khí, thay đổi Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng, tạo hành lang pháp lý cho quân đội Nhật Bản được hoạt động bên ngoài lãnh thổ và có quyền phối hợp với quân đội đồng minh trong các tình huống tác chiến... là nằm trong ý đồ chiến lược của Mỹ.

Trong khi Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, Mỹ tuyên bố có vẻ “gay gắt, mạnh mẽ” như: “không loại trừ khả năng dùng lực lượng quân sự nếu đường hàng hải ở Biển Đông bị đe dọa”.

Trên thực tế, Mỹ chẳng có động thái tượng trưng nào, khiến Trung Quốc cảm thấy đây là thời cơ gạt Mỹ ra ngoài khu vực, đồng thời gia tăng lấn át các nước nhỏ trong khu vực để buộc họ phải khuất phục sức mạnh kinh tế, quân sự của Trung Quốc và thừa nhận vai trò lãnh đạo của họ, thay vì chính sách cân bằng các nước lớn với ASEAN là trung tâm như trước đây.

Trung Quốc bất chấp lợi ích của nước khác

Để thực hiện mục tiêu chiến lược của mình, Trung Quốc đã thực hiện phương châm “lấn dần từng bước” tiến tới “độc chiếm” Biển Đông, theo tuyên bố “đường lưỡi bò” mà chẳng dựa vào điều luật quốc tế nào cả.

Trung Quốc đã đơn phương “luật hóa”, “dân sự hóa” nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông.

Họ đã thông qua 6 luật, lập 2 cơ quan quản lý, một thành phố (Tam Sa); công bố 418 mảnh bản đồ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá, xây dựng 10 “bia chủ quyền” ở Biển Đông.

Mỹ-Trung Quốc có xứng tầm nước lớn? ảnh 3Tàu cá Trung Quốc hung hăng tấn công tàu cá Việt Nam

Trung Quốc còn lập nhiều dự án phát triển kinh tế ở Biển Đông, tập trung phát triển Hải Nam thành “căn cứ” và “bàn đạp” để mở rộng phát triển xuống phía Nam, xây dựng khu nuôi trồng thủy sản ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, diện tích 1,7 triệu km2; đẩy mạnh công tác khảo sát, thăm dò ở Biển Đông với phương châm “ưu tiên khai thác trên biển trước, trên đất liền sau; biển xa trước, biển gần sau; khu vực tranh chấp trước, khu vực do Trung Quốc quản lý sau”.

Trong thời gian vừa qua, Trung Quốc đặc biệt coi trọng việc tăng cường sức mạnh quân sự trên hướng Biển Đông. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc những năm gần đây liên tục tăng ở mức trên 10%, trong đó 40% chi cho mua sắm vũ khí trang bị, với ưu tiên cho hải quân và không quân.

Đó là những bước đi nhằm thực hiện chiến lược của Trung Quốc với tham vọng biến Trung Quốc trở thành “cường quốc hải dương” - giấc mơ “phục hưng Trung Hoa” trong tương lai, vì thế Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, đơn phương đòi “chủ quyền” của mình trên các vùng biển của nước khác và vùng tranh chấp.

Những căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông do Trung Quốc đơn phương gây ra, cùng với sự phản ứng “khiêm tốn” của Mỹ, là cách hành xử “nói một đường, làm một nẻo” (Trung Quốc), và “nói nhiều hơn làm” (Mỹ), khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Mỹ - Trung liệu có xứng tầm nước lớn có trách nhiệm ở châu Á không?./.

Theo Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm