Sau khi Thượng viện Mỹ chính thức thông qua Nghị quyết S.RES.412 về biển Đông, kêu gọi Trung Quốc trả lại hiện trạng như đã hiện hữu ở thời điểm trước ngày 1-5-2014, Xinhua vẫn vui vẻ đang tải thông tin sau nhiều năm có chút căng thẳng, bây giờ quan hệ Mỹ-Trung đang có cơ hội tốt để phục hồi.
Truyền thông Trung Quốc tiếp tục đưa đi thông tin Mỹ-Trung đã có sự đồng thuận về việc xác định định hợp tác trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt. Trước cuộc họp của hai người đứng đầu chính phủ trong hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra vào tháng 11 ở Bắc Kinh, vòng thứ 6 cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế hai nước đã bàn thảo nhiều vấn đề, trong đó có cả việc trao đổi quân sự, an ninh mạng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp.
Một cuộc gặp cấp cao giữa các nhà ngoại giao và cán bộ giữa Trung Quốc và Mỹ trong tháng 7-2014
Trong khi ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Mỹ không cố gắng để kiềm chế Trung Quốc, nhưng một hành động cụ thể của Mỹ vào lúc này sẽ là câu trả lời rõ ràng cho người bạn châu Á. Giới truyền thông ngụ ý họ mong chờ một động thái cụ thể hơn chứng tỏ sự tôn trọng của Mỹ đối với lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Đứng đầu trong số các biểu hiện mà Trung Quốc muốn thấy đó là Mỹ sẽ không can thiệp vào các vấn đề “nội bộ” của Trung Quốc và các nước trong khu vực quanh biển Đông. Điều đó có nghĩa là Mỹ không nên “làm người thứ ba” trong việc này. Có thể thấy rõ nghị quyết S.RES.412 ban hành hôm 10-7 đã hoàn toàn đi ngược lại với mong mỏi của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên khai mạc đối thoại S & ED hôm 9-7. Ảnh: Reuters
Phía Trung Quốc còn đưa ra ám chỉ về cái bẫy của lý luận Thucydides, một trong những nhà triết gia đã đưa ra khái niệm chính trị thực dụng. Thucydides gọi đó là kiểu quan hệ chính trị mà các quốc gia chỉ dựa trên sức mạnh chứ không phải công lý. Trung Quốc “nhắc nhở” Mỹ hãy biết rằng hợp tác song phương mới là xu hướng để các quốc gia thực hiện trong thế kỷ 21, đồng thời để xây dựng được hòa bình phát triển thì không thể dựa vào chính trị thực dụng cũng như không thể có sự “sợ hãi” trong mô hình ngoại giao của thời kỳ này.
Xinhua còn dẫn một lời “đe dọa” ngầm: Thế kỷ 21 không nhất thiết phải được đánh dấu bằng sự đi lên của Trung Quốc với cái giá phải trả là bước lùi của Mỹ.
Như vậy, không hiểu Trung Quốc thấy gì từ những chính sách và cách hành xử mà họ đang áp đặt ở biển Đông trong thời gian qua? Khi mà bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp các công ước, nguyên tắc ứng xử trên biển do đích thân họ tham gia ký kết, bằng các tuyên bố đơn phương và các biện pháp thể hiện sức mạnh khác, Trung Quốc vẫn ngày đêm củng cố yêu sách đường lưỡi bò nhằm bao trọn biển Đông? Hiện đang có sự mâu thuận rất rõ ràng giữa lời nói và hành động của một nước tự xưng là cường quốc ở châu Á.
An Khương