Theo AFP, hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, bao gồm cả việc xây đảo nhân tạo và cơ sở quân sự trên các đảo đá chìm thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại.
Trong ngày 21/5, kênh CNN đã phát đi đoạn video quay từ máy bay do thám P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ trên vùng trời phía trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép. Video có đoạn Trung Quốc yêu cầu máy bay Mỹ phải rời khu vực nói trên.
Trung Quốc đã dùng sóng thông báo “đây là Hải quân Trung Quốc... các người hãy đi đi... để tránh hiểu lầm” và phi công Mỹ đã đáp lại rằng đây là “không phận quốc tế.”
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang ngược nói rằng “lực lượng đồn trú của Trung Quốc đã buộc máy bay nói trên phải rời khỏi khu vực theo quy định.”
Ông Hồng Lỗi cũng nói rằng hành động của Mỹ đe dọa tới an ninh đồng thời lớn tiếng yêu cầu Mỹ “không có bất kỳ hành động gây hấn nào nữa.”
Cùng ngày,Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel tuyên bố chuyến bay do thám của Mỹ là “hoàn toàn phù hợp” và các lực lượng Hải quân Mỹ cùng máy bay quân sự nước này sẽ “tiếp tục thực hiện đầy đủ” quyền hoạt động ở các vùng biển và không phận quốc tế.
Ông Russel cho biết thêm Mỹ sẽ hành động nhiều hơn nữa nhằm đảm bảo tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền này.
Trước đó, ngày 21/5, trả lời câu hỏi về việc hãng truyền hình CNN công bố video về việc các máy bay Hoa Kỳ bị tàu hải quân Trung Quốc đuổi nhiều lần ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Khu vực Biển Đông là nơi có tuyến hàng hải và hành lang hàng không quốc tế rất quan trọng. Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích, nguyện vọng chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Vì vậy, Việt Nam kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; không làm phức tạp thêm tình hình./.