Trang mạng khẳng định, chuyến tàu này mang theo những nhu yếu phẩm và trang thiết bị để “hỗ trợ” việc “định cư” trên cái mà Trung Quốc gọi là “thành phố Tam Sa”, thành lập trên hòn đảo mà Trung Quốc hiện đang chiếm đóng trái phép.
Trang Want China Times cho biết, con tàu tiếp tế được Trung Quốc đặt tên là “Tam Sa I”, có chiều dài 122 mét và chiều rộng 21 mét, độ giãn nước 7.800 tấn.
Trung Quốc triển khai thêm một tàu tiếp tế thường trực cho "thành phố Tam Sa" thiết lập trái phép trên đảo Phú Lâm của Việt Nam
Con tàu này có thể mang theo đến 456 người, đồng thời có sức chứa tiêu chuẩn là 20 công-ten-nơ. Nó có thể di chuyển hơn 9600 km mà không cần cập cảng, vận tốc tối đa đạt 35km/h. Tàu còn có một bãi đậu trực thăng để “phục vụ các chiến dịch cứu hộ”.
Theo Feng Wenhai, người được chính quyền Trung Quốc phân công làm “phó thị trưởng” của "Tam Sa", đã lớn tiếng khẳng định: “Tàu Tam Sa I có khả năng bao phủ toàn bộ khu vực Biển Đông, tiến đến cả các đảo và bãi cạn phía Nam (quần đảo Trường Sa)”.
Nhiều khả năng, Feng Wenhai đang ẩn ý nhắc đến những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang ngang ngược cho xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa, làm thay đổi hiện trạng và đe dọa an ninh khu vực.
Với sự xuất hiện của tàu “Tam Sa I”, tổng thời gian chở hàng tiếp tế từ đảo Hải Nam ra đảo Phú Lâm được giảm từ 15 tiếng xuống còn 10 tiếng đồng hồ. Trước “Tam Sa I”, các chuyến hàng ra Phú Lâm được vận chuyển bởi duy nhất tàu Qiongsha III.
Tổng khối lượng chuyên chở của tàu “Tam Sa I” gấp đến bốn lần tàu Qiongsha III. Được biết, các chuyến hàng chủ yếu bao gồm nước ngọt, thực phẩm, xăng dầu và vật liệu xây dựng.
Theo Want China Times, hiện “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc đã có khoảng 1000 dân, đạt tầm mức một thành phố cỡ nhỏ. Sau gần hai năm cho xây dựng, đảo Phú Lâm đã có đường nhựa, khách sạn, nhà hàng, các quán bar và cả bệnh viện.
Trung Quốc còn cho xây dựng thêm bốn máy lọc nước muối, có khả năng cung cấp đến những 200 tấn nước ngọt cho người dân. Một trường học cũng đang được ráo riết xây dựng.