Các nhà khoa học tại trường đại học Trung Quốc và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết virus cúm heo G4 mới có thể thích nghi, lây truyền từ heo sang người và gây ra dịch bệnh toàn cầu, báo The Guardian đưa tin.
Các nhà khoa học cho biết cần phải theo dõi chặt chẽ loại virus này vì các dấu hiệu có được cho thấy nó có khả năng thích nghi cao và dễ dàng lây nhiễm cho người.
Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát hiện ra một loại cúm heo mới có khả năng gây ra đại dịch. Ảnh: Alamy Stock Photo/The Guardian
Nghiên cứu mới vừa được công bố trong Kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc cho thấy heo có thể bị nhiễm một loại cúm mới có tên là G4.
Nó là sự pha trộn độc đáo của ba loại cúm được tìm thấy ở các loài chim châu Âu và châu Á, chủng cúm H1N1 từng gây ra dịch bệnh năm 2009 khiến nửa triệu người trên thế giới tử vong và một loại cúm Bắc Mỹ có gen từ virus cúm gia cầm, người và heo.
Từ năm 2011 đến 2018, các nhà nghiên cứu từ Đại học Nông nghiệp Trung Quốc (CAU) do ông Liu Kimua dẫn đầu đã thu thập được 30.000 mẫu thử dịch nhầy từ mũi heo tại các lò mổ ở 10 tỉnh của Trung Quốc và 1.000 mẫu thử từ những con heo có vấn đề hô hấp ở một bệnh viện thú y. Dự án xác định các chủng cúm tiềm năng này đã thu thập tổng cộng 179 chủng virus cúm heo.
Kết quả thu được cho thấy virus G4 có khả năng lây nhiễm cao, sao chép tế bào của con người và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở chồn sương so với các loại virus khác.
Các thử nghiệm cũng cho thấy cơ thể những người miễn dịch được với cúm mùa nhưng lại không tự miễn dịch được với virus G4. Xét nghiệm máu cũng cho thấy 10.4% công nhân chăm sóc heo bị nhiễm bệnh. Các thử nghiệm cũng cho thấy có tới 4,4% dân số nói chung cũng đã bị phơi nhiễm trước loại virus này.
Điều này cho thấy loại virus này dễ dàng truyền từ heo sang người. Mặc dù vậy, tính đến nay các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể nào cho thấy loại virus này có thể truyền từ người sang người.
Tuy nhiên, các nhà khoa học kêu gọi tăng cường giám sát kỹ đàn lợn và người chăm sóc để tránh trường hợp dịch bệnh lây lan nhanh chóng và trở thành đại dịch.