Trung Quốc ráo riết chạy đua điều chế thuốc trị COVID-19

Hiện nay, thông tin về thuốc trị COVID-19 hầu như chỉ tập trung vào hai ứng viên thuốc viên của hai tập đoàn dược phẩm Mỹ là Merck và Pfizer. Theo thông tin trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 7-11 thì các công ty dược phẩm Trung Quốc (TQ) cũng đang ráo riết chạy đua phát triển bào chế thuốc trị COVID-19.

Cuộc đua giữa các công ty Trung Quốc với Merck, Pfizer

Merck và Pfizer đã bắt đầu nghiên cứu bào chế thuốc trị COVID-19 từ nhiều tháng trước và mới đây lần lượt công bố các con số hiệu quả điều trị rất lạc quan. Cả Merck và Pfizer đều cho biết quá trình thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc giúp giảm mạnh nguy cơ nhập viện ở người nhiễm - giảm 50% ở Molnuporavir của Merck, 90% ở Paxlovid của Pfizer. Tuy nhiên, không nên so sánh trực tiếp các con số tỉ lệ hiệu quả này vì quy trình nghiên cứu hai bên khác nhau.

Với hai loại thuốc của Merck và Pfizer, bệnh nhân có thể uống dễ dàng tại nhà, ngay khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện nhằm tránh để bệnh tiến triển nặng thêm và phải nhập viện. Một liệu trình điều trị thông thường là năm ngày, mỗi ngày hai liều. Tới lúc này hai loại thuốc trên chưa cho thấy nhiều tác dụng phụ.

Hiện thuốc Molnupiravir của Merck đã được các cơ quan quản lý y tế Anh phê duyệt sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 có rủi ro trở nặng, như các đối tượng người già, người bị béo phì, bị tiểu đường. Các cơ quan quản lý y tế Mỹ và Liên minh châu Âu đang khẩn trương xem xét đề nghị xin phê duyệt từ Merck và Pfizer.

Ngày 7-11, Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời của một số chuyên gia TQ rằng các công ty nước này “đang có những bước tiến vững vàng trên tiến trình nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị COVID-19”. Hiện có ít nhất bốn công ty dược phẩm TQ đang tham gia phát triển thuốc trị COVID-19 và hầu hết ứng viên thuốc đang ở giai đoạn thử nghiệm 2-3.

Trung Quốc ráo riết chạy đua điều chế thuốc trị COVID-19 ảnh 1
Thuốc điều trị sẽ mở ra một chương mới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Bên trong một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Moscow (Nga). Ảnh: REUTERS

China National Biotec Group - công ty con của tập đoàn dược phẩm quốc gia TQ Sinopharm - cho biết ứng viên thuốc trị COVID-19 của mình được phát triển dựa trên một loại globulin miễn dịch cụ thể và đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Ứng viên thuốc này đã được các cơ quan quản lý y tế ở TQ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất phê duyệt. 

Brii Biosciences - công ty công nghệ sinh học có trụ sở ở cả TQ và Mỹ - đã gửi đơn đề nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ phê duyệt khẩn cấp cho liệu pháp kết hợp kháng thể đơn dòng trung hòa SARS-CoV-2 BRII-196/BRII-198 được cho có thể làm giảm đến 78% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân nguy cơ cao.

Tuần trước, Công ty công nghệ Kintor cho biết đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng ứng viên thuốc của mình - một loại thuốc hợp chất phân tử nhỏ Pukru amine - lên một số lượng bệnh nhân tại một trung tâm y tế ở Mỹ. Trước đó, một loại thuốc trị COVID-19 dựa trên kháng thể trung hòa của công ty này đã được 15 nước và một số khu vực phê duyệt khẩn cấp.

Tập đoàn Dược Luye Pharma cho biết quá trình nghiên cứu và phát triển LY-CovMab - một loại kháng thể theo phương pháp mới - của công ty con Boan Biotech đã có tiến bộ lớn. Ứng viên thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 ở TQ và nhiều quốc gia, khu vực ở nước ngoài.

Trung Quốc sẽ có lợi thế về giá?

Bên cạnh tiến trình nghiên cứu bào chế thuốc, một yếu tố được các chuyên gia TQ đề cập nữa là giá. Một lợi thế của TQ theo lời các chuyên gia là thuốc trị COVID-19 của các công ty TQ sẽ có giá rẻ chứ không cao như của các công ty Mỹ, tương tự như vaccine và điều này sẽ giúp chấm dứt đại dịch sớm hơn.

Nhà miễn dịch học Zhuang Shilihe (TQ) cho rằng các hãng dược Mỹ như Pfizer khả năng sẽ bán thuốc Paxlovid với giá cao và các khu vực đang phát triển sẽ khó tiếp cận, như những gì đã xảy ra với vaccine ngừa COVID-19 công nghệ mRNA của hãng này.

Merck chưa công bố chính xác giá bán thuốc Molnupiravir, tuy nhiên theo tính toán của chính phủ Mỹ thì chi phí trung bình mỗi liệu trình điều trị (năm ngày) là 700 USD. Tới thời điểm này, Merck đã có được đơn đặt hàng trị giá 2,2 tỉ USD của chính phủ Mỹ cho 3,1 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir. Hôm 10-11, Merck cũng cho biết chính phủ Nhật thỏa thuận chi 1,2 tỉ USD đặt mua 1,6 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir.

Pfizer chưa công bố giá bán thuốc Paxlovid song có nói rằng giá sẽ ở mức “chịu được”, đồng thời cho biết sẽ áp dụng chính sách định giá theo tầng tùy vào mức thu nhập của từng nước. Ngày 7-11, Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Hàn Quốc cho biết sẽ đặt mua một số lượng liệu trình thuốc Paxlovid đủ cung cấp cho 404.000 bệnh nhân và thuốc sẽ đến vào tháng 2-2022 nhưng không cung cấp thông tin về giá cả.

Trao đổi với Thời báo Hoàn Cầu, chuyên gia về vaccine Tao Lina (TQ) cho rằng một khi các loại thuốc của các công ty TQ được lưu hành, chúng sẽ giúp mở rộng khả năng tiếp cận thuốc cho khắp thế giới, nhờ nước này có năng lực sản xuất mạnh mẽ cũng như có dư sự hào phóng trong việc đóng góp vào cuộc chiến chống đại dịch của toàn cầu.

Ông Zhuang nhắc đến khoảng cách quá lớn về tỉ lệ tiêm chủng giữa các nước giàu và nước nghèo, đồng thời cho rằng trong cuộc chiến chống COVID-19 thì bản thân chuyện tiếp cận quan trọng hơn cả tính hiệu quả của vaccine hay thuốc điều trị.•

 Tiêm chủng và các biện pháp điều trị hỗ trợ vẫn là những cách hiệu quả nhất trong việc chống lại COVID-19, trong khi đó thuốc uống thời điểm này chỉ mới là “lớp kem trên cái bánh ngọt” (có thể hiểu chỉ là một tín hiệu may mắn) 
Chuyên gia vaccine TAO LINA

Thuốc điều trị không thể thay thế vaccine

Theo nhiều chuyên gia, dù sắp tới thuốc kháng virus đặc trị COVID-19 có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong được lưu hành đi nữa thì vaccine vẫn là công cụ chống COVID-19 hiệu quả nhất mà thuốc điều trị không thể thay thế.

Theo nhiều chuyên gia, vaccine không chỉ hạn chế bớt rủi ro bị lây nhiễm cho người được tiêm mà còn chặn bớt nguy cơ họ lây cho người khác, nếu không may họ bị nhiễm. Điều này chẳng những tăng bảo vệ cho cá nhân mà cho cả cộng đồng.

Đồng quan điểm, nhà miễn dịch học Zhuang Shilihe cho rằng tiêm chủng là cách tốt nhất để ngăn ngừa và kiểm soát mọi loại bệnh tật lây truyền qua đường giao tiếp. Thậm chí, các loại thuốc kháng virus có được lưu hành thì vẫn cần thiết phải chú trọng việc tiêm chủng và tiêm nhắc lại, vì chỉ thuốc điều trị thì không thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm hay giúp có được miễn dịch cộng đồng.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm