Trung Quốc trước thảm họa đại dịch

Tờ South China Morning Post cho biết các nhà khoa học mới đây đã phát hiện trong bầu không khí ô nhiễm trầm trọng tại Bắc Kinh nhiều gien vi khuẩn có khả năng chống kháng sinh, thậm chí là chịu được cả những thuốc kháng sinh mạnh nhất đang có hiện nay.

Khói độc ẩn chứa siêu vi khuẩn

Trong một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Microbiome, các nhà khoa học thuộc ĐH Gothenburg (Thụy Điển) đã tiến hành phân tích 864 mẫu ADN của người, động vật và môi trường sinh thái trên toàn thế giới. Trong số đó, các nhà khoa học Thụy Điển đã phát hiện khói độc tại Bắc Kinh đang ẩn chứa một số lượng lớn chủng loại gien có sự tương đồng cao hoặc giống hệt với các mẫu gien có khả năng chống kháng sinh (ARG).

Tờ South China Morning Post cho biết các nhà khoa học đã thu thập các mẫu khói độc trong một đợt sương mù khói độc bao phủ Bắc Kinh trong năm ngày liên tiếp. Theo nghiên cứu này, bên trong khói độc tại Bắc Kinh có đến hơn 64 loại ARG. Các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều mẫu gien có khả năng chống cả nhóm kháng sinh carbapenems. Đây là nhóm kháng sinh mạnh nhất, được xem là “niềm hy vọng cuối cùng” để điều trị các trường hợp nhiễm trùng khó điều trị.

Joakim Larson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về chống kháng sinh thuộc Viện Sahlgrenska của ĐH Gothenburg, cho biết: “Khói độc tại Bắc Kinh có vẻ là một phương thức truyền nhiễm vi khuẩn nghiêm trọng hơn chúng ta từng tưởng tượng”. Larson cũng là người dẫn đầu dự án nghiên cứu này của ĐH Gothenburg. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của ông không nêu rõ liệu các vi khuẩn có khả năng kháng lại kháng sinh này có bị giết chết bởi bầu không khí ô nhiễm này hay không. Nếu nghiên cứu chỉ ra được khả năng sống sót của các vi khuẩn kháng kháng sinh bên trong bầu không khí ô nhiễm ở Bắc Kinh, nỗi lo sợ về một tương lai thảm họa sẽ tăng cao.

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể kết luận được tỉ lệ chính xác lượng vi khuẩn kháng kháng sinh đang sống được bên trong lớp sương mù khí độc tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, các tác giả của công trình nghiên cứu này vẫn cho rằng tình hình rất đáng lo ngại, khẳng định vấn đề vi khuẩn kháng kháng sinh đang là mối nguy hại mang tính chất toàn cầu.

Trong không khí ô nhiễm tại Trung Quốc đang tồn tại nhiều mẫu gien có khả năng giúp vi khuẩn chống chọi được thuốc kháng sinh. Ảnh: SCMP

Báo động toàn cầu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng hiện tượng kháng kháng sinh ở các chủng vi khuẩn đang ngày một tăng cao đáng báo động trên toàn thế giới. Nhiều bệnh nhiễm trùng hiện nay đang ngày một khó điều trị hơn do các loại kháng sinh ngày một kém hiệu quả.

Theo một nghiên cứu khảo sát toàn cầu về vi khuẩn kháng kháng sinh, được chỉ định thực hiện bởi cựu Thủ tướng Anh David Cameron, người ta ước đoán đến năm 2050 Trung Quốc sẽ có hơn một triệu trường hợp chết sớm trước tuổi vì các bệnh liên quan đến vi khuẩn kháng kháng sinh. Riêng tại Hong Kong, mỗi năm có khoảng 250 người chết vì bị nhiễm trùng Staphylococcus có khả năng kháng thuốc kháng sinh mathichillin.

Vào năm 2015, các nhà khoa học đã phát hiện tại Trung Quốc một mẫu gien tên MCR-1 trong vi khuẩn có nguồn gốc từ gia súc và các bệnh nhân. MCR-1 cho phép vi khuẩn kháng được kháng sinh colistin, vốn là loại kháng sinh chỉ được dùng đến một khi không còn bất kỳ loại kháng sinh nào có thể điều trị được nữa. Phát hiện này khiến cả cộng đồng y học thế giới lo sợ.

Kể từ khi penicillin được phát minh vào năm 1928 đến nay, hàng triệu người đã được cứu sống khỏi các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm nhờ thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, với việc sử dụng thuốc kháng sinh rộng rãi và quá tùy tiện, các loại vi khuẩn đang tiến hóa nhanh chóng và có khả năng kháng kháng sinh ngày một cao. Trung Quốc hiện nay chính là nhà sản xuất và cũng là nơi tiêu thụ thuốc kháng sinh hàng đầu thế giới.

Trong khi đó kể từ năm 1980 đến nay, tốc độ phát minh ra kháng sinh mới và mạnh hơn đang ngày một chậm lại. Còn các biện pháp điều trị thay thế thuốc kháng sinh vẫn chưa được hoàn thiện. Các nhà khoa học cảnh báo nếu có một thảm họa siêu khuẩn kháng mọi loại kháng sinh trên đời, mức độ đe dọa của nó sẽ còn kinh hoàng hơn cả khủng bố hay biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện nay mỗi năm đã có hơn 700.000 người chết vì các bệnh nhiễm trùng kháng kháng sinh.

Cấm không nổi

Colistin, loại kháng sinh “nặng ký” mà mẫu gien MCR-1 đã đủ sức kháng cự, ít được các bác sĩ sử dụng do những tác dụng phụ độc hại của nó, đặc biệt là nguy cơ làm suy thận bệnh nhân. Tuy nhiên, loại kháng sinh này lại đang được nông dân Trung Quốc sử dụng phổ biến với số lượng lớn, theo South China Morning Post.

Các nông trại tại Trung Quốc thường xuyên cho tiêm đại trà các loại kháng sinh cực mạnh để ngăn dịch bệnh bùng phát do điều kiện nuôi nhốt thường không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn dịch tễ. Không những thế, kháng sinh còn có khả năng giúp gia súc lớn nhanh, tăng trọng, mang lại lợi nhuận cao cho các chủ nông trại. Dù Mỹ và các nước châu Âu đã thắt chặt quản lý kháng sinh trong chăn nuôi, các quy định này tại Trung Quốc vẫn khá lỏng lẻo.

Trước các phát hiện đáng lo ngại về các loại “siêu khuẩn” kháng thuốc, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu có các bước đi thắt chặt kiểm soát kháng sinh. Ba tháng trước, Bắc Kinh đã đưa ra một chương trình hành động quốc gia nhằm giảm việc lạm dụng kháng sinh. Colistin sẽ bị cấm sử dụng làm thuốc kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, loại thuốc này vẫn được phép tiêm phòng cho gia súc. Nhiều chuyên gia lo ngại vẫn sẽ có những người qua mặt chính phủ để lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

Năm 2015, Hội Người tiêu dùng tại Hong Kong cũng đã bắt đầu tạo sức ép yêu cầu các cơ sở chế biến thực phẩm đưa ra chính sách loại bỏ các sản phẩm có chứa kháng sinh. Các chuyên gia hy vọng việc thắt chặt đầu tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp giảm tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới