Trung tâm điều hành giao thông thông minh sẽ gỡ ùn tắc

“Cần nâng cấp, mở rộng Trung tâm Điều hành giao thông thông minh TP.HCM để đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành giao thông, trong đó ưu tiên mở rộng ra các quận, huyện có mật độ lưu thông cao”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo tại buổi khảo sát trung tâm này ngày 15-7.

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc trung tâm đã kết nối gần 1.000 camera ở TP để giám sát và điều khiển giao thông thể hiện khả năng làm chủ công nghệ, giúp TP kiểm soát tốt vấn đề giao thông, nhất là ở khu vực trung tâm và các cửa ngõ.

“Sở GTVT và các sở, ngành sớm nghiên cứu mở rộng hệ thống này thời gian tới, trong đó ưu tiên các quận, huyện có mật động lưu thông cao, dựa trên các tính toán lưu lượng các phương tiện. Ngoài ra, cần xác định rõ đối tác chiến lược của đề án; học hỏi kinh nghiệm quốc tế, xây dựng các khóa đào tạo, cử người đi đào tạo ở nước ngoài… để chuẩn bị nhân lực cho giai đoạn sau” - ông Nhân yêu cầu.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết thời gian tới, TP sẽ nâng cấp công nghệ của Trung tâm Điều hành giao thông thông minh để phù hợp với Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Bên cạnh đó, TP cũng hướng tới xây dựng hệ thống mạng riêng, gắn với thí điểm triển khai mạng 5G cho giao thông thông minh cũng như đô thị thông minh của TP.

Báo cáo với bí thư Thành ủy, Giám đốc Sở GTVT TP, ông Trần Quang Lâm cho biết trong giai đoạn 2, trung tâm sẽ được mở rộng với quy mô toàn thành, bổ sung thêm sáu chức năng mới so với hiện tại. “Sở cũng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới camera giám sát giao thông lắp đặt phủ khắp các vị trí có tình hình giao thông phức tạp, các điểm đen về tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông” - ông Lâm nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu hoạt động của Trung tâm Điều hành giao thông thông minh ngày 15-7. Ảnh: TL

Gỡ bốn khó khăn

Báo cáo về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành giao thông đô thị của Sở GTVT TP cũng cho thấy hiện có bốn khó khăn trong quá trình triển khai đề án cần sớm được tháo gỡ.

Thứ nhất, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới còn chậm và chưa đồng bộ, chưa hỗ trợ nhau trong việc giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị. Mặt khác, công tác duy tu, bảo trì cũng chưa được chuẩn hóa, quá trình cập nhật công nghệ chưa đảm bảo tốc độ phát triển của công nghệ thông tin thế giới.

2 sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi thuộc ĐH bang Arizona vừa được Sở GTVT TP tiếp nhận để trực tiếp vận hành mô hình mô phỏng dự báo nhu cầu giao thông của TP. 

Thứ hai, về cơ sở hạ tầng truyền dẫn (được xem là xương sống của một đô thị thông minh), Sở GTVT cho rằng việc thuê dịch vụ hạ tầng truyền dẫn để kết nối các thiết bị từ các nhà mạng viễn thông như hiện nay phát sinh nhiều hạn chế như chi phí thuê, mức độ ổn định, băng thông, an ninh... Do đó, sở này kiến nghị cần nghiên cứu quy hoạch hệ thống hạ tầng truyền dẫn đồng bộ phục vụ quản lý đô thị thông minh thời gian tới.

Vấn đề thứ ba là về hệ thống pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức trong lĩnh vực công nghệ thông tin chưa đầy đủ nên việc thực hiện các dự án công nghệ thông tin theo quy trình đầu tư công như hiện nay không đảm bảo tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ. “Hiện nay, tiêu chuẩn Việt Nam về kiến trúc tổng thể cho hệ thống giao thông thông minh vẫn chưa được ban hành (Bộ GTVT đang trong quá trình soạn thảo)” - Sở GTVT báo cáo.

Cuối cùng là khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác quản lý và vận hành hệ thống giao thông thông minh còn hạn chế, chưa thể đảm bảo cho việc phát triển bền vững của hệ thống giao thông thông minh trong tương lai. “Ngoài ra, chế độ đãi ngộ cho nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng nên ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng” - Sở GTVT cho biết.

Hình thành trung tâm điều khiển giao thông thông minh toàn TP 

Đề án xây dựng Trung tâm Điều hành giao thông thông minh TP.HCM (được xem là hiện đại nhất cả nước) với giai đoạn 1 (2019-2020) đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông tập trung trên cơ sở nâng cấp, tận dụng hệ thống hạ tầng hiện hữu. Giai đoạn này, cơ quan chức năng đã đầu tư lắp đặt, kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu 775 camera giám sát giao thông tập trung tại trung tâm; cùng đó tổ chức điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp cho 188 nút giao thông quan trọng thuộc 78 tuyến đường khu vực trung tâm TP và 28 nút giao thông trên tuyến Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống.

Giai đoạn 2 (sau 2020), hoàn thành Trung tâm Điều hành giao thông thông minh với quy mô toàn TP trên cơ sở nền tảng Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông giai đoạn 1 và các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đã thực hiện. Dự kiến mô hình Trung tâm Điều hành giao thông thông minh hoàn chỉnh sẽ bao gồm 10 chức năng chính gồm: Giám sát giao thông, điều khiển giao thông, cung cấp thông tin giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm giao thông, giám sát và điều hành hệ thống giao thông công cộng... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới