Cô gái ngần ngừ trước Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM một lúc rồi mới đẩy cửa bước vào. Thấy cô ấp úng, nhân viên Trung tâm mời cô vào phòng tư vấn kín và cử một nữ luật sư tiếp chuyện cô. Cô gái tên là Tô Thị D., nạn nhân của một vụ hiếp dâm. Sắp tới, khi vụ án được đưa ra xét xử, chắc hẳn cô sẽ yên tâm vì Trung tâm đã cử người bảo vệ quyền và lợi ích của cô trước tòa.
Phòng tư vấn kín là sáng kiến của ông Hà Phước Tài khi nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm vào tháng 7-2007. Nhận thấy có nhiều vụ việc tế nhị, ông quyết định dành riêng một phòng kín để người dân tiện giãi bày.
Vực dậy những đứa trẻ sa chân
Trong nhóm đối tượng cần được trợ giúp, Trung tâm trợ giúp pháp lý TP.HCM đặc biệt quan tâm đến các trẻ em phạm tội. Trung tâm cố gắng vực các em đứng dậy, không để các em tiếp tục sa chân.
Một trong những trường hợp như vậy là em Lê Minh N. (16 tuổi, Đồng Tháp). Nhà nghèo, em nghỉ học sớm, lên TP.HCM làm trong một cơ sở khăn lạnh. Một buổi tối tháng 7-2007, chủ giao N. xe máy phân khối lớn để đi nhận khăn. Khi băng qua đường, em tông phải xe của một đôi nam nữ làm người lái xe chết tại chỗ. N. bị truy tố theo điểm a khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Vì không có giấy phép lái xe, N. có thể bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, người được cử bào chữa cho N., đã trực tiếp đến hiện trường tai nạn để quan sát. Ông cũng thuyết phục được gia đình nạn nhân làm đơn bãi nại. Tại phiên tòa, luật sư chứng minh rằng N. chỉ có lỗi hành chính là không có giấy phép lái xe, còn lỗi hỗn hợp thuộc về nạn nhân: say rượu, lái xe với tốc độ cao. Kết quả, N. được Tòa tuyên xử hai năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Tham gia vụ án trên từ giai đoạn điều tra, luật sư Trạch cho biết: “Chính cảm giác mình đang làm việc tốt, có ích cho người nghèo mà tôi đã gắn bó với Trung tâm. Tôi làm việc với tâm niệm sẽ tương trợ, giúp đỡ được người khốn khó...”.
Cũng nhờ được bào chữa thành công mà em Đào Vũ L. (17 tuổi, TP.HCM) lại tiếp tục đến trường. Cuối năm 2007, em cùng ba người khác cắt trộm dây điện. Em bị truy tố về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo Điều 231 Bộ luật Hình sự. Nếu bị ghép vào điểm a khoản 2 Điều 231 (phạm tội có tổ chức) em có thể bị xử phạt ít nhất là 10 năm tù.
Luật sư Vũ Quang Đức, người bào chữa cho L., đã đến nhà em và biết rằng em là đứa con duy nhất trong gia đình. Ra tòa, luật sư chứng minh được trường hợp của em chỉ rơi vào khoản 1 (ít nhất ba năm tù giam). Cả hai vị hội thẩm của phiên tòa hôm ấy đều là giảng viên đại học và tỏ ra thông cảm cho L. vì em đang là học viên của một trường nghiệp vụ kỹ thuật. Kết quả phiên xử rất đáng mừng: Hội đồng xét xử tuyên phạt L. 24 tháng tù và cho hưởng án treo.
Không thụ động chờ đợi, Trung tâm còn tự tìm đến các đối tượng cần được trợ giúp. Tháng 10-2007, bốn em học sinh Trường trung học cơ sở Trần Phú (phường 15, quận 10) bị năm dân quân bắt giữ, đánh đập. Trung tâm liền cử luật sư liên hệ gia đình từng em, nhận bảo vệ quyền và lợi ích cho các em trước tòa...
Giúp đỡ cho cả người ngoài diện
Được thành lập từ năm 1998, đến nay Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM có gần 1.000 cộng tác viên, rải khắp 24 quận huyện, trong đó hơn 130 người là luật sư. Trung tâm đã trợ giúp miễn phí cho gần 120.000 lượt người. Hình thức trợ giúp rất phong phú: trực tiếp tư vấn bằng miệng, bằng văn bản; cử luật sư đại diện, bào chữa... Các lĩnh vực trợ giúp rất đa dạng, nhiều nhất là về nhà đất, tiếp đó là các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, khiếu nại, tố cáo, hình sự... Đặc biệt, khi về tư vấn lưu động ở các vùng sâu, vùng xa, Trung tâm còn kết hợp với các cơ sở y tế để khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo.
Theo Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý, đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí gồm có người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đến Trung tâm, người dân chỉ cần nộp bản sao giấy chứng nhận mình thuộc diện trên, hoặc điền vào mẫu đơn có sẵn rồi về địa phương chứng nhận. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp ngoài các diện trên, Trung tâm vẫn sẵn lòng giúp đỡ. Địa điểm tư vấn rất linh động: ngay trung tâm, tại nhà riêng của các luật sư và cộng tác viên, các tổ trợ giúp pháp lý trực thuộc, tư vấn lưu động.
Theo Luật trên, các đối tượng không phải trả tiền. Thù lao dành cho luật sư và cộng tác viên lấy từ kinh phí nhà nước. Với ý thức mình đang làm công tác xã hội, nhiều luật sư còn tự nguyện làm “cam kết không nhận thù lao” khi nhận bào chữa cho người không thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý-Bộ Tư pháp, đánh giá: “Công tác trợ giúp pháp lý tại TP.HCM được thực hiện tốt, một phần nhờ nơi đây có lực lượng luật sư và cộng tác viên đông đảo. Đầu năm nay, TP.HCM là một trong số 47 tỉnh thành trên toàn quốc phê duyệt đề án kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý. Trên cơ sở đề án của các tỉnh, Bộ Tư pháp vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề án quy hoạch mạng lưới trung tâm và chi nhánh trợ giúp pháp lý trên toàn quốc. Đề án sẽ xác định được nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và tìm cách mở rộng nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đó”.
Bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý-Bộ Tư pháp: Giúp pháp luật đi vào cuộc sống Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí của người dân là rất lớn. Ngoài ý nghĩa nhân đạo, trợ giúp pháp lý còn giúp nhiều đối tượng hiểu biết pháp luật, góp phần giảm bớt những khiếu kiện không cần thiết và nâng cao ý thức hoạt động công vụ của công chức. Có thể nói, Luật Trợ giúp pháp lý giúp cho những luật khác đi vào cuộc sống. Các Trung tâm Trợ giúp pháp lý giải quyết từng vụ việc cụ thể của từng đối tượng cụ thể nên việc áp dụng pháp luật có tính thiết thực hơn, ảnh hưởng mạnh hơn so với việc phổ biến chung chung. Do đó, người dân nhớ lâu hơn. Mô hình trợ giúp pháp lý được nhân rộng với hơn 800 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cấp xã. Tuy nhiên, cái khó là hiện nay ở toàn quốc chỉ có chưa đầy 20 văn phòng luật sư và trung tâm tư vấn đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Đã vậy, lực lượng này chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM nên chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều đối tượng. |
ÁI PHƯƠNG