Trung tướng Trần Văn Độ bàn về thẩm phán suốt đời

Số trước, báo Pháp Luật TP.HCM có bài phỏng vấn GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp). GS-TS Lê Hồng Hạnh cho rằng nên bổ nhiệm thẩm phán suốt đời để có tính độc lập tư pháp.

Số này, chúng tôi tiếp tục trao đổi với Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, về chủ đề này.

Một phiên xử giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Ảnh minh họa: TTXVN

Bổ nhiệm suốt đời cần ba điều kiện

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời?

+ Trung tướng Trần Văn Độ: Về nguyên lý, việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời có nhiều cái lợi, trong đó quan trọng nhất là bảo đảm được sự độc lập của thẩm phán và giúp đội ngũ yên tâm với nghề.

Trên thế giới, một số nước quy định việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời; một số nước cũng quy định bổ nhiệm thẩm phán theo nhiệm kỳ nhưng nhiệm kỳ này dài hơn so với ở nước ta… Tôi cho rằng dần dần chúng ta nên tiến tới quy định như vậy nhưng để làm được điều đó thì cần có lộ trình và những điều kiện.

. Cụ thể các điều kiện đó là gì, thưa ông?

+ Thứ nhất, cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán phải khoa học, khách quan, thực sự chọn được những người có năng lực. Năng lực của thẩm phán cực kỳ quan trọng, bao gồm cả trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức, từng trải cuộc sống… Một người phải có đầy đủ những yếu tố trên thì mới có thể yên tâm bổ nhiệm làm thẩm phán suốt đời.

Tất nhiên, bổ nhiệm thẩm phán suốt đời nhưng nếu anh vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức và ứng xử của thẩm phán, hoặc qua giám sát phát hiện anh bị hạn chế về năng lực nghề nghiệp thì vẫn có thể bị bãi miễn như một hình thức kỷ luật.

Việc bãi miễn thẩm phán phải thông qua một hội đồng. Ở các nước, thông thường hội đồng này gồm tổng thống và một số thẩm phán có kinh nghiệm là thành viên. Hội đồng này không giống hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia của chúng ta hiện nay khi chánh án TAND Tối cao vừa là người quản lý tòa án, vừa là chủ tịch hội đồng, còn thành viên là đại diện một số cơ quan, tổ chức…

Thứ hai là cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội, đặc biệt là của các nhà lãnh đạo đối với vai trò của tư pháp trong xã hội thế nào. Với thói quen, truyền thống từ xưa đến nay, tư pháp ở Việt Nam mặc dù đã có đổi mới nhưng hình như chưa bao giờ được xem trọng đúng mức.

Tư pháp chưa thể sánh được với lập pháp và hành pháp, ngay từ vị trí lãnh đạo trong Đảng ở trung ương và địa phương. Ở trung ương, TAND Tối cao được coi như tương đương một bộ; ở các tỉnh, tòa án được coi như một sở; còn ở cấp huyện, tòa án cũng chỉ như một phòng...

Là người tham gia vào quá trình soạn thảo hiến pháp, chúng tôi đã phải “đấu tranh” ghê lắm mới có thể đưa vào quy định là Quốc hội phê chuẩn thẩm phán TAND Tối cao. Vì họ là một thành viên của tư pháp, giống như các bộ trưởng, thành viên của Chính phủ, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, phải được Quốc hội phê chuẩn.

Thứ ba, ở Việt Nam gần như là nước duy nhất coi thẩm phán là một công chức nhà nước chứ không phải là một ngạch cán bộ riêng...

Nâng tuổi nghỉ hưu của thẩm phán Tối cao

. Ý ông là chúng ta chưa thể quy định bổ nhiệm thẩm phán suốt đời?

+ Đúng vậy, bây giờ thì chưa thể làm được. Trong các điều kiện bảo đảm nói trên, có lẽ điều quan trọng nhất là chúng ta chưa có một cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm được những người có năng lực tốt làm thẩm phán. Theo tôi, một số thẩm phán bây giờ chưa đủ năng lực thực sự để có thể yên tâm bổ nhiệm họ suốt đời.

Trung tướng Trần Văn Độ phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: VPQH

Hiện nguồn duy nhất để bổ nhiệm thẩm phán là thư ký tòa án nên vấn đề đặt ra là cần mở rộng nguồn này. Tôi có một cậu học trò vốn là kiểm sát viên. Vì một số lý do, cậu ấy xin chuyển sang làm việc ở tòa án nhưng cũng chỉ bắt đầu làm thư ký tòa án. Trong khi ở các nước, nguồn của thẩm phán chủ yếu là các luật sư và công tố viên ưu tú.

Cũng cần nói thêm là thẩm phán của mình chưa được và chưa thể tự mình phán quyết mọi chuyện. Cho nên việc bổ nhiệm thẩm phán suốt đời không mang nhiều ý nghĩa.

. Theo quy định hiện hành, nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là năm năm; nếu bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Có ý kiến cho rằng cơ chế tái bổ nhiệm làm giảm tính độc lập của thẩm phán?

+ Điều này là chắc chắn rồi. Bất cứ vấn đề gì cũng đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Với quy định trên, về mặt tích cực, người chưa được bổ nhiệm thì phấn đấu để được bổ nhiệm; bổ nhiệm rồi vẫn phải tiếp tục phấn đấu để được tái bổ nhiệm.

Cần nói thêm, thẩm phán không có thời gian tập sự, vì vậy năm năm này được coi như thời gian tập sự để thử thách, đánh giá năng lực. Nếu thực sự không đáp ứng được yêu cầu thì anh không được tái bổ nhiệm. Việc kiểm soát này cũng là cần thiết. Những người thực sự không có năng lực, đạo đức yếu thì không nên tái bổ nhiệm làm thẩm phán dài hạn.

. Vụ Pháp chế TAND Tối cao đề xuất cần có lộ trình, trước mắt bổ nhiệm suốt đời với thẩm phán TAND Tối cao. Ông có đồng tình với ý kiến này?

+ Về bản chất, thẩm phán TAND Tối cao hiện đã được bổ nhiệm suốt đời rồi, vì họ được bổ nhiệm một lần đến năm 65 tuổi (với nam) và 60 tuổi (với nữ), không có tái bổ nhiệm.

Vấn đề đặt ra là có nghiên cứu để nâng độ tuổi (nghỉ hưu - PV) của họ lên 70, 75 tuổi hay không, khi theo quy định của Bộ luật Lao động mới, tuổi nghỉ hưu được nâng lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. Theo tôi, tuổi nghỉ hưu của thẩm phán TAND Tối cao cần được nâng lên ngang bằng với độ tuổi bình quân của quốc gia, ít nhất là 70-75 tuổi.

. Xin cám ơn ông.

Đừng để đương sự “nuôi dưỡng” liêm chính của thẩm phán

Thẩm phán hiện không khác gì một công chức bình thường. Bao nhiêu nhiệm kỳ Chính phủ hứa sẽ có bậc lương riêng cho thẩm phán nhưng tới giờ vẫn chưa có. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có 6.500 thẩm phán, cho nên tôi nghĩ không phải do chúng ta thiếu tiền để tăng lương cho thẩm phán mà là thiếu cơ chế, rồi nơi này nơi kia tỵ nạnh nhau trong đội ngũ công chức...

Có rất nhiều thẩm phán gọi điện thoại cho tôi nói: “Thầy ơi, em có nên xin ra ngoài, làm luật sư, công chứng viên để kiếm đủ tiền nuôi gia đình...”. Hôm hội thảo ở Ban Nội chính, tôi có phát biểu chúng ta đòi hỏi đội ngũ thẩm phán của tòa án phải liêm chính. Muốn liêm chính thì phải nuôi dưỡng họ nhưng Nhà nước nên làm việc này chứ đừng để đương sự “nuôi dưỡng” thẩm phán, vì như vậy sẽ không còn công lý.

Ai cũng cần phải sống, phải tồn tại. Những nghề khác có thể tận dụng chuyên môn để làm thêm tăng thu nhập nhưng thẩm phán thì không thể. Nghề của anh là nghề luật nhưng anh không thể tư vấn hay làm gì được cả. Vậy tại sao những người làm nghề khác con cái được nuôi dạy đàng hoàng, còn nghề thẩm phán tưởng là vinh dự lắm nhưng nếu không có những khoản thu nhập thêm thì khó khăn lắm.

            Ông TRẦN VĂN ĐỘ

Cần sự lãnh đạo đặc thù

Thực tế thẩm phán có được tái nhiệm hay không phải có ý kiến nhận xét của cấp ủy Đảng. Trước đây từng có ý kiến đề nghị TAND Tối cao là một đảng ủy riêng trực thuộc Bộ Chính trị, hoạt động công tác Đảng của hệ thống tòa theo ngành dọc. Điều này nhằm vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa bảo đảm độc lập tư pháp. Ông có đồng tình với đề xuất này?

+ Ông Trần Văn Độ: Cái yếu nhất, hạn chế nhất của chúng ta vẫn là làm thế nào để thẩm phán độc lập. Khi nghiên cứu thành lập tòa án theo cấp xét xử, chúng tôi thấy rằng cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với tòa án là đặc thù, không phải như các cơ quan khác. Nó nên theo ngành dọc, hệ thống dọc, chứ không nên theo hệ thống ngang như hiện nay.

Chúng ta bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng nhưng sự lãnh đạo đó phải mang tính đặc thù của từng hệ thống. Lãnh đạo một công chức phải khác một thẩm phán. Lãnh đạo một sở, ban, ngành phải khác lãnh đạo một tòa án.

Hiện nay Ban cán sự Đảng TAND Tối cao cũng đã vươn tới các tỉnh, Ban cán sự Đảng tòa án cấp tỉnh cũng vươn tới các quận, huyện rồi nhưng vẫn khá yếu và không có thực quyền. Thẩm phán tòa án hiện do Thường vụ cấp ủy địa phương quyết định đề xuất, làm công tác cán bộ.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm