Bổ nhiệm thẩm phán suốt đời để độc lập tư pháp

LTS: Bổ nhiệm thẩm phán không có nhiệm kỳ (tức bổ nhiệm suốt đời) là vấn đề đã nhiều lần được đặt ra nhưng chưa được mổ xẻ thấu đáo. Mới đây, nhóm nghiên cứu của TAND Tối cao khi dự thảo báo cáo đánh giá năm năm thi hành Luật Tổ chức TAND 2014 tiếp tục đưa ra đề xuất này và nhận được nhiều ý kiến khác nhau. 
Để có cái nhìn đa chiều, Pháp Luật TP.HCMtrao đổi với GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, về chủ đề này.
Thẩm phán bị nhiều áp lực
. Phóng viên: Thưa GS, ông đánh giá thế nào về đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời? 
Bổ nhiệm thẩm phán suốt đời để độc lập tư pháp ảnh 1
 

+ GS-TS Lê Hồng Hạnh: Bổ nhiệm thẩm phán suốt đời là một trong những điều kiện để bảo đảm tính độc lập của tòa án. Cách đây hơn 220 năm, khi soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ, Alexander Hamilton đã đề nghị đưa vào hiến pháp quy định bổ nhiệm thẩm phán suốt đời. Do thực tế, quyền lực nằm ở cơ quan hành pháp nhiều hơn cơ quan lập pháp và tư pháp. Cơ quan hành pháp có nhiều ảnh hưởng đối với việc bổ nhiệm thẩm phán, do vậy nếu bổ nhiệm theo nhiệm kỳ thì sự chi phối đó sẽ nhiều hơn. 

Thứ hai, áp lực thẩm phán phải chịu khi bổ nhiệm theo nhiệm kỳ rất lớn. Hôm nay anh là thẩm phán nhưng khi hết nhiệm kỳ, anh sẽ chịu nhiều tác động khi được bổ nhiệm lại. Nếu xử nghiêm người có chức quyền, người có ảnh hưởng trong xã hội thì chắc chắn họ sẽ có những vận động khiến thẩm phán không được tái bổ nhiệm.
Thứ ba, về tâm lý, khi được bổ nhiệm suốt đời, thẩm phán sẽ yên tâm với công việc của mình. Khi đó, không ai dám nói với thẩm phán rằng: Nếu anh không xử thế này, tôi sẽ không tái bổ nhiệm anh nữa.
Ở Mỹ hiện nay các thẩm phán tòa án tối cao đương nhiên bổ nhiệm suốt đời, cho đến khi họ chết, không ai có quyền miễn nhiệm, trừ khi tự họ tự nguyện xin thôi. Thẩm phán ở nhiều bang của Mỹ cũng được bổ nhiệm suốt đời, một số ít bang bổ nhiệm theo nhiệm kỳ. Một số nước khác, thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời nhưng bị giới hạn bởi “tuổi nghỉ hưu bắt buộc”, chẳng hạn đến 70 tuổi thì thôi chứ không được kéo dài mãi. 
. Cũng tại hội thảo này, Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thế Lệ cho rằng 70% các vụ án xét xử bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ, hoặc chịu tác động từ phía luật sư, trợ giúp pháp lý, bị cáo, đương sự... Ông nhận định sao?
+ Không ai nói ra nhưng thẩm phán ở mình chưa thực sự độc lập. Năm 2015, tôi thực hiện một cuộc khảo sát định lượng và định tính về tính độc lập của tòa án. Kết quả cho thấy khi trao đổi trực tiếp, các thẩm phán lảng tránh câu hỏi về sự độc lập của mình. Tuy nhiên, khi khảo sát định lượng qua phiếu (không yêu cầu phải ghi tên, chức danh), kết quả ngược lại. Họ cho biết thường xin ý kiến chỉ đạo từ cấp ủy, xin ý kiến cấp trên… 
Điều này cũng dễ hiểu thôi, nếu không xin ý kiến cấp trên, án bị hủy thì thẩm phán mất thi đua, ảnh hưởng chuyện tái bổ nhiệm.
Hiến pháp 2013 quy định quyền lực tư pháp là quyền lực xét xử. Quyền tư pháp do TAND các cấp thực hiện. Thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán và hội thẩm. Nếu hiểu toàn diện thì Hiến pháp 2013 khẳng định độc lập tư pháp là nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Theo quy định của Luật Tổ chức TAND 2014, nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là năm năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.  
Độc lập tư pháp rất cần và trong điều kiện của Việt Nam lại càng cần vì hệ thống chính trị của chúng ta là một đảng, trong đó sự lãnh đạo, sự chi phối toàn diện và tuyệt đối của Đảng đã được hiến định. Vì thế, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tòa án ảnh hưởng rất lớn, thậm chí chi phối độc lập tư pháp nếu phương thức đó chưa phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Chính quyền (cơ quan hành pháp) cũng chi phối mạnh tòa án do nhiều yếu tố: Ngân sách, đất đai, trụ sở, đặc biệt là vai trò của chính quyền hành pháp trong bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán. 
Ngoài ra, các tổ chức xã hội cũng có “tiềm năng” ảnh hưởng đến độc lập tư pháp thông qua việc tham gia vào quy trình lựa chọn, bổ nhiệm thẩm phán. Chưa kể một vấn đề khác ảnh hưởng đến độc lập tư pháp ở nước ta là tình trạng tham nhũng, chạy cửa sau của luật sư, đương sự…
Tóm lại, thẩm phán chịu nhiều tác động như thế thì phải tìm mọi cách để làm sao thẩm phán độc lập trong xét xử.

Theo GS-TS Lê Hồng Hạnh, phải tìm mọi cách để thẩm phán độc lập trong
xét xử (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG GIANG

Đừng lo chuyện dễ tham nhũng

. Có ý kiến cho rằng thẩm phán nhiều quyền lực nên cần phải có “cơ chế” bổ nhiệm năm năm, 10 năm để tránh việc có quyền lực suốt đời. Ý kiến của ông về việc này?
 + Khi thẩm phán thấy vị trí của mình không chắc chắn, vị trí đó có thể bị nhiều người tác động khiến nó lung lay thì anh ta khó mà vững vàng, độc lập được. Nếu bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm hủy án để xét xử lại thì sẽ ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua và việc tái bổ nhiệm thẩm phán. Nếu không xin ý kiến cấp trên thì rất rủi ro. Dù sơ thẩm có xử đúng mà bị phúc thẩm hủy án thì thẩm phán xử sơ thẩm vẫn bị coi là “có vấn đề”, còn người hủy án sai hầu như vô can. 
Khi bổ nhiệm lại, người ta không xem xét việc cấp phúc thẩm hủy án đúng hay sai. Vậy nên người hủy cứ hủy thoải mái, còn bên dưới phải chịu hậu quả. Dĩ nhiên, thẩm phán khó phát huy tư duy, năng lực vốn có mà thay vào đó là dựa cấp trên cho chắc. Vì vậy, tòa cấp dưới xin ý kiến cấp trên là thực tế không hề hiếm hoi hay cá biệt.
Ở khía cạnh khác, cũng không nên lo ngại thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời sẽ càng dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Việc bổ nhiệm suốt đời không phải là tấm kim bài miễn tội của thẩm phán tham nhũng, tiêu cực. Pháp luật sẽ truy tố bất kỳ người nào, dù là thẩm phán nếu vi phạm pháp luật, nhất là pháp luật hình sự. Nếu anh làm việc liêm chính sẽ chẳng có ai miễn nhiệm anh nhưng nếu anh vi phạm pháp luật, dẫu là người có chức vụ cao cũng bị xử lý. Thẩm phán càng không thể là ngoài lệ vì “tri pháp mà phạm pháp”.
. Ông từng đưa ra nhiều kiến nghị trong quá trình xây dựng Luật Tổ chức TAND 2014 nhằm bảo đảm tính độc lập của thẩm phán. Ngoài đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời, theo ông còn cần những chế định nào nhằm bảo đảm độc lập tư pháp?
+ Đó là thành lập tòa án sơ thẩm khu vực. Trước đây, chúng tôi từng đề xuất thực hiện Nghị quyết 49/NQ-TW về cải cách tư pháp, trong đó có việc thành lập tòa án sơ thẩm khu vực để giảm áp lực từ cơ quan hành chính lên tòa án. Tuy nhiên, rất tiếc đề xuất này đã không được chấp nhận khi Quốc hội ban hành Luật Tổ chức TAND năm 2014. 
. Xin cám ơn ông.

 Nếu cần lộ trình thì kéo dài nhiệm kỳ trước

. Phóng viên: Có ý kiến đồng tình với đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời nhưng cần có lộ trình thực hiện là áp dụng với thẩm phán TAND Tối cao trước. Quan điểm của ông thế nào?

+ GS-TS Lê Hồng Hạnh: Tôi cho rằng đề xuất này cũng có giá trị tích cực nhất định nhưng nó không đáp ứng kỳ vọng, khó làm thay đổi có tính bước ngoặt bản chất vấn đề độc lập tư pháp. Cái chúng ta đang vướng nhiều hơn chính là sự thiếu độc lập của các tòa án cấp dưới, chứ không phải là TAND Tối cao. Hơn nữa, thẩm phán TAND Tối cao xét xử cũng không nhiều.

Vì vậy, nếu muốn có lộ trình thì nên bổ nhiệm suốt đời đối với thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán cao cấp. Với các cấp ở dưới, có thể bổ nhiệm thời gian dài hơn nhưng điều quan trọng là làm sao để các thẩm phán thoát khỏi áp lực của chính quyền hành pháp. Đây là điều hiện nay cần phải làm và là mục tiêu mà cải cách tư pháp cần đạt được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm