Tòa phúc thẩm có được triệu tập thẩm phán cấp dưới?
TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm, tuyên y án 12 năm tù đối với bị cáo Trần Hữu Kiển, cựu luật sư (LS) Đoàn LS tỉnh Bến Tre, về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, trong phiên tòa này có chuyện khá lạ là HĐXX phúc thẩm quyết định triệu tập thẩm phán, thư ký phiên tòa sơ thẩm và hai điều tra viên tham gia tố tụng. Tuy vậy, chỉ có điều tra viên đến phiên xử, còn thẩm phán và thư ký có đơn xin vắng mặt.
Vấn đề đặt ra là luật quy định ra sao về việc này?
Có thể nhưng cần cân nhắc?
Theo LS Trương Thị Minh Thơ (nguyên thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), Điều 317 BLTTHS quy định khi xét thấy cần thiết, HĐXX tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Bị cáo - cựu luật sư Trần Hữu Kiển tại tòa. Ảnh: BCY
Vì vậy, tòa cấp trên có thể triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán nếu thấy cần thiết. Mục đích là để họ trình bày ý kiến làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Như vậy mới nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, tránh lạm quyền, tránh được oan sai.
LS Phạm Tuấn Anh (Đoàn LS TP.HCM) thì cho rằng Điều 296 BLTTHS quy định trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết, HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.
Tuy nhiên, theo LS Tuấn Anh, ở góc độ độc lập xét xử thì cần phải cân nhắc việc triệu tập này. Nguyên tắc này nghiêm cấm việc can thiệp vào việc xét xử dưới mọi hình thức trước, trong và sau quá trình xét xử.
Ngoài ra quan hệ giữa tòa án là quan hệ giữa tòa cấp cao hơn và cấp thấp hơn về thẩm quyền tố tụng chứ không có tòa cấp trên và tòa cấp dưới. Do vậy, nếu bản án sơ thẩm sai, cấp phúc thẩm có thể sửa, hủy. Trường hợp có chứng cứ thẩm phán, thư ký có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, xâm phạm hoạt động tư pháp thì cơ quan có thẩm quyền có quyền điều tra, khởi tố theo trình tự tố tụng. Không nhất thiết phải triệu tập thẩm phán sơ thẩm đến tòa để xem xét về công việc xét xử của họ trước đó.
Luật không quy định
Tuy nhiên, TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Trưởng bộ môn Luật tố tụng hình sự ĐH Luật TP.HCM, cho rằng Điều 296 BLTTHS thuộc quy định tại chương về xét xử sơ thẩm. Đối với phiên tòa phúc thẩm, chưa có quy định nào trực tiếp ghi nhận quyền của HĐXX được triệu tập người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đến tòa.
Theo TS Duy, nếu căn cứ vào quy định, thủ tục tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm và viện dẫn Điều 317 BLTTHS để suy luận về quyền được triệu tập người tiến hành tố tụng của tòa phúc thẩm cũng không hợp lý. Vì Điều 317 chỉ có ý nghĩa khi trước đó Điều 296 đã ghi nhận quyền của HĐXX sơ thẩm được triệu tập điều tra viên và những người khác đến phiên tòa.
Đồng tình, LS Nguyễn Minh Cảnh, nguyên thẩm phán TAND TP.HCM, cũng cho rằng Điều 296 và Điều 317 BLTTHS quy định trong trường hợp cần thiết HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý giải quyết vụ án. Tuy nhiên, hai điều luật này thuộc mục III Chương XXI của BLTTHS, tức là chỉ được áp dụng trong phiên tòa sơ thẩm.
Cạnh đó, Điều 352 BLTTHS quy định việc hoãn phiên tòa ở cấp phúc thẩm không có trường hợp nào đưa ra yêu cầu bắt buộc ở phiên phúc thẩm phải có mặt những người tiến hành tố tụng đã tham gia thụ lý vụ án ở cấp sơ thẩm, hoặc nếu không có sự tham gia của những chủ thể này thì phải hoãn phiên tòa.
LS Cảnh cũng cho rằng việc triệu tập HĐXX cấp dưới là không đúng, tạo tiền lệ dẫn đến sự lạm dụng và phá vỡ những quy định của BLTTHS về hai cấp xét xử.
Không ghi rõ tư cách được triệu tập
Trong quyết định đưa vụ án bị cáo Trần Hữu Kiển ra xét xử số 674/2020 ngày 2-11 do thẩm phán chủ tọa phiên xử phúc thẩm ký thì hai điều tra viên, thẩm phán và thư ký phiên tòa sơ thẩm được ghi trong phần những người tham gia tố tụng khác.
Cụ thể, hai điều tra viên là ông P., điều tra viên trung cấp và ông P., điều tra viên sơ cấp thuộc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm là ông Th. và thư ký T. là thư ký phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, danh sách bốn người này không nằm trong phần dành cho người làm chứng hay các chủ thể khác như bị hại, người bào chữa…
Thẩm phán là những người do Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử nên khi tuyên án, họ không quyết với tư cách cá nhân mà là nhân danh Nhà nước.
HĐXX cấp sơ thẩm bao gồm cả thẩm phán và hội thẩm nhân dân có địa vị pháp lý là những người tiến hành tố tụng và không thể triệu tập đến tòa. Vì nếu triệu tập thì tòa sẽ không thể xác định được họ tham gia với tư cách gì. Cạnh đó, thẩm phán phải trình bày trước tòa, có khi phải đối chất với bị cáo hay các đương sự, trong khi chính thẩm phán là người đã đưa ra phán quyết thì khó đảm bảo tính khách quan và mất đi địa vị pháp lý của người làm nhiệm vụ xét xử. Việc triệu tập thẩm phán còn dẫn đến tâm lý cho rằng thẩm phán đã làm gì sai nên mới bị triệu tập đến tòa, làm mất đi uy tín và sự độc lập trong xét xử.
Cạnh đó, tính chất của xét xử phúc thẩm là việc tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Cấp phúc thẩm giúp sửa chữa, khắc phục những sai lầm của tòa án cấp sơ thẩm. Do vậy, nếu HĐXX cấp sơ thẩm có vi phạm thì tùy từng vi phạm, cấp phúc thẩm sẽ có thể đưa ra các hướng giải quyết như trả hồ sơ điều tra bổ sung, sửa án, hủy án… mà không cần triệu tập thẩm phán đến tòa.