Bức thư giới thiệu này là một khung cửa sổ soi chiếu vào cuộc đời một ứng viên trong những khoảnh khắc mà không có gì “đong đếm” được.
Dưới đây là toàn bộ bài viết của bà Rebecca Sabky trên tờ New York Times.
Ảnh minh họa: Jenice Kim/ Trường Thiết kế đảo Rhode
Khi tới các trường phổ thông để cung cấp thông tin tuyển sinh, tôi thường bị đám học sinh quây kín. Thường thì khi bài giảng của tôi kết thúc, chúng chạy tới đưa những bộ hồ sơ, tìm cách thu hút sự chú ý của tôi để kể về những kinh nghiệm thực tập, các khóa học mùa hè mà chúng tham gia.
Nhưng mùa xuân năm ngoái, sau khi tôi nói chuyện ở một trường công New Jersey, tôi đã gặp một nam sinh hoàn toàn khác.
Khi chuông reo hết giờ, tôi nhét những giấy tờ còn sót lại vào túi và bắt đầu đối mặt với “cơn sóng thần” ở hành lang vào giờ ăn trưa.
Chỉ trước khi ra bãi đậu xe, có ai đó vỗ nhẹ vào vai tôi.
“Xin lỗi cô” – một học sinh nói và mỉm cười trong bộ niềng răng. “Cô đánh rơi một thanh yến mạch trên sàn nhà trong quán ăn. Cháu đuổi theo cô vì nghĩ rằng cô cần món đồ ăn vặt này”. Trước khi tôi kịp nói lời cảm ơn, cậu bé đã đưa cho tôi thanh bánh và hòa vào đám học sinh.
Làm việc trong ban tuyển sinh ĐH Dartmouth đã giúp tôi được tiếp xúc với nhiều người trẻ tài năng. Tôi từng là giám đốc tuyển sinh quốc tế và hiện đang làm việc bán thời gian sau khi sinh con. Mỗi năm tôi đọc khoảng trên 2.000 bộ hồ sơ tới từ khắp nơi trên thế giới. Họ luôn là những bạn trẻ đầy tài năng và ham học hỏi. Họ leo núi, tham gia các hoạt động ngoại khóa, phát triển những công nghệ mới. Họ là hình mẫu của những nhà lãnh đạo thế hệ mới. Thành tích của họ chất cao như núi.
Vấn đề là trong vô vàn ứng viên đầy hứa hẹn ấy, rất khó để nhìn thấy sự khác biệt của các em, ít nhất là trên giấy. Rất khó để chọn ra người sẽ được nhận vào trường. Thế nhưng, trong sự hỗn loạn của điểm SAT, của hoạt động ngoại khóa và những bức thư giới thiệu hoàn hảo, có một phẩm chất luôn khiến ban tuyển sinh không thể cưỡng lại, đó là sự tử tế. Tử tế là một đặc tính rất khó để xác định trong các bộ hồ sơ, ngay cả khi ban tuyển sinh đã đưa ra những câu hỏi đúng hướng.
Dấu hiệu đáng kinh ngạc nhất của sự tử tế mà tôi từng trải nghiệm trong sự nghiệp tuyển sinh của mình tới từ một học sinh ở trường công lớn thuộc New England. Cậu bé cực kỳ sáng lán. Bằng chứng cho điều đó thể hiện ở vị trí xếp hạng học tập và lời khen của các giáo viên. Cậu nhận được lời giới thiệu vô cùng có lợi từ cố vấn tuyển sinh của trường và một danh sách hoạt động ngoại khóa ấn tượng. Tuy vậy, ngay cả khi sở hữu những yếu tố này, có thể cậu cũng chẳng nổi bật hơn ai. Nhưng có một bức thư giới thiệu trong bộ hồ sơ đã thu hút tôi - bức thư của nhân viên bảo vệ trường.
Thư giới thiệu thường là không bắt buộc và chúng thường được viết bởi những người mà ứng viên cho rằng sẽ gây ấn tượng với trường. Chúng tôi thường xuyên nhận được thư giới thiệu từ các cựu Tổng thống, những người nổi tiếng, những vận động viên Olympic. Nhưng nhìn chung họ thường không nói cho chúng tôi biết sinh viên này là ai, hay ứng viên này có thể là một thành viên trong cộng đồng của chúng tôi hay không.
Bức thư này thì khác.
Người bảo vệ của trường đã viết rằng, ông buộc phải ủng hộ chàng trai này vì sự chu đáo của cậu. Cậu là người duy nhất trong trường biết tên của từng nhân viên trong đội bảo vệ. Cậu là người tắt đèn ở những phòng học không có người, luôn cảm ơn nhân viên giám sát hành lang mỗi buổi sáng và dọn dẹp “sản phẩm” của bạn bè ngay cả khi không có ai nhìn thấy hành động của cậu. Người bảo vệ viết, nam sinh này tôn trọng tất cả mọi người trong trường bất kể họ ở vị trí nào, người làm công hay quyền lực.
Hơn 15 năm đọc 30.000 hồ sơ trong sự nghiệp tuyển sinh, tôi chưa từng đọc được một bức thư giới thiệu nào từ nhân viên bảo vệ của trường. Nó là một khung cửa sổ soi chiếu vào cuộc đời một ứng viên trong những khoảnh khắc mà không có gì “đong đếm” được. Ứng viên đó được nhận bởi sự đồng thuận của toàn bộ hội đồng tuyển sinh.
Có rất nhiều ứng viên tài năng. Chúng tôi biết rằng thật đau lòng khi phải làm điều này với các ứng viên. Khi một ai đó bị từ chối, với tư cách là giám đốc tuyển sinh, tôi là người đau lòng trước tiên khi phải nói câu “chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo với bạn rằng…”.
Cho đến khi hội đồng tuyển sinh tìm ra cách để nhận biết những phẩm chất vô hình của các bạn một cách hiệu quả, thì chúng tôi phải dựa vào những điều nhỏ bé nhất cho thấy sự khác biệt của các bạn. Đôi khi một địa chỉ email không phù hợp nói lên nhiều điều hơn là một bài luận cá nhân. Cái cách mà một ứng viên hành xử với bố mẹ trong buổi tham quan trường có thể có ý nghĩa ngang bằng với điểm thi chuẩn hóa. Và khi một nhân viên bảo vệ - một người chẳng có quyền lực gì với ứng viên - nói với tôi những lời nhận xét chân thành ấy, điều đó có ý nghĩa với chúng tôi nhiều hơn bất cứ bức thư soạn sẵn nào từ cựu Tổng thống hay golf thủ nổi tiếng.
Năm tới, có thể sẽ có “cơn mưa” thư giới thiệu từ nhân viên bảo vệ nhờ bài luận này. Nhưng nếu điều đó có nghĩa là các ứng viên sẽ bắt đầu chú ý nhiều hơn tới những người dọn dẹp giống như với các hiệu trưởng và giáo viên, thì tôi vẫn rất vui khi được đóng góp vào việc khởi xướng xu hướng này.
Các trường đại học nên tập trung vào sự phát triển của những cá nhân mà tiềm năng của họ không chỉ nằm ở học thuật hay tố chất lãnh đạo, mà còn ở sự bao dung trong nhân cách. Kể từ khi trở thành một bà mẹ, tôi cũng bắt đầu nhìn các bộ hồ sơ khác đi. Tôi không thể không dự đoán về “cú lặn” của con trai mình trong cơn sốt tuyển sinh đại học 17 năm sau.
Dù thằng bé có quyết định học đại học khi đến tuổi hay không thì tôi cũng muốn thằng bé trở thành một người đủ chu đáo để trả lại thanh bánh yến mạch, và đủ tử tế, lịch sự, bao dung để tôn trọng tất cả mọi người trong cộng đồng của mình.
(Theo New York Times/VNN)