Rất nhiều em trong số đó gần như chưa bao giờ đụng tay vào chuyện bếp núc, kể cả nấu cơm bằng nồi cơm điện.
Khi tôi sang Anh học thạc sĩ, cùng khóa với tôi, có một em trai. Ở nhà có người giúp việc chuyên nghiệp nên em ấy không phải động tay động chân vào việc gì. Tuy nhiên, tôi phải khẳng định cha mẹ em ấy giáo dục em rất tốt, thể hiện ở tinh thần tiết kiệm cao độ. Vì thế, qua Anh, em ấy quyết tâm tự nấu ăn (thực ra là ăn không nổi các đồ ăn sẵn ở siêu thị). Vấn đề là trước khi đi du học, mẹ em quên "huấn luyện vài đường cơ bản" nên sang đây không biết bắt đầu từ đâu. Thế là em ấy nấu ăn bằng cách bỏ tất cả nguyên liệu vô nồi, nấu chín là được.
Em đã ghi vào lịch sử ẩm thực thế giới món ăn kinh điển: bò ngô khoai ketchup (tương cà chua), gà ngô khoai ketchup. Em có một đam mê mãnh liệt với ketchup, mọi món ăn đều được nêm ketchup. Dù nhà em xa nhà tôi mấy km thì hồi đầu mới sang, em rất chịu khó đi bộ ghé qua ăn cơm với tôi vì... quá ớn món ăn tự nấu. "Lợi ích" của việc không biết nấu ăn là sụt cân rất nhanh chóng!
Sau 10 tháng ở Anh thì khả năng nấu ăn của em có lên, ngoài bò hầm, gà hầm như trên còn thêm... các loại thịt nướng ướp ketchup!
Bữa cơm tươm tất đầy đủ các món ăn do một du học sinh tại Đức nấu tại ký túc xá sau giờ học tập. Ảnh: Đỗ Thiện
Cũng thời tôi học thạc sĩ, em này thì ở thành phố khác. Mới sang được năm ngày, gọi điện thoại cho tôi, em khóc nức nở (con trai, 24 tuổi nhé) vì: không biết đi siêu thị, không biết bật bếp gas ở nhà chủ nhà (thuê kiểu homestay), suốt năm ngày, trừ bữa tối được chủ nhà nấu cho theo hợp đồng thì còn lại em ăn mì gói và bánh mì mua ở căn tin trường. Chủ nhà của em là người Ấn. Đây thực sự là "thảm hoạ" vì cái mùi cà ri trong mọi thể loại đồ ăn chỉ ngửi đã đủ ớn óc. Do đó, tới bữa thứ ba là em phát ốm. Qua mấy hôm mà mặt mũi em hốc hác. Tôi tỉ mỉ chỉ dẫn từ xa. Sau ba tháng thì em thành "trùm" đi siêu thị giá rẻ, biết nấu cơm bằng nồi cơm điện, biết luộc rau, nấu canh, nướng thịt, chiên trứng và hết khóc nhè!
Còn đây là chuyện về một em trai ở cùng nhà với tôi gần đây. Em này là một trường hợp "lột xác" sau sáu tháng ở Anh. Em này có chuẩn bị kỹ lưỡng hơn tí. Ở nhà, 100% là bố của em nấu ăn. Trước khi đi, bố em đã 'huấn luyện' khoản nấu cơm bằng... nồi cơm điện, luộc rau và luộc thịt. Vì thế, em rất thành thạo ba món này. Có điều, em cũng không thể ăn mãi đồ luộc được.
Em học lóm của bạn món tiếp theo là xúc xích, chỉ cần ném vô chảo cho chín hoặc bỏ lò nướng. Cả nhà chúng tôi ngưỡng mộ vô cùng khả năng ăn triền miên món này của em. Ưu điểm của em ấy là ham học hỏi, mỗi lần vô bếp cùng, thấy tôi nấu thì cũng hỏi cách thức và học hỏi cũng nhanh. Một thời gian sau thì em biết kho thịt heo. Có lần về nhà tôi thấy cái chảo đen thui, truy tìm thủ phạm thì lòi ra em. Đùi gà em để nguyên cái, đổ tí dầu dính chảo như chiên xúc xích rồi ném đùi gà vô. Sau đó em thắc mắc với bạn cùng nhà là sao nó chỉ cháy mà không chín. Khói mù mịt khiến chuông báo động kêu ầm ĩ. Sau sáu tháng ở với các chị em thì ngày 8/3, em đã đường hoàng nấu một bữa ăn đã cả nhà (ba chị em chúng tôi có đứng kế bên phụ một tay vì sợ cái bếp náo loạn và... sắp chết đói!).
Một tiến bộ vượt bậc mà tôi tin chắc bố mẹ em sẽ mừng phát khóc khi em trở về. Ngoài bằng thạc sĩ, con trai còn có bằng nấu ăn!
Du học sinh Việt Nam tại Đức giao lưu với sinh viên nước ngoài bằng chính bữa ăn do các bạn tự chuẩn bị. Ảnh: Đỗ Thiện
Ở mấy nước phát triển này, chuyện ăn uống thực ra rất "kém phát triển", đồ ăn nhanh thì nhiều nhưng rất mau ngán. Kể cả có tiền như nước cũng không chắc tìm được người nấu ăn vừa miệng. Các em nam với hy vọng kiếm bạn gái nấu ăn giùm thì thực tế hiện nay số các em gái vụng về cũng ngang các em trai. Hễ thêm các món ngon như bún, phở, bánh cuốn... muốn ăn thì chỉ có cách "lăn vào bếp".
Ở mấy thành phố lớn thì có nhà hàng Việt nhưng vào ăn một tô bún giá bằng tiền ăn 2/3 tuần nếu tự đi chợ, xót xa lắm. Nhà hàng thì không phải ngay ngoài ngõ, có khi phải lặn lội xa xôi, tới nơi thì hết thèm ăn. Việc ăn uống không đủ chất sinh ra căng thẳng, mệt mỏi. Việc thêm đồ ăn quê nhà cũng ám ảnh lắm, đã lên cơn thèm rồi là đầu không nghĩ được cái gì cả, học hành không vào, chỉ nghĩ tới đồ ăn.
Không biết nấu ăn, vụng về bếp núc còn làm phiền người khác vì hễ vào bếp là "náo loạn", làm cháy đồ ăn thì chuông báo động inh ỏi, có khi không thể tắt máy phải kêu thợ, rồi lại tốn số tiền rất lớn.
Bởi vậy, trước khi cho con đi du học, nhất định phải dạy con nấu ăn!