Khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Trung ương bàn chuyện tinh gọn bộ máy

Ngày 4-10, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội. Tại hội nghị lần này (dự kiến đến ngày 11-10), trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội và tài chính-ngân sách năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán tài chính-ngân sách năm 2018. Trung ương cũng sẽ thảo luận về ba đề án quan trọng và tiến hành một số công việc quan trọng khác.

Biên chế phình to, cấp phó không hợp lý

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số vấn đề liên quan đến các đề án để các ủy viên trung ương tập trung thảo luận.

Về đề án “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tên gọi đã không còn ý “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” như chương trình toàn khóa đặt ra sau Đại hội XII. Điều đó cho thấy sự thận trọng của Bộ Chính trị khi trình trung ương vấn đề rất lớn, rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm này. Và như Tổng Bí thư gợi mở: “Phải chăng những việc nào đã rõ, đã chín thì kiên quyết làm ngay; việc nào chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tích cực nghiên cứu, mạnh dạn cho làm thí điểm rồi tổng kết, mở rộng dần?”.

Nhấn mạnh vào tính phức tạp của đề án này, Tổng Bí thư cho biết sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị là liên quan đến những vấn đề lý luận cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân. Đây là quan hệ giữa đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế. Là xử lý quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Các công việc đó liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động...

Sở dĩ phải nhấn mạnh tinh gọn, hiệu quả là vì dù đã có nhiều nỗ lực tổ chức song đến nay bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo. Tổ chức bộ máy của khối MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới. Tổ chức và biên chế ngày càng phình to. Số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ “hàm” không hợp lý. Lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

Ảnh hưởng 2,5 triệu biên chế

Đề án “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” là một nội dung quan trọng được trung ương thảo luận lần này, bởi nó sẽ tác động tới 2,5 triệu biên chế ở 58.000 đơn vị sự nghiệp. Khu vực này liên quan đến mọi người, mọi nhà bởi gắn với dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học-công nghệ.

Nội dung ngày làm việc đầu tiên

Trong ngày đầu tiên của hội nghị, trung ương đã nghe và thảo luận tờ trình của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018. Đây là nội dung sẽ được trung ương thảo luận trước khi Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp nửa cuối tháng 10 này.

Trung ương cũng đã nghe các vị đại diện Bộ Chính trị trình bày ba đề án về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; về công tác dân số trong tình hình mới; về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Tổng Bí thư, việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân văn hết sức sâu sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Vì tính quan trọng như vậy, Tổng Bí thư đề nghị trung ương phân tích sâu các yêu cầu đổi mới đồng bộ, quyết liệt nhưng thận trọng, vững chắc. Đặt đổi mới khu vực sự nghiệp công lập trong tổng thể tiếp tục đổi mới tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công là giải pháp nhưng không vì thế mà thương mại hóa và lưu ý mặt hạn chế, tiêu cực của cơ chế thị trường.

Bỏ lỡ thời kỳ dân số vàng?

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới tình hình đất nước sắp bước vào thời kỳ “già hóa dân số”, đứng trước nguy cơ “chưa giàu đã già”, bỏ lỡ cơ hội của “thời kỳ dân số vàng”.

Đây là nguy cơ có thật, bởi nhiều năm qua chính sách dân số tập trung vào kế hoạch hóa gia đình mà giảm tăng dân số là mục tiêu trọng tâm. Các nghiên cứu của Bộ Y tế khi xây dựng đề án về công tác dân số trong tình hình mới cho thấy với khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng chỉ tối đa hai con, tốc độ tăng dân số trên cả nước đã giảm mạnh, đặc biệt là ở thành thị. Ở nhiều nơi, số con trung bình mỗi cặp vợ chồng xuống chỉ còn hơn một. Tính chung các trường hợp không kết hôn, không có con thì mức độ giảm sinh như vậy đang đẩy nhanh quá trình “già hóa”. Đây sẽ là một trở ngại cho quá trình phát triển khi mà nền kinh tế vẫn phải dựa nhiều vào sức lao động.

Vậy nên trong hội nghị này, Tổng Bí thư đề nghị trung ương thảo luận xem phải chăng thời gian tới cần chuyển trọng tâm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển? Có cần thiết phải từ mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con sang chính sách duy trì mức sinh thay thế, tức không cứng nhắc về số con được sinh?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm