Trưởng ban Nội chính Trung ương: Công tác chống tham nhũng, tiêu cực bên dưới đã nóng

(PLO)- Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, hết quý I-2023, các Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã đưa 540 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 31-3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban Ban Nội chính Trung ương với Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy quý I-2023.

Trưởng ban Nội chính Trung ương: Công tác chống tham nhũng, tiêu cực bên dưới đã nóng ảnh 1

Điểm cầu trực tuyến tại TP.HCM. Ảnh: THANH THÙY

Xử lý tham nhũng, bên dưới đã nóng hơn

Kết luận cuộc họp, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ghi nhận những kết quả của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành.

Theo ông, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành là phù hợp với thực tiễn, nhận được sự đồng thuận cao. Nhiều ban chỉ đạo PCTNTC đi vào hoạt động rất nề nếp, hiệu quả. Công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở có chuyển biến rõ rệt.

Cụ thể, sau khi thành lập, các Ban nội chính đã cơ bản đảm bảo cơ cấu thành phần, thể hiện quyết tâm của các địa phương trong việc đẩy mạnh công tác PCTNTC theo đúng tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Khẩn trương xây dựng ban hành các văn bản chỉ đạo để tạo cơ sở cho hoạt động của Ban chỉ đạo đi vào nề nếp, hiệu quả; ban hành quy định, chức năng, quy chế làm việc; chương trình, kế hoạch, công tác hàng năm…

Nhiều địa phương, Ban chỉ đạo đã ban hành quy định, quy trình công tác rất cụ thể, về công tác kiểm tra, giám sát, tiếp nhận, quản lý, xử lý thông tin tố cáo tham nhũng tiêu cực…

Các Ban chỉ đạo cũng đảm bảo chế độ làm việc, tập trung thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề quan trọng liên quan đến công tác PCTNTC ở địa phương. Nhất là thực hiện cụ thể hóa, các kết luận chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát… quyết định đưa nhiều vụ án vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Đến nay, đã đưa 540 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo của ban chỉ đạo cấp tỉnh. Trong đó có các vụ án liên quan đến công ty Việt Á, AIC, FLC, các vụ án hoạt động đăng kiểm trên cả nước; giải quyết phản ánh khiếu nại tố cáo kéo dài liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Các địa phương đã khởi tố 563 vụ án, 1.440 bị can bị khởi tố về tham nhũng. Trong đó, số vụ án cán bộ Đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 227 vụ và 838 bị can.

“Bây giờ không chỉ trên nóng dưới lạnh nữa, bên dưới đã bắt đầu nóng rồi”- ông Trạc nói và cho biết việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành đã bắt đầu có hiệu quả trực tiếp.

Nhiều địa phương đã chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ do mình quản lý, thậm chí là cán bộ thuộc Thường vụ Thành ủy. Từ đó góp phần khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh” rất tốt, xử lý để làm gương.

Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy các địa phương với tư cách là cơ quan thường trực đã chủ động cùng các cơ quan tố tụng, tham mưu đưa nhiều vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo. Ban Nội chính tỉnh, thành cũng tham mưu chủ trương xử lý nhiều vụ án, vụ việc có khó khăn vướng mắc, quan điểm khác nhau...

Dù vậy, Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng hoạt động của Ban chỉ đạo còn tồn tại nhiều hạn chế. Một số địa phương chưa quán triệt về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo. Tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc cho ban chỉ đạo chưa thống nhất, một số Ban chỉ đạo chậm ban hành quy chế làm việc, chương trình công tác hay ban hành nhưng chưa cụ thể…

Một số Ban Nội chính địa phương còn lúng túng về phương pháp, cách thức tham mưu cho ban chỉ đạo, hoạt động một số Ban Nội chính trong cải cách tư pháp còn bị động và chất lượng chưa như mong muốn.

Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra lĩnh vực quản lý tài chính công, đầu tư công

Thời gian tới, Trưởng ban Nội chính Trung ương yêu cầu các địa phương cần tập trung thực hiện một số đầu việc để nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh phải trở thành một tập thể mạnh, đoàn kết, thống nhất, gắn bó chặt chẽ; kịp thời điều chuyển, thay thế những khâu, mắt xích yếu, thực hiện đúng chức năng.

Mỗi thành viên Ban chỉ đạo phải gương mẫu, liêm, dũng, trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực và là những tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào; phải tổ chức công việc chặt chẽ, phối hợp công tác nhịp nhàng, đồng bộ, tránh hình thức.

Ông Phan Đình Trạc đặc biệt lưu ý cần tránh tình trạng lúc đầu nóng nhưng về sau nguội lạnh dần, làm mất uy tín. Cạnh đó, các Ban chỉ đạo phải có chương trình, kế hoạch công tác bài bản, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Đồng thời, cần khẩn trương, hoàn thiện quy chế làm việc của Ban chỉ đạo và phân công công tác nội bộ, tuân thủ nghiêm chế độ làm việc.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh phải tập trung chọn những vấn đề, vụ việc, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, tập trung những khâu yếu, điểm nghẽn và cái khó của địa phương.

Đẩy mạnh chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, tăng cường những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội.

Nhất là trong những lĩnh vực quản lý tài chính công, đầu tư công, xây dựng, quy hoạch đất đai, chứng khoán, cổ phần hóa, thoái vốn trong các công ty có vốn nhà nước, cũng như các chính sách phục hồi kinh tế sau dịch, kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên.

Song song đó, cần nâng cao hiệu quả tự kiểm tra, thanh tra để phát hiện tiêu cực ngay trong nội bộ.

“Nơi nào để bên ngoài kiểm tra, thanh tra, kiểm tra phát hiện tiêu cực thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo Luật Phòng, chống tham nhũng”- ông Trạc nhấn mạnh.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong việc phối hợp giữa các các cơ quan trong xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. Khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chuyên án, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm chuyển hồ sơ ngay cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi hết cuộc thanh, kiểm tra mới chuyển.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thực hiện xét xử thi hành án, nếu phát hiện cán bộ vi phạm thuộc diện cấp ủy thuộc mình quản lý thì phải báo cáo ngay. Đồng thời chuyển hồ sơ, tài liệu đến Ủy ban kiểm tra cùng cấp để xử lý theo quy định.

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng tiêu cực, nhất là các vụ án mà Ban chỉ đạo Trung ương giao tỉnh ủy xử lý. Phối hợp thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án liên quan đến AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm, y tế, các vụ án liên quan đến cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp để chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm…

“Đây là bước để chúng ta quy hoạch, lựa chọn cán bộ, chuẩn bị cho nhiệm kì sau”- ông Trạc cho hay.

Đã khởi tố 737 vụ án tham nhũng, tiêu cực

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, hết quý I-2023, các Ban Nội chính thành ủy, tỉnh ủy đã tham mưu cấp ủy xử lý 89 vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để xảy ra các vụ việc phức tạp, bị động, bất ngờ.

Công tác cán bộ dần đi vào nề nếp. Các Ban Nội chính tỉnh ủy tham gia ý kiến với các trường hợp quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý; trở thành một kênh quan trọng, không thể thiếu đối với công tác cán bộ địa phương.

Trong quý I-2023, đã có 1.178 trường hợp cán bộ được Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy tham gia ý kiến.

Nổi bật nhất, các Ban Nội chính là đã tham mưu cho cấp ủy thực hiện khác tốt các chỉ thị 35 của Bộ Chính trị liên quan đến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp dân, đối thoại với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Hết quý I-2023, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy đã trực tiếp tiếp 119 cuộc/246 lượt công dân.

Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy tiếp 446/708 lượt công dân; đã tiếp nhận, xử lý 8.442 đơn; đề xuất ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý 1.151 đơn; chuyển cơ quan có thẩm quyền 1.174 đơn; trực tiếp xác minh trả lời 1.154 đơn; theo dõi giải quyết 1.987 đơn.

Trong quý I- 2023, các địa phương đã tiến hành khởi tố 737 vụ án. Trong đó, 512 vụ án/1.283 bị can phạm tội về tham nhũng. 235 vụ án/835 bị can khởi tố vì hành vi tiêu cực.

Ban chỉ đạo chỉ đạo rà soát 327 vụ án, 179 vụ tham nhũng, tiêu cực, được dư luận xã hội quan tâm và đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Không có địa phương nào không có vụ án tham nhũng, tiêu cực. Địa phương có vụ án khởi tố nhiều là Hà Nội và TP.HCM…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm