Tại quận 2, TP.HCM có hai ngôi trường THCS được xây khang trang, bề thế đã khánh thành hơn hai năm nhưng đến nay vẫn bỏ hoang vì chưa có người học. Đó là Trường THCS Trần Quốc Toản (phường An Phú) và Trường THCS Bình Khánh (phường Bình Khánh).
Bàn ghế chất chồng, bám đầy bụi
Tọa lạc mặt tiền giữa hai đường Vũ Tông Phan và Trần Lựu (thuộc phường An Phú), nhìn bề ngoài Trường THCS Trần Quốc Toản được xây dựng khang trang, hiện đại, vị thế ưa nhìn. Trường có quy mô bốn dãy nhà ba tầng với khoảng 32 phòng học và phòng chức năng, đáp ứng chỗ học cho hơn 1.000 học sinh (HS). Trường đã khánh thành gần hai năm, tuy nhiên đến nay trường hoàn toàn vắng bóng HS. Khu vực xung quanh trường hầu như không có nhà dân. Các con đường nơi đây dù giữa ban ngày vẫn vắng người đi lại.
Chúng tôi ghé trường vào giữa buổi sáng. Các phòng học được đóng kín, bàn ghế mua về chất chồng, bám đầy bụi vì không có HS. Thật không thể tin giữa lòng TP.HCM có một ngôi trường bỏ hoang thế này. Sân trường yên ắng, không có âm thanh nào ngoài những tiếng chim hót trên các dãy nhà như muốn nhắc đây là sự thật.
Thi thoảng có phụ huynh chạy xe dừng ở cổng trường hỏi về thời gian tuyển sinh. Cổng trường có hai nhân viên bảo vệ thay phiên nhau trực và cũng để giải đáp các thắc mắc của phụ huynh. Một nhân viên bảo vệ tâm tư: “Tôi ngán với thắc mắc của phụ huynh lắm rồi. Chỉ biết lắc đầu khi họ hỏi chừng nào tuyển sinh. Giờ thấy ai tới là xua tay thôi”. Theo các nhân viên bảo vệ, trường đã xây xong gần hai năm nhưng chẳng biết khi nào mới có người học. Vì dân quanh trường không có thì biết lấy đâu ra học trò. “Nhìn trường học bỏ hoang mà thấy lãng phí quá” - anh bảo vệ nói.
Một góc sân Trường THCS Bình Khánh cỏ đã mọc cao. Ảnh: P.ANH
Các dãy phòng học khang trang thế này của Trường THCS Trần Quốc Toản bị bỏ hoang gần hai năm nay. Ảnh: P.ANH
Trường quy mô gần 15.000 m2 đang xuống cấp
Cũng được xây dựng khang trang trong khu tái định cư Bình Khánh, Trường THCS Bình Khánh nằm lọt thỏm giữa các khoảng đất trống vắng bóng người và những công trình nhà ở đang xây dựng. Khá khó khăn chúng tôi mới tìm được lối vào ngôi trường này vì chung quanh chỉ có những con đường mòn đầy cát sỏi. Sân trường đầy rẫy những cây cỏ mọc cao.
Được biết ngôi trường này nằm trong khu 38,4 ha của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, được Ban quản lý Đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm phê duyệt xây dựng từ năm 2011 và hoàn tất trong năm 2012. Trường xây dựng bốn tầng, tổng diện tích hơn 14.700 m2, trong đó diện tích sân bãi gần 4.600 m2 và diện tích cây xanh hơn 5.100 m2. Trường được thiết kế đầy đủ các phòng chức năng như thư viện, phòng truyền thống, thiết bị giáo dục, phòng y tế, xưởng thực hành, phòng thí nghiệm lý, hóa, sinh, công nghệ, phòng học tiếng, nghe nhìn, tin học, mỹ thuật, âm nhạc…, đáp ứng nhu cầu học tập cho khoảng 1.800 HS với 40 lớp học.
Tuy nhiên, suốt gần hai năm qua trường bỏ không, không có cả bảo vệ nên có nhiều chỗ xuống cấp. Chúng tôi nhìn mà thật không khỏi đau lòng. Chị Nguyễn Mai Hoa, người dân địa phương, cho biết trường không hoạt động nên không ai biết đó là trường học. Dân cư quanh đây đã “di tản” từ lâu. Các khu nhà ở mới thì còn trong giai đoạn thi công. “Nhìn cảnh này tui chắc còn rất lâu trường mới được đưa vào sử dụng” - chị Hoa nói.
Chưa biết khi nào tuyển sinh
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 2, xác nhận đúng là quận có hai trường đã xây xong từ lâu nhưng chưa sử dụng và cũng chưa biết khi nào sẽ… tuyển sinh!
Lý giải thực trạng này, ông Tùng cho rằng việc quy hoạch của quận 2 khác hẳn với các quận, huyện khác của TP. Khi quy hoạch, quận 2 phải giải tỏa trắng ba phường An Phú, Bình Khánh và Thạnh Mỹ Lợi, từ đó ảnh hưởng đến mật độ dân cư khiến việc huy động trẻ đến trường “có nhiều vấn đề biến động”.
Ông Tùng cho biết hiện phòng cũng đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp 2015-2016 của quận, trong đó có hai trường này, hiện đang chờ Sở GD&ĐT TP góp ý và UBND quận phê duyệt. “Kế hoạch thì cứ làm nhưng có HS hay không thì e rất khó” - ông Tùng nói.
Riêng Trường THCS Bình Khánh, quận 2 đã có chủ trương phối hợp với Sở GD&ĐT lấy trường này làm cơ sở 2 của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. “Như thế sẽ vừa sử dụng được trường này, giúp quận 2 nâng cao chất lượng giáo dục, vừa giải quyết được tình trạng quá tải của Trường Trần Đại Nghĩa. Nhưng đây mới là chủ trương” - ông Tùng cho biết.
Không chỉ người dân mà bản thân tôi cũng lo lắng và mong chờ hai trường này được sớm đưa vào sử dụng nhưng đến giờ tôi cũng chưa biết thế nào. Chưa có HS thì biết làm sao! Ông NGUYỄN PHÚC HUY TÙNG,Trưởng phòng GD&ĐT quận 2 |