Sáng 6-7, trường Đại học Văn Lang tổ chức chương trình đào tạo “Pháp luật về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam”. Các học viên tham gia là những người khiếm thị.
Khóa học được thực hiện với mục đích phổ biến các quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật.
Người khiếm thị tham gia khóa đào tạo tại trường Đại học Văn Lang. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG |
Tại khóa đào tạo, ThS-LS Nguyễn Thị Kim Quyên, giảng viên của khóa học, đã phổ biến những quy định của pháp luật về an sinh xã hội đối với người khuyết tật như trợ cấp xã hội, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Các trường hợp, người khuyết tật gặp khó khăn trong việc giao dịch ngân hàng, nhận trợ cấp xã hội hay đăng ký hộ nghèo được chia sẻ, đều được ghi nhận nhằm hỗ trợ pháp lý tại địa phương của họ. Cuối chương trình, những người tham dự được nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo cùng nhiều phần quà khác.
Bên cạnh việc giải đáp các thắc mắc của người tham gia, những giảng viên của chương trình luôn chia sẻ sự đồng cảm của bản thân đối với những khó khăn và những câu chuyện của người khuyết tật. “Cô luôn ở bên các em”, “Cô luôn ở phía sau hỗ trợ cho các em” là những câu nói được lặp đi lặp lại của ThS-LS Quyên khi bà mở đầu chương trình.
Sau khi chương trình kết thúc, ThS-LS Quyên cho biết: “Ở buổi học, đã có người khuyết tật hỏi tôi rằng: ‘Người khuyết tật có phải là con người không?’. Đó là một câu hỏi rất đau đối với một người nghiên cứu về luật như tôi. Bởi vì thế, đây là một cơ hội tốt để phổ biến thêm kiến thức cho người khuyết tật để họ biết rằng họ được đối xử công bằng, được tôn trọng như mọi công dân khác”.
Bên cạnh đó, bà nói thêm rằng từ những chia sẻ về công việc của người khuyết tật mà bà nhận được, các chính sách an sinh xã hội cần tạo điều kiện nhiều hơn cho các cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật để được hỗ trợ về kinh phí hoạt động. Những cơ sở này sẽ là một cây cầu nối giữa người khuyết tật với các cơ sở kinh doanh. Từ đó, người khuyết tật có thể được hưởng các chính sách an sinh xã hội cũng như được lao động trong chế độ bảo hiểm xã hội.
ThS-LS Nguyễn Thị Kim Quyên trao đổi với người tham dự chương trình tại trường Đại học Văn Lang. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG |
Là một trong số những người khiếm thị tham dự tại chương trình, chị Trần Thị Hà (27 tuổi) cho biết: “Nhờ vào khóa học, mình đã biết thêm nhiều điều mà pháp luật hỗ trợ và giúp đỡ người khuyết tật mà trước đây mình không hề biết. Cảm ơn nhà trường rất nhiều vì đã tạo điều kiện cho tụi mình được tham dự những chương trình như thế này”.
PGS.TS Bùi Anh Thủy, Trưởng khoa Luật Trường Đại học Văn Lang, cho biết chương trình được tổ chức với mục đích giúp người khuyết tật hiểu rõ hơn vị trí của họ trong xã hội. Điều này sẽ giúp cho người khuyết tật cư xử tự tin hơn, cảm thấy được tôn trọng hơn khi biết rõ những nghĩa vụ của mình.
“Từng có những ý kiến cho rằng người khuyết tật chỉ là những người thụ hưởng sự hỗ trợ của xã hội. Điều đó là không đúng. Người khuyết tật cũng mong muốn được sống trong sự tôn trọng và được đối xử công bằng. Chương trình mà chúng tôi tổ chức là nhằm trang bị kiến thức về pháp luật cho người khuyết tật và tạo cho họ nhận thức rằng họ luôn được tôn trọng và họ hãy tự tin hơn trong cuộc sống” – PGS.TS Bùi Anh Thủy chia sẻ.
PGS.TS Thủy cho biết thêm, nhiều chương trình tương tự sẽ được tổ chức trong thời gian tiếp theo. “Các chương trình tiếp theo không chỉ dành cho người khuyết tật, chúng tôi sẽ mở rộng về đối tượng tham gia, có thể là trẻ em và phụ nữ hoặc các đối tượng yếu thế khác trong xã hội” – ông nói.