Sáng 30-3, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm khoa học “Chiến lược phát triển trường Đại học Luật TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, nhằm kỉ niệm 46 năm ngày truyền thống của trường.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM cho biết: “Trong quá trình xây dựng đề án phát triển trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP.HCM, chúng tôi đã mở rộng đề án nhằm xây dựng trường thành trường trọng điểm về đào tạo luật chứ không chỉ đào tạo các cán bộ pháp lý. Nhà trường không chỉ đào tạo nhân lực cho các cơ quan hành chính nhà nước, tòa án hay viện kiểm sát mà còn đào tạo cho các lĩnh vực tư trong bối cảnh toàn cầu hóa của đất nước”.
LS Lê Hồng Nguyên đang phát biểu ý kiến. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG
Tại tọa đàm, nhiều luật sư, chuyên gia đã góp ý cho kế hoạch phát triển của trường.
LS Lê Hồng Nguyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Hồng Nguyên, cho rằng việc đào tạo các luật sư chuyên sâu về các vấn đề quốc tế ở Việt Nam vẫn chưa đạt được kết quả tốt. “Từ 2010 đến 2020, chúng tôi vẫn chưa đào tạo được luật sư nào tham gia tranh tụng tại các tòa quốc tế” - ông Nguyên nói. Với lý do đó, ông rất đồng ý với hướng phát triển của nhà trường về việc đào tạo sinh viên, nghiên cứu khoa học pháp lý theo hướng hội nhập quốc tế.
Theo ông Nguyên, sinh viên rất giỏi lý thuyết nhưng tư duy và thực hành còn hạn chế. Vì thế, ông đề xuất nhà trường cần tổ chức các cơ hội để cọ xát, liên hệ đến các cơ quan tố tụng để hỗ trợ sinh viên học tập.
Anh Nguyễn Công Tĩnh, thành viên Ban Liên lạc cựu sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng nhà trường nên kêu gọi các cựu sinh viên tại các cơ quan hành chính nhà nước quay về trường để đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm làm việc cho sinh viên.
Bà Nguyễn Thị Cam, nguyên Trưởng khoa Luật Thương mại của trường cho rằng năm năm trở lại đây, độ phủ của trường không còn như trước, sinh viên Đại học Luật đã không còn là nguồn nhân lực hàng đầu trên thị trường nhân lực. Sinh viên còn nhiều hạn chế về khả năng tư duy, logic và kỹ năng viết, trình bày vấn đề. Điều đó khiến cho việc thực hành thực tế trở nên khó khăn cho sinh viên và các doanh nghiệp khi nhận việc phải đào tạo lại cho sinh viên.
Trong khi đó, TS Đặng Tất Dũng, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng việc sinh viên Đại học Luật TP.HCM không còn là sự lựa chọn hàng đầu trên thị trường tuyển dụng là vì độ phủ về mặt truyền thông không đủ lớn.
“Các vấn đề lớn của xã hội được định hướng về chuyên môn trên báo chí rất ít xuất hiện tên của trường Đại học Luật TP.HCM. Nhiều tờ báo kể với tôi rằng việc họ tiếp cận các giáo viên của trường Đại học Luật TP.HCM là rất khó. Trong khi ở các trường đại học khác, các giảng viên được khuyến khích xuất hiện trên báo chí” -ông Dũng nêu ý kiến.
Chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM, TS Dũng cho biết việc tạo điều kiện cho báo chí đến gần hơn với nhà trường là trách nhiệm xã hội của nhà trường trong việc phân tích các vấn đề pháp lý mà người dân quan tâm. Đồng thời, việc trả lời báo chí cũng là cách thể hiện chiều sâu chuyên môn vì trường Đại học Luật TP.HCM là trường có số lượng khoa chuyên sâu và giảng viên chuyên ngành lớn nhất ở khu vực phía Nam.
Theo tầm nhìn đến năm 2045, trường Đại học Luật TP.HCM phát triển thành đại học định hướng nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực; giữ vai trò nòng cốt, đứng đầu trong các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành Luật ở Việt Nam.
Nhà trường cũng định hướng đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đội ngũ giáo viên sẽ xây dựng nhà trường trở thành trung tâm truyền bá khoa học pháp lý, dẫn đầu về nghiên cứu khoa học pháp lý.
Bên cạnh buổi tọa đàm, nhà trường tổ chức lễ khánh thành Phòng Truyền thống của trường trong giờ nghỉ giữa hai phiên thảo luận.