Một giờ học của lớp chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh của Trường ĐH Luật TP.HCM.

Trường ĐH Luật TP.HCM: Chất lượng đào tạo là giá trị cốt lõi!

(PLO)- Triết lý giáo dục mà Trường ĐH Luật TP.HCM hướng đến là “Sáng tri thức, vững công minh”.

Hôm nay, 30-3, Trường ĐH Luật TP.HCM (ULaw) kỷ niệm 48 năm hình thành và phát triển. Đây là một trong hai trường được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về thực hiện trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật của cả nước năm 2022.

Nhân dịp này, TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM, đã có những chia sẻ cụ thể về đường hướng phát triển của trường trong thời gian tới.

ĐH Luật TP.HCM
Một giờ học của lớp chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh của Trường ĐH Luật TP.HCM.
Ảnh: TTNT

Ba trụ cột định vị danh tiếng trường

. Phóng viên: Cảm xúc của ông như thế nào khi đây là năm đầu tiên tham dự ngày truyền thống của trường với tư cách hiệu trưởng?

+ TS Lê Trường Sơn: Gắn bó với trường đã 30 năm, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào cùng đồng hành cũng như chứng kiến sự thay đổi, phát triển của trường trong thời gian qua. Bên cạnh niềm vui, tôi cảm nhận rất rõ trách nhiệm của mình trong vai trò hiệu trưởng.

ĐH Luật TP.HCM 4.jpg

. Theo ông, đâu là những nhân tố giúp tập thể trường đạt được những thành quả như hôm nay?

+ Đó là sự cống hiến của các thế hệ viên chức, người lao động và người học qua các thời kỳ. Danh tiếng Trường ĐH Luật TP.HCM được xây dựng trên ba trụ cột: Người học, đội ngũ giảng viên và đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Trong đó, đội ngũ giảng viên là yếu tố quan trọng nhất.

Trường rất tự hào khi có đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết, gắn bó với nghề, trách nhiệm cao trong công việc và với trường. Trong bối cảnh có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong đào tạo luật hiện nay, các thầy cô đã vượt qua những cám dỗ để tiếp tục gắn bó lâu dài và đồng hành với trường.

ĐH Luật TP.HCM.jpg
Các nữ giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM

“Chất lượng đào tạo chính là giá trị cốt lõi tạo nên uy tín và thương hiệu của Trường ĐH Luật TP.HCM hiện nay.”

TS LÊ TRƯỜNG SƠN

Đẩy mạnh chính sách thu hút, giữ chân nhân tài

. Để thực hiện thành công Đề án xây dựng Trường ĐH Luật TP.HCM thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật như ông vừa nói, trường đã đề ra những chủ trương, chính sách như thế nào, thưa ông?

+ Chúng tôi xác định năm 2023 và 2024 là thời gian ưu tiên tập trung chuẩn bị những điều kiện quan trọng cần thiết để đến năm 2025 con tàu ULaw sẽ tăng tốc trên chuyến hành trình dài với các mốc trong giai đoạn 2030-2045. Trường đã xây dựng và ban hành các kế hoạch cụ thể, hệ thống các chỉ tiêu theo từng lĩnh vực và cụ thể hóa đến từng đơn vị, cá nhân.

ĐH Luật TP.HCM 9.jpg
ĐH Luật TP.HCM 6.jpg

Trường đang tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh

Bên cạnh đó, trong năm 2024 trường sẽ tập trung vào giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược, hệ thống quản trị như rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy tổ chức; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định nội bộ đảm bảo thực hiện quyền tự chủ ĐH.

Trong đó, trường tập trung vào các chính sách như: Hỗ trợ giảng viên đi học tiến sĩ, đăng ký chức danh phó giáo sư và giáo sư; chăm sóc, đãi ngộ đội ngũ giảng viên có học vị cao, có chức danh phó giáo sư, giáo sư; thu hút sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi, các nhà khoa học trẻ, những người có học hàm giáo sư, giáo sư bổ sung cho đội ngũ giảng viên; tăng cường năng lực công bố quốc tế cho giảng viên; hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh…

ĐH Luật TP. 1.jpeg
Một hội thảo quốc tế do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức thu hút nhiều chuyên gia, nhà báo tham dự. Ảnh: TTNT

. Ông đánh giá như thế nào về chiến lược phát triển của trường trong bối cảnh hiện nay?

+ Thực tế mà nói trường có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn và thách thức. Đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ khi hiện nay có hơn 100 cơ sở đào tạo luật; khó khăn về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất trong thời gian đầu khi chuyển sang cơ chế tự chủ…

Tuy vậy, có thể nói chưa bao giờ trường có các cơ hội tốt để phát triển như hiện nay. Đó là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, từ Bộ GD&ĐT, những thuận lợi về cơ chế, chính sách của Nhà nước, những nguồn lực chính của trường, sự tín nhiệm và ủng hộ của xã hội. Đặc biệt là sự đồng lòng, niềm tự hào của các thế hệ viên chức, người lao động và người học về truyền thống tốt đẹp, về uy tín, thương hiệu của trường và khát vọng xây dựng Trường ĐH Luật TP.HCM danh tiếng, đứng hàng đầu trong cả nước, uy tín trong khu vực và thế giới.

P13_ĐH-Luat_h1.jpg
TS Lê Trường Sơn: Ảnh: PA

Trải qua 48 năm hình thành và phát triển, các thế hệ viên chức, người lao động, các thế hệ người học đã góp phần xây dựng, định vị uy tín và thương hiệu của trường. Chúng tôi - những thế hệ hôm nay có trách nhiệm tiếp nối và làm sâu sắc hơn truyền thống vẻ vang của trường. Nhiệm vụ cụ thể là phải thực hiện thành công Đề án xây dựng Trường ĐH Luật TP.HCM thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật theo Quyết định 1156/QĐ-TTg ngày 30-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch chiến lược phát triển trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TS LÊ TRƯỜNG SƠN, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM

Chất lượng đào tạo chính là giá trị cốt lõi

. Theo ông, đâu là mục tiêu, giá trị cốt lõi mà Trường ĐH Luật TP.HCM muốn hướng đến để trở thành một trong hai trường trọng điểm của cả nước về đào tạo pháp lý?

+ Trong 48 năm qua, Trường ĐH Luật TP.HCM luôn tự hào về chất lượng đào tạo; là trường ĐH công lập hàng đầu về đào tạo cán bộ pháp luật trong cả nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ ĐH và sau ĐH; là trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý, góp phần xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

ĐH Luật TP.HCM 10.jpg

Sinh viên tốt nghiệp ở trường ĐH Luật TP.HCM- trường ĐH công lập hàng đầu về đào tạo cán bộ pháp luật trong cả nước

Có thể nói chất lượng đào tạo chính là giá trị cốt lõi tạo nên uy tín và thương hiệu của Trường ĐH Luật TP.HCM hiện nay. Do đó, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ quan trọng nhất mà trường muốn hướng đến, đúng như triết lý giáo dục mà trường đã công bố với xã hội “Sáng tri thức, vững công minh”.

. Nhân sự kiện hôm nay, ông có gửi gắm gì đến toàn thể giảng viên, viên chức, người lao động của trường nhằm tạo động lực để cùng nhau hoàn thành tốt các nhiệm vụ?

+ Mỗi thành viên trong đại gia đình Trường ĐH Luật TP.HCM có thể có những công việc khác nhau, những vị trí công tác khác nhau… nhưng đều gắn kết với nhau bởi một điểm là đã cùng nhau trải qua một quãng thời gian học tập, làm việc và trưởng thành từ ngôi trường mang tên Trường ĐH Luật TP.HCM đến tận hôm nay.

Mỗi thành viên là một mảnh ghép trong lịch sử của ngôi trường và do vậy, chúng ta đều có chung một điểm đó là tình yêu và trách nhiệm với ngôi trường. Nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày truyền thống, chúng ta hãy dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho trường và cùng nhau suy nghĩ, hành động vì sự phát triển của trường.

432425984_933708005430693_5811370377206557035_n.jpg

. Còn với sinh viên, học viên, thông điệp ông muốn nhắn gửi là gì?

+ Tôi muốn cảm ơn các bạn sinh viên, học viên và gia đình vì đã lựa chọn Trường ĐH Luật TP.HCM để hiện thực hóa ước mơ và hoài bão. Các em hãy cố gắng học tập và rèn luyện để đạt kết quả tốt nhất. Bởi người học chính là một trong ba yếu tố tạo nên danh tiếng của trường và cũng chính là những người giữ gìn, viết tiếp truyền thống vẻ vang của Trường ĐH Luật TP.HCM. Chúng tôi tin tưởng và tự hào về các bạn.

. Xin cảm ơn ông.•

P13_ĐH-Luat_h4_BOX.jpg
Trường ĐH Luật TP.HCM.

Những mốc lịch sử đáng nhớ

Trường ĐH Luật TP.HCM được hình thành từ Trường Cán bộ tư pháp Trung ương tại TP.HCM vào năm 1976.

Năm 1978, trường được tách thành hai trường là Trường Cán bộ kiểm sát thuộc VKSND Tối cao và Trường Cán bộ tư pháp thuộc TAND Tối cao.

Năm 1982, Trường Cán bộ tư pháp được giao cho Bộ Tư pháp quản lý và đổi tên thành Trường Trung học Pháp lý TP.HCM.

Năm 1987, trường trở thành Phân hiệu ĐH Pháp lý TP.HCM và năm 1993 được đổi tên thành Phân hiệu ĐH Luật TP.HCM. Đến ngày 30-3-1996, hợp nhất với khoa Luật của Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM thành Trường ĐH Luật thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ có quyết định tách Trường ĐH Luật ra khỏi ĐH Quốc gia TP.HCM thành Trường ĐH Luật TP.HCM trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Qua 48 năm, đến nay trường có tám khoa, 23 phòng, trung tâm chức năng và tương đương. Trường hiện có gần 400 viên chức, người lao động, quy mô đào tạo khoảng 10.000 người học.

Đọc thêm