Theo đó, các trường ĐH đang đào tạo CĐ phải dừng đào tạo trình độ này trước năm 2020, trừ khối ngành nghệ thuật, trường thuộc tỉnh hoặc TP trung ương không có cơ sở đào tạo CĐ, TCCN khối ngành khoa học GD&ĐT giáo viên.
Đồng thời, các trường ĐH đang đào tạo hệ CĐ phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh CĐ ít nhất 30% so với chỉ tiêu 2015 để tiến tới có thể dừng đào tạo trình độ này trước năm 2020. Trường ĐH đang đào tạo TC phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.
Việc rút bậc CĐ ra khỏi các trường ĐH sẽ giúp các trường CĐ, TC nghề chuyên tâm hơn việc đào tạo nghề. Ảnh: P.ĐIỀN
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, đánh giá lộ trình của Bộ GD&ĐT đưa phù hợp với định hướng đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu của bậc ĐH. Ngược lại, với các trường ĐH có tỉ trọng đào tạo bậc CĐ chủ yếu thì lộ trình đến năm 2020 chấm dứt đào tạo hệ CĐ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và cơ cấu tổ chức, nâng cấp khoa, ngành...
Ông Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và Tuyển sinh ĐH Hoa Sen, cho rằng thực tế đào tạo bậc CĐ lại phù hợp với một số địa phương và đặc thù một số nghề, do vậy việc cắt giảm này cần có thời gian và cân nhắc kỹ. Một số trường ĐH có thế mạnh đào tạo nghề bậc CĐ, họ đã đầu tư cơ sở vật chất thực hành rất lớn để thực hành, theo lộ trình phải cắt giảm 30% chỉ tiêu so với năm 2015 sẽ khiến thế mạnh của họ bị ảnh hưởng.
Với dự thảo này, đại diện một số trường ĐH có đào tạo hệ CĐ sư phạm cho rằng đặc thù đào tạo các ngành mầm non, tiểu học, THCS phù hợp với trình độ CĐ và yêu cầu từ các cơ sở đào tạo. Do vậy việc điều chỉnh cần phải tính tới đặc thù của từng địa phương và yêu cầu nghề nghiệp chỉ cần trình độ CĐ là đáp ứng nhu cầu.
ThS Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế-Kỹ thuật Vinatex, cho biết việc tách bậc CĐ, TC khỏi trường ĐH sẽ tạo lợi thế cạnh tranh tuyển sinh cho các trường CĐ, TC nghề, bớt tình cảnh nơm nớp lo không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.