Gần đây, dư luận đặt nhiều dấu hỏi vì sao sau gần hai năm công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng; mua bán tài sản công tại tỉnh Khánh Hòa vẫn không thấy kết luận thanh tra đâu?
Thời hạn 75 ngày, gần hai năm chưa kết luận
Theo thông tin chúng tôi nắm được, trước đó, ngày 29-5-2015, tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1386 (bà Lê Thị Thủy, khi đó là phó tổng Thanh tra Chính phủ, ký thay) với nội dung thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng; mua bán tài sản công tại tỉnh Khánh Hòa. Thời kỳ thanh tra được xác định là từ 1-1-2008 đến 31-12-2014.
Ngày 11-6-2015, bà Lê Thị Thủy đã chủ trì buổi công bố quyết định nói trên tại Khánh Hòa. Theo đó, đoàn thanh tra này có năm thành viên, do ông Bùi Quang Ngà, Phó Cục trưởng Cục II, làm trưởng đoàn. Thời hạn thanh tra là 75 ngày.
Trao đổi với chúng tôi, một cựu thanh tra viên cao cấp cho hay: “Điều 45 Luật Thanh tra đã quy định về thời hạn các cuộc thanh tra. Theo đó, cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày”.
Theo vị cựu thanh tra viên này, thời hạn cuộc thanh tra tại Khánh Hòa đã được quyết định là 75 ngày, “trong trường hợp không có quyết định kéo dài thời hạn thanh tra, theo Điều 49 Luật Thanh tra, chậm nhất 15 ngày, sau khi kết thúc thời hạn thanh tra, trưởng đoàn phải có báo cáo người ra quyết định thanh tra. Điều 50 cũng quy định chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, người ra quyết định thanh tra phải ban hành kết luận thanh tra”. Vị này nói thế và cho rằng nếu theo đúng quy định của pháp luật, sau 105 ngày làm việc, kết luận thanh tra đối với Khánh Hòa phải được ban hành. Căn cứ vào thời điểm công bố quyết định thanh tra, ước tính thời gian ban hành kết luận thanh tra phải vào tháng 10-2015.
Được biết, khoảng tháng 1-2016, Trưởng đoàn thanh tra Bùi Quang Ngà đã lâm trọng bệnh. Đáng chú ý là đến tháng 3-2016, báo Thanh Tra (ngày 11-3-2016) thông tin: Trong tháng 2-2016, Cục II Thanh tra Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của địa phương và hoàn thiện báo cáo trình phó tổng Thanh tra Chính phủ phụ trách cuộc thanh tra này.
Tuy nhiên, đến nay kết luận này vẫn “bặt vô âm tín”.
Bà Lê Thị Thủy, khi đó đang là phó tổng Thanh tra Chính phủ, đang chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra tỉnh Khánh Hòa ngày 11-6-2015. Ảnh: Thanhtra
Quyết định thanh tra. Ảnh: CL
Trưởng đoàn bị đột quỵ, tắt luôn việc ban hành kết luận
Tại cuộc họp báo quý I-2017 mới đây, ông Bùi Ngọc Lam, Cục trưởng Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực miền Trung (Cục II), cho biết nguyên nhân việc chậm trễ ban hành năm 2015 tại Khánh Hòa là do trưởng đoàn thanh tra bất ngờ bị đột quỵ.
Ông Lam lý giải thêm: “Trên thực tế, đoàn đã kết thúc việc thanh tra trực tiếp, đang trong quá trình hoàn thiện để có báo cáo và kết luận thanh tra thì trưởng đoàn bị đột quỵ. Báo cáo kết quả thanh tra phải do trưởng đoàn ký duyệt nên không ai ký thay được. Hiện sức khỏe của trưởng đoàn thanh tra chưa đảm bảo, chúng tôi đang tham mưu lãnh đạo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý đảm bảo đúng quy định”.
Cùng tại cuộc họp báo này, trả lời câu hỏi tại sao không thay thế trưởng đoàn thanh tra, việc ban hành kết luận thanh tra chậm có ảnh hưởng gì tới các kiến nghị cũng như xử lý sai phạm hay không, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cho rằng cuộc thanh tra tại tỉnh Khánh Hòa có sự cố nằm ngoài mong muốn. Thời điểm xảy ra sự cố đã kết thúc giai đoạn thanh tra trực tiếp.
“Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã bám sát xử lý và đảm bảo cuộc thanh tra có gián đoạn về mặt thời gian nhưng không sót, lọt những nội dung, giải pháp khắc phục nào” - ông Khánh cam kết.
Sau buổi họp báo, Pháp Luật TP.HCMđã liên hệ với Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh để làm rõ các căn cứ pháp lý liên quan đến việc tại sao không thay thế trưởng đoàn thanh tra. Sau khi trao đổi, ông Khánh đề nghị PV liên hệ với Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh để có câu trả lời.
Sáng 28-4, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Thanh cho hay: Cuộc thanh tra tại Khánh Hòa có điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành thanh tra khi trưởng đoàn bị đột quỵ lúc kết thúc giai đoạn thanh tra trực tiếp.
Ông Thanh cho hay: Vị trưởng đoàn bị đột quỵ hiện nay đã hồi phục, có thể tư duy được nhưng khó có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. “Đồng chí ấy đã có đơn xin nghỉ hưu sớm. Theo luật, chỉ có trưởng đoàn mới có thể ký báo cáo và dự thảo kết luận thanh tra. Hiện nay tổng Thanh tra Chính phủ không có cách gì ban hành kết luận thanh tra được nữa” - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng đồng ý rằng: Trong cuộc thanh tra tới đây tại Khánh Hòa, những nội dung của cuộc thanh tra trước đó sẽ được gộp vào. “Khi xong cuộc thanh tra năm nay thì sẽ công bố kết luận thanh tra cuộc đó luôn” - ông Thanh cho biết và nói rằng ông rất tôn trọng nguyên tắc giải trình công khai, minh bạch với dư luận.
Có căn cứ để thay được trưởng đoàn thanh tra
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về căn cứ pháp lý trong trường hợp cần thiết phải thay trưởng đoàn, vị cựu thanh tra viên cao cấp nêu trên khẳng định: Việc thay đổi trưởng đoàn thanh tra đã được pháp luật quy định rất rõ ràng tại Điều 10 Thông tư 05/2014 do Thanh tra Chính phủ ban hành. Theo đó, “khi không đáp ứng được yêu cầu của cuộc thanh tra; hoặc vi phạm pháp luật; hoặc vì lý do khách quan mà không thể thực hiện nhiệm vụ được giao” thì trưởng đoàn thanh tra sẽ được thay thế.
Phân tích rõ hơn, vị này cho rằng: “Trưởng đoàn thanh tra tại Khánh Hòa bị ốm nặng, không đủ sức khỏe để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao thì cần thiết phải thay trưởng đoàn để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Do vậy không thể nói vì trưởng đoàn thanh tra bị ốm nặng mà không ban hành được kết luận thanh tra”.
Về mặt khách quan, cựu thanh tra viên cao cấp này cho rằng: Mọi vấn đề thanh tra trước đó đã được lưu giữ bằng hồ sơ, tài liệu. Do đó, trưởng đoàn cũ hay mới được thay cũng đều phải nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, tài liệu đã được thu thập để xây dựng báo cáo kết quả thanh tra làm cơ sở cho việc ký và ban hành kết luận thanh tra.
“Nếu không có báo cáo kết quả thanh tra thì theo quy định tại các điều từ 33 đến 36 Thông tư 05 nêu trên, người ra quyết định thanh tra không thể ký và ban hành kết luận thanh tra” - vị này nói và khẳng định: “Việc không thay đổi trưởng đoàn thanh tra dẫn đến việc chậm ban hành kết luận thanh tra có nhiều vấn đề cần phải xem xét”.