Trường gà vùng giáp ranh Đồng Nai - Lâm Đồng - Bài 1: Nhộn nhịp trường gà C1

LTS: Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo giữa vùng giáp ranh, một số người đã chọn địa bàn huyện Tân Phú (Đồng Nai) và thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) làm nơi tổ chức các trường gà cho các “đại gia” của Đồng Nai, TP. HCM và Lâm Đồng... thỏa máu đỏ đen. Nếu bên này “động”, các con bạc sẽ sang bên kia để chơi và ngược lại.

Với mức ăn thua hàng tỉ đồng cho mỗi độ gà, các trường gà vùng giáp ranh này tồn tại nhiều năm qua gây bức xúc cho dư luận tại địa phương. Từ thông tin bạn đọc, chúng tôi đã lọt vào các trường gà này.

Theo lời một con bạc, giới đá gà khu vực miền Đông hay gọi các trường gà di động ở địa bàn giáp ranh huyện Tân Phú (Đồng Nai) dọc QL20 là trường gà C1 vì các độ gà “khó đoán thắng thua như Giải Bóng đá Cúp C1 ở châu Âu”. Vì tính khó đoán và các chủ trường gà tổ chức chặt chẽ, chưa bị quỵt tiền nên các trường gà C1 rất nổi tiếng trong giới đá gà, quy tụ nhiều tay cờ bạc “đại gia” của khu vực huyện Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, TP Biên Hòa (Đồng Nai); TP.HCM và thị trấn Madagui (huyện Đạ Huoai), Bảo Lộc (Lâm Đồng)… 

Sau nhiều lần thâm nhập bất thành, cuối tháng 5-2013, chúng tôi lọt vào các trường gà C1.

Trường gà vùng giáp ranh Đồng Nai - Lâm Đồng - Bài 1: Nhộn nhịp trường gà C1 ảnh 1

Biện Đen miệng cặp, tay đếm tiền chung cho khách trong trường gà của Hoàng. Ảnh: DĐ

Lột cả nhẫn, điện thoại để chung độ

Đường vào trường gà là một con hẻm rộng 4 m ngay cổng ấp văn hóa Phú Lâm 4 thuộc địa bàn xã Phú Sơn, huyện Tân Phú (Đồng Nai). Từ đầu QL20, chúng tôi theo chân các con bạc đi vào hơn 1 km gặp một vườn chôm chôm đang chín đỏ. Đây là điểm được chủ trường gà làm nơi để các con bạc sát phạt.

Loanh quanh rao bán được hơn 100 tờ vé số, chúng tôi chen chân giữa hàng trăm con người quây lại thành vòng tròn đang theo dõi một độ gà.

Mặc kệ cho các con bạc nóng ruột: “thả gà đi, đá đi trọng tài ơi”, Hoàng (chủ trường gà) vẫn lạnh lùng ngồi “đàm đạo” với hai người đẹp vừa đếm tiền vừa cười nói.

Một biện gà chạy lại chỗ Hoàng thì thầm gì đó, nghe xong Hoàng ra lệnh: “Thả gà đi”. Lập tức các biện dạt ra xung quanh, vài biện quát nạt khách: “Né ra, chỗ đá gà chứ có phải chỗ đứng đâu”. Đám biện gà tiếp tục hô to “ăn tám rưỡi, tám rưỡi 5 triệu, tám rưỡi 3 triệu…”.

Trên sân, hai con gà mang cựa sắt lao vào nhau cùng tiếng hò reo của các con bạc. Biện gà tiếp tục moi thêm tiền các con bạc: “ăn hai, 10 triệu; ăn ba, 20 triệu ai bắt?”. Sau khi bị trúng cựa, con gà màu bắp chuối nằm sân, trọng tài chỉ tay về phía con gà đang đứng, nói ngắn gọn: “ăn đi!”.

Trong ống kính máy quay của chúng tôi, cảnh chung tiền diễn ra gần như khắp trường gà. Một biện gà tên Đen phải dùng miệng “cặp” tiền vì hai tay bận đếm tiền. Có con bạc cầm cả xấp tiền trong tay nhưng mặt mày tái nhợt, mồ hôi dầm dề.

Một con bạc ngồi bệt xuống gốc chôm chôm thở dốc vì vừa thua 256 triệu đồng cho một độ gà. Theo tìm hiểu, anh này ở quận 8 (TP.HCM) mang 250 triệu đồng lên TP Bảo Lộc mua đất nhưng không thành. Trên chuyến xe từ Bảo Lộc trở về, anh này làm quen với một người đến trường gà C1 và xin theo. Trong một độ gà, anh này đặt hết số tiền mang theo và đánh cược thêm 6 triệu đồng với người “bạn đường” của mình. Kết quả trận này, con gà anh đặc cược thua, nằm giãy chết. Sau khi đem hết tiền mua đất ra chung độ vẫn còn thiếu 6 triệu đồng, anh này phải gán ba cái ĐTDĐ, gỡ 2 chiếc nhẫn vàng trên tay cho người thắng độ.

Hết tiền và ngồi thở dốc dưới gốc chôm chôm, nhóm biện gà góp mỗi người vài trăm ngàn đồng cho anh ta đón xe về nhà!…

Trường gà vùng giáp ranh Đồng Nai - Lâm Đồng - Bài 1: Nhộn nhịp trường gà C1 ảnh 2

Một góc của trường gà. Ảnh: DĐ

Luôn có trường gà “dự bị”

Theo một biện gà lâu năm, trường gà này của hai anh em Hoàng, Hiếu. Hoàng từng vào tù ra khám nhưng luôn tìm cách duy trì trường gà vì số tiền thu được từ các sòng bạc này rất lớn. Theo quy định, khi con bạc thắng độ thì Hoàng thu 10% còn biện gà thu 5%. Một ngày, trường gà C1 diễn ra trung bình khoảng 20 trận và số tiền cược mỗi trận có khi lên tới hàng tỉ đồng.

Ngoài chuyện tổ chức trường gà, Hoàng còn bố trí cho hai người đẹp ngồi cạnh để sẵn sàng cho những con bạc vay tiền với giá cắt cổ. Con bạc nào muốn vay tiền, sau khi được Hoàng “thẩm định”, hai người đẹp sẽ chi tiền theo cách: con bạc vay một triệu đồng sẽ chỉ nhận 80% số tiền muốn vay. Sau đó sẽ đóng tiền lãi 20% mỗi ngày. Khoản thu quá lớn nên khi Hoàng “xộ khám” thì người em tên Hiếu lại thay anh duy trì trường gà C1. Hoàng ra tù thì quay lại điều hành trường gà…

Theo anh D.,  một tay mê đá gà, Hoàng có hẳn một đội quân chuyên đi “khai phá” để tìm sân. Anh D. giải thích: Tụi này nuôi một nhóm đàn em chuyên đến các vùng giáp ranh giữa các tỉnh để tìm địa điểm tổ chức trường gà. Sau khi nhóm đàn em này đi tiền trạm, chọn được điểm kín đáo sẽ mang cuốc xẻng vào san đất, làm đường để “dự bị” cho trường gà hiện tại. Khi trường gà đang hoạt động có dấu hiệu không ổn, sẽ có ngay địa điểm mới để thay thế “bảo đảm cho dân chơi gà luôn có sân chơi” - anh D. nói.

Theo anh M., một con bạc tại các trường gà ở đây, Hoàng giám sát rất chặt chẽ mọi hoạt động tại trường gà như bố trí đàn em canh gác, việc trực tiếp cân gà, ra độ, giám sát việc thu tiền sân…

Vì là trường gà di động nên trong số các con bạc, ngoài các “đại gia” thì có đủ thành phần từ khắp nơi đổ về đây để sát phạt. Để giữ ‘kỷ cương” cho trường gà, Hoàng nổi tiếng hung dữ với khuôn mặt lạnh lùng nên ở trường gà này, mỗi lời nói của Hoàng đều được đám đàn em răm rắp thực hiện.

NHÓM PV

Kỳ sau: “Trường gà lâm tặc”

Nếu ở Tân Phú (Đồng Nai) đã có Hoàng tổ chức trường gà thì bên phía Lâm Đồng, Nam (Nam “ngông”), cháu ruột của Bảy “nham”, một trùm gỗ lậu ở khu vực thị trấn Madagui (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) cũng tổ chức cho các con bạc sát phạt. Đặc biệt, Nam còn tổ chức sòng bầu cua, xóc đĩa ngay tại nhà mình để moi tiền những người có máu đỏ đen.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm