Truy tố 22 bị can vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2

(PLO)- 22 bị can bị truy tố về các tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; ở giai đoạn 1 của vụ án, cơ quan tố tụng đã xử lý 36 bị cáo. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 22 bị can trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi về các tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: VLONG

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: VLONG

Theo cáo trạng, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, có chi phí đầu tư 34.516 tỉ đồng và được Chính phủ phê duyệt.

Dự án do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, có chiều dài 139 km, chia làm hai giai đoạn.

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là đường cao tốc loại A, tốc độ 120 km/h, thời gian tính toán dự báo giao thông là trên 20 năm kể từ năm đầu tiên đưa đường vào sử dụng, trong đó thời hạn tính toán cho mặt đường là trên 10 năm.

Tuy nhiên, khi mới đưa vào vận hành khai thác, trên toàn tuyến đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông, gây bức xúc trong dư luận.

Kết quả điều tra tuyến đường thuộc giai đoạn 1 của dự án xác định các đối tượng thuộc các đơn vị chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát đã có hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng và vi phạm quy định về xây dựng dẫn đến chất lượng thi công công trình không đảm bảo, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 811 tỉ đồng.

Có 36 bị cáo đã bị truy tố, xét xử tại giai đoạn 1 của vụ án.

Kết quả điều tra tuyến đường 74 km thuộc giai đoạn 2 (5 gói thầu) xác định các bị can là lãnh đạo thuộc Chủ đầu tư dự án, Ban QLDA, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đã không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu nguồn, thiết kế phối trộn, thi công thử đến thi công đại trà các lớp vật liệu.

Khi tiến hành nghiệm thu, không thực hiện đo cường độ mô đun đàn hồi trên các lớp vật liệu. Có nhiều hạng mục thi công tiến hành nghiệm thu không có sự tham gia của đại diện Ban QLDA.

Hội đồng nghiệm thu cơ sở không tiến hành nghiệm thu hoàn thành chuyển bước giai đoạn thi công tổng thể nền đường, tổng thể mặt đường.

Các hành vi này vi phạm quy định tại Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn nhưng vẫn lập hồ sơ nghiệm thu hoàn thành công trình, đánh giá chất lượng thi công đảm bảo để được thanh toán theo dự toán đã phê duyệt và đưa công trình vào khai thác, sử dụng dẫn đến gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền 460 tỉ đồng.

Trong đó, bị can Trần Văn Tám, cựu Tổng giám đốc VEC, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở đã ký Biên bản nghiệm thu cơ sở nghiệm thu công trình, hạng mục công trình hoàn thành để đưa vào khai thác, kết luận công trình được thi công đáp ứng yêu cầu thiết kế, đảm bảo kỹ thuật.

Bị can còn ký văn bản báo cáo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, trong đó đánh giá chất lượng công trình xây dựng các gói thầu đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế. Nhưng thực chất Hội đồng nghiệm thu cơ sở chưa họp đánh giá chất lượng xây dựng các gói thầu.

Ngoài ra, bị can đã buông lỏng công tác quản lý, không kiên quyết chỉ đạo để kịp thời khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện dự án về nguồn vật liệu, công tác thi công và nghiệm thu dự án. Cạnh đó, không có các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng thi công, dẫn đến thi công không đúng thiết kế dự án, không đảm bảo chất lượng công trình, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm