TS Hà Thị Thanh Hương - người phụ nữ đam mê nghiên cứu khoa học

(PLO)- Là một trong số ít nhà khoa học nữ đi theo con đường nghiên cứu về não bộ, trong suốt 12 năm theo nghề, TS Hà Thị Thanh Hương đã nhận được nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau thời gian học tập và nghiên cứu tại đại học (ĐH) danh giá Stanford (Mỹ), năm 2018, với mong muốn nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và tìm kiếm các phương pháp chẩn đoán chữa trị hiệu quả về thần kinh tại Việt Nam, TS Hà Thị Thanh Hương bắt đầu với công việc giảng dạy, nghiên cứu tại ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).

TS Hà Thị Thanh Hương.jpg
TS Hà Thị Thanh Hương là một trong 14 gương mặt công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM.

Ngày 1-1, TS Hà Thị Thanh Hương chính thức trở thành một trong 14 gương mặt công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM.

Nghiên cứu liệu pháp giảm đau không dùng thuốc

Trong thời gian công tác tại ĐH Quốc tế, TS Hương nhận thấy sinh viên (SV) là nhóm đối tượng dễ mắc các vấn đề về căng thẳng, lo âu, trầm cảm. Với mong muốn tìm kiếm cách thức can thiệp giảm đau do căng thẳng và trầm cảm gây ra, chị đã nghiên cứu và biết đến phương pháp MBSR - Thiền tỉnh thức.

Trong quá trình triển khai, may mắn nhóm đã gặp được Ths Lương Ngọc Tiên, một chuyên gia trong lĩnh vực thiền ứng dụng tại Việt Nam, cho biết phương pháp MBSR được phát hiện bởi giáo sư Jon Kabat-Zinn tại Đại học Massachusetts (Mỹ). Sau khi nghiên cứu và ứng dụng, ông thấy đây là liệu pháp giảm đau không dùng thuốc có tác động lên ba phương diện cơ thể, cảm xúc và nhận thức.

tien-si-ha-thi-thanh-huong-huong-dan-sinh-vien.jpg
TS Hà Thị Thanh Hương hướng dẫn sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC

“Khi nhìn nhận và đánh giá sự căng thẳng, nếu không nhìn dưới góc độ y khoa, người ta dễ dàng bỏ qua các trạng thái biểu hiện cơ thể khác như cảm xúc, nhận thức. Những người thường xuyên bị đau đầu, hay đau bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, thường sẽ đi kèm các trạng thái về tinh thần chứ không chỉ đau về thể xác” - Ths Tiên chia sẻ.

Cùng Ths Tiên, nhóm tiến hành nghiên cứu với sự tham gia của 41 SV. Trong đó, các SV được chia thành hai nhóm, nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm. Cả hai nhóm đều được đánh giá trước và sau can thiệp dựa trên hai khía cạnh mức độ căng thẳng và điện não đồ.

Nhóm thử nghiệm đã thực hành một khóa học thiền tỉnh thức kéo dài 8 tuần bao gồm các lớp thiền kéo dài 1,5 tiếng mỗi tuần và một ngày thiền 7 giờ vào cuối khóa dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên.

TS Hà Thị Thanh Hương 1.jpg
Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương là một trong 3 nhà khoa trẻ góp mặt trong danh sách 20 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Ảnh: NVCC

Vượt qua thách thức trong hai năm thử nghiệm, TS Hà Thị Thanh Hương cùng Ths Lương Ngọc Tiên và các SV đã thu được những kết quả đáng kể.

Cụ thể, ngay sau khi can thiệp trị liệu bằng MBSR, mức độ trầm cảm, lo âu, căng thẳng của nhóm thử nghiệm đã giảm 30%. Hai tháng sau, mức độ trầm cảm, lo âu, căng thẳng của nhóm thử nghiệm giảm 50% và mức độ căng thẳng tri giác giảm 33%. Ngược lại, kết quả của nhóm đối chứng không thay đổi theo thời gian.

Về hoạt động của não, khi thực hiện các tác dụng tính toán kích thích căng thẳng, nhóm thử nghiệm được kiểm chứng vẫn có sóng alpha khá nhiều, tức trạng thái tinh thần tương đối thư giãn khi gặp kích thích căng thẳng.

“Một điều thú vị trong kết quả nghiên cứu là mức độ căng thẳng không chỉ giảm ngay sau tám tuần học thiền mà khoảng hai tháng sau đó điểm đo mức độ căng thẳng tiếp tục giảm” - TS Hà Thị Thanh Hương nói.

Nguyễn Bá Thuận, sinh viên tham gia thử nghiệm phương pháp thiền tỉnh thức, cho biết trước khi tham gia khóa thiền, em thường xuyên gặp các vấn đề về căng thẳng, mất tập trung do công việc, học tập.

tien-si-ha-thi-thanh-huong.jpg
TS Hà Thị Thanh Hương, Ths Lương Ngọc Tiên và các thành viên trong hội đồng hướng dẫn lớp học thiền. Ảnh: NVCC

Tại lớp học thử nghiệm, Thuận được các giáo viên huấn luyện tạo điều kiện tiếp xúc với nhiều phương pháp thiền như: thiền ngồi, thiền đứng, thiền ngủ và thiền tập trung vào hình ảnh.

Sau ba tháng tham gia thử nghiệm, Thuận nhận thấy về mặt cảm xúc, góc nhìn của mình với sự việc trở nên tích cực, thoải mái hơn, giảm đáng kể tình trạng căng thẳng. Với những vấn đề trong công việc, Thuận tiếp nhận một cách nhẹ nhàng, dễ dàng đối mặt trong vấn đề xử lý công việc, học tập, cải thiện đáng kể tình trạng mất ngủ.

Hiện tại, đã hơn 4 năm tham gia trải nghiệm phương pháp MBSR, Thuận chia sẻ mỗi ngày vẫn dành thời gian từ 15-20 phút để thực hành trước khi ngủ.

Thuận hy vọng phương pháp này sẽ được phổ biến sớm đến với các bạn lứa tuổi cấp 1, cấp 2 để hình thành thói quen từ sớm và xây dựng nền tảng phát triển ban đầu ở lứa tuổi này.

Mong muốn phổ biến MBSR

Mặc dù kết quả nghiên cứu đã chứng minh MBSR có tác dụng tích cực đến sức khỏe tâm thần và não bộ, tuy nhiên, theo TS Hương, phương pháp này chưa được áp dụng phổ biến tại các cơ sở điều trị. Đa số người mắc các bệnh lý tâm thần vẫn phụ thuộc nhiều vào thuốc.

Theo TS Hương, một số nước trên thế giới như Mỹ có rất nhiều nghiên cứu thể hiện trực tiếp trên những nhóm bệnh nhân khác nhau. Ví dụ như là người bị đau mãn tính, người bị bệnh tâm lý, tâm thần tương đối nặng và họ thấy được việc sử dụng phương pháp MBSR có hiệu quả khá là rõ rệt.

TS Hà Thị Thanh Hương
Các học sinh tham gia tiết học của lớp học thử nghiệm về thiền ứng dụng do TS Hà Thị Thanh Hương và Ths Lương Ngọc Tiên hướng dẫn. Ảnh: NVCC

“Do vậy, để người Việt mình tin tưởng và thay đổi quan điểm, phải có thêm nhà nghiên cứu và những y, bác sĩ cùng phối hợp để thực hiện các bằng chứng chứng minh tính hiệu quả của MBSR” - TS Hà Thị Thanh Hương nói.

Nghiên cứu “Tác động của phương pháp thiền tỉnh thức lên mức độ căng thẳng và hoạt động não bộ sinh viên đại học” của TS Hà Thị Thanh Hương đã được đăng trên tạp chí IBRO Neuroscience Reports – tạp chí của Tổ chức Nghiên cứu não Quốc tế (IBRO) chuyên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu não và thần kinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm