TS Hồ Quốc Tuấn: Muốn khôi phục kinh tế phải 'mở đường' giúp doanh nghiệp

“Đổi mới là rất cấp thiết, bởi lẽ dịch bệnh có thể đã làm trì trệ cải cách kinh tế ở nhiều nước, điều mà nhiều nhà quan sát quốc tế lo ngại... Đổi mới lần này phải xác định người dân, doanh nghiệp (DN) có vai trò trung tâm, làm sao cho họ có thể hoạt động kinh doanh dễ dàng và hiệu quả.” - TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên ĐH Bristol (Anh) chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM nhân dịp đầu năm 2022.

. Phóng viên: Theo thống kê, trong năm 2021 đã có 119.800 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020, trong đó phần lớn là các DN thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ… Trong khi đó, số DN đăng ký mới thì giảm gần 11%. Nếu không can thiệp sớm và hiệu quả thì nền kinh tế Việt Nam (VN) có thể gặp những hệ lụy nào?

+ TS. Hồ Quốc Tuấn: Hệ lụy rõ ràng nhất sẽ là niềm tin của DN có thể giảm sút mạnh. Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội TP.HCM năm 2021, khảo sát các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp gần đây cho thấy chưa đến 50% số DN ở TP.HCM lạc quan về quý I năm 2022 và đến gần 20% số DN dự báo qui mô lao động tiếp tục thu hẹp.

Khi DN không quá lạc quan về tình hình kinh tế, họ sẽ không đẩy mạnh đầu tư, thậm chí thu hẹp đầu tư. Vì vậy đầu tư tư nhân sẽ bị trì trệ. Để đối mặt với vấn đề này thì các nước đã chi ra những gói kích cầu vài trăm đến vài nghìn tỷ USD. Có nước chi ra mức tương đương trên 30% GDP để hỗ trợ DN và người dân. Nói cách khác, họ đối mặt với vấn đề sụt giảm đầu tư tư nhân này bằng cách tăng chi tiêu công để bù đắp, bất chấp những chỉ trích rằng điều này không bền vững. Tốc độ hồi phục kinh tế cao nhất mấy thập kỷ của Mỹ, Anh cũng như sự sụt giảm trong tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã cho thấy sự tương phản trong hiệu quả chính sách.

Trung Quốc đã không chi mạnh tay hỗ trợ kinh tế và cho đến tháng 12-2021, nước này mới bắt đầu giảm lãi suất và đề cập đến vấn đề kích cầu. Trung Quốc có lý do để lo sợ một gói kích cầu có thể đốt nóng quá mức nền kinh tế và làm bong bóng bất động sản phình to hơn nữa, cũng như đẩy lạm phát tăng cao. Điều này quả thật có xảy ra ở Mỹ và Anh. Tuy nhiên, ở đây không có lựa chọn hoàn hảo. Thay vào đó hãy nhìn vào liều lượng và hiệu quả so với tác động tiêu cực.

Ảnh: ĐÔNG TRÚC

VN không cần một gói kích thích kinh tế khổng lồ như Anh và Mỹ xét ở tương quan so với GDP, nhưng một gói kích cầu thực chi ra 5% GDP thì đã có khoảng 450 nghìn tỷ đồng (nếu lấy GDP ước tính 2021 khoảng 9 triệu tỷ đồng). Mức 5% này là tương đương với một số nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN chứ không cao hơn (nếu không nói là thấp hơn nhiều nền kinh tế). Vì sức cầu trong nền kinh tế còn yếu và lạm phát 2021 ở mức thấp, trong khi lạm phát toàn cầu được dự báo đã đạt đỉnh trong 2021 và sẽ giảm dần đi trong 2022, chúng ta có lý do để tin tưởng rằng với gói hỗ trợ này sẽ không tạo ra áp lực quá lớn lên lạm phát trong nước. Nếu giữ được lạm phát trong khoảng 4-5% trong khi tăng trưởng GDP trên 6,5% thì là một thành công.

Điều quan trọng không phải là con số tăng trưởng, mà là phải có những tín hiệu khả quan như vậy thì mới giữ lại được niềm tin kinh doanh của DN. Nhiều hoạt động kinh tế thực diễn ra có nguyên nhân sâu xa là do niềm tin kinh doanh và tiêu dùng của DN và dân cư thúc đẩy.

Nếu VN không cố gắng hồi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, niềm tin của giới đầu tư quốc tế và DN vào triển vọng kinh tế sẽ sụt giảm. Khi đó sẽ có rủi ro đảo ngược dòng vốn. Đến bây giờ niềm tin của giới đầu tư quốc tế vào VN là rất lớn, chúng ta không nên tạo ra một lo ngại hay thất vọng cho họ. Là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, đây là điểm mấu chốt rất quan trọng của VN.

Ảnh: NGUYỆT NHI

. Việt Nam đã bước vào tiến trình bình thường mới khi thực hiện Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả. Tuy nhiên, việc phục hồi sau tổn thương của các nhóm DN cũng còn nhiều khó khăn. Theo quan sát của ông thì việc sống chung với dịch đang bộc lộ những bất cập, hạn chế nào cản trở khối DN phục hồi?

Theo quan sát của tôi, chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 chưa được hiểu như nhau ở nhiều cấp. Nhiều nơi vẫn hiểu an toàn là không có ca bệnh hơn là kiểm soát số nhập viện và tử vong ở mức chấp nhận được. Đi chung với đó là việc sợ trách nhiệm của một số lãnh đạo địa phương, dẫn đến những giải pháp không đồng bộ ở khắp nơi.

Ở đây chúng ta không đặt lợi ích của đồng tiền lên trên sức khỏe người dân, mà chúng ta hành xử theo bằng chứng khoa học chứ không phải nỗi sợ mơ hồ nào đó. Ví dụ như ở Anh, song song với mở cửa kinh tế là khoản chi lớn đầu tư tăng ngân sách cho dịch vụ y tế quốc gia (NHS) của Anh và đổi mới hệ thống y tế sang áp dụng công nghệ khám bệnh từ xa để tăng năng lực ứng phó của hệ thống y tế. 

Du khách tham quan TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Phải có mở cửa kinh tế, cho DN hoạt động bình thường thì mới giảm tải sức ép lên ngân sách, từ đó mới nuôi dưỡng được nguồn thu ngân sách để hỗ trợ các khoản chi đầu tư cho y tế. Chúng ta không mở cửa kinh doanh hay mở cửa đường bay một cách thiếu thận trọng mà vẫn có xét nghiệm nhanh trước chuyến bay thì không nên đặt thêm những phiền toái không cần thiết.

Có những biện pháp chúng ta tưởng là an toàn hơn nhưng thực tế lại gây ra nhiều ca bệnh hơn (ví dụ vấn đề cách ly tập trung trước đây), gây ra gánh nặng lớn hơn cho hệ thống y tế. Các chính sách theo kiểu “thử làm xem được không”, “sai thì sửa ngay” hay “sáng mở, chiều đóng” sẽ đẩy DN vào khó khăn vì hao tổn nhiều chi phí. Mỗi một lần bấm “công tắc” chính sách đều yêu cầu lượng chi phí khổng lồ với DN, nên họ mất dần niềm tin. Có những kinh nghiệp các nước khác và một số địa phương của nước ta đã trả giá và rút ra bài học rồi, vì thế cần tham khảo và học hỏi những lựa chọn tốt nhất. 

Ảnh: HOÀNG GIANG

. Sau khi đại dịch xảy ra, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng VN cần tiến hành công cuộc đổi mới đủ lớn để kích thích mạnh hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế. Ông nghĩ gì về ý tưởng này?

Đổi mới lần 2 này cấp thiết ở chỗ dịch bệnh có thể đã làm trì trệ cải cách kinh tế ở nhiều nước, điều mà nhiều nhà quan sát quốc tế lo ngại. Họ cho rằng những gói kích thích kinh tế khổng lồ được các nước tung ra đã che bớt đi những trục trặc trong hệ thống ngân hàng, DN và nhất là hệ thống quản trị công, chính sách công. Ở VN, tôi biết có nhiều DN không mong đợi sẽ nhận được Nhà nước hỗ trợ nhiều tiền, mà họ chỉ mong các cơ chế quản lý công bớt gây nhũng nhiễu, làm khó. Vì sao những công ty gọi là “kỳ lân mới” như Sky Mavis (với sản phẩm game blockchain Axie Infinity nổi tiếng trên thế giới) hay một công ty có phần lớn doanh thu ở VN như Tiki Global lại đặt trụ sở ở Singapore. Đổi mới lần hai là phải làm sao để những công ty này tự tin và đặt trụ sở ở VN là thành công. 

Một người bạn của tôi làm kinh doanh tại VN, Anh và Singapore có một cách giải thích dễ hiểu như vầy: Ở Singapore, khi tiếp xúc với cơ quan công quyền, họ hỏi “tôi có thể giúp gì cho DN bạn hoạt động tốt hơn, hay kết nối bạn với ai mà giúp bạn phát triển kinh doanh được”, còn ở VN thì “bạn không thể làm cái này hay cái kia, cần chờ hướng dẫn của chúng tôi”. Anh ta nói cơ bản là Singapore xác định rõ ràng là “mở đường” giúp DN.

Đổi mới lần hai là phải xác định người dân, DN có vai trò trung tâm, làm sao cho họ có thể hoạt động kinh doanh dễ dàng và hiệu quả. Mà để làm được như vậy thì vai trò của cơ quan công quyền Nhà nước có trách nhiệm phải là người hỗ trợ thật sự với người dân và DN, chứ không phải suy nghĩ nặng về hướng “cơ quan quản lý” như lâu nay.

Làm sao cho cơ quan công quyền không là cản lực trong quá trình phát triển của DN, miễn là họ làm ăn hợp pháp? Câu trả lời là khuôn khổ luật phải đủ thoáng để người làm công quyền yên tâm làm “người mở đường”. Đôi khi người làm việc trong cơ quan công quyền không muốn cản đường nhưng khuôn khổ luật lệ hiện tại buộc họ phải như vậy. Tất nhiên, cũng có một bộ phận cán bộ cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt và quan liêu.

Ảnh: HOÀNG GIANG

. Ngoài hệ thống pháp lý cởi mở, đội ngũ cán bộ có tư duy và thái độ hỗ trợ hết mình với người dân và DN thì điều gì chúng ta cần cải thiện nếu đổi mới lần hai? 

+ Kinh nghiệm của riêng tôi với việc đang tham gia hội đồng quản trị của một công ty nhỏ ở Anh cho thấy yếu tố khác biệt đầu tiên là nằm ở nền hành chính điện tử. Ở Anh tôi có thể tìm thấy hầu hết thông tin mà tôi cần trên website chính phủ và nhiều câu hỏi của DN đều có thể được chỉ đến một đường link thông tin cụ thể nào đó trên trang web. Điều này giảm nhẹ sức ép của các nhân viên công quyền, đồng thời khiến DN thoải mái hơn. 

Mặt khác ở Anh, hệ thống các nghị sĩ địa phương có thể gây sức ép lên cơ quan công quyền cũng quan trọng. Nếu một cơ quan kiểm tra vệ sinh thực phẩm phạt một quán ăn với mức phạt phi lý, chủ quán có thể phản ánh với nghị viên khu vực và ông ta có thể gây sức ép buộc cơ quan công quyền phải trả lời công khai bằng văn bản. Nếu không hợp lý, ông ta có thể theo trình tự đưa vấn đề ra ủy ban Quốc hội tương ứng để trực tiếp xem xét cơ quan công quyền đó có lạm quyền hay không. Hệ thống kiểm soát lẫn nhau như vậy sẽ hạn chế lạm quyền, có thể bảo vệ người dân và DN. Vấn đề là hệ thống luật phải thông suốt và không dễ gây hiểu lầm. Chứ nếu hệ thống luật có các quy định quá cứng nhắc hoặc giải thích kiểu nào cũng được thì những hệ thống này không thể phát huy hiệu quả. Vì nếu thông tin mù mờ thì có để lên website cũng như không.

Tôi nghĩ bài học từ một số nước phát triển như ở Anh cho thấy chúng ta cần có sự thay đổi trong hệ thống pháp lý, cải cách hành chính công, đồng thời phải tiến tới đẩy mạnh vai trò của hệ thống các đại biểu Quốc hội. Những người đại diện cho tiếng nói người dân, DN phải thực sự chuyên nghiệp, có thể giám sát hiệu quả nền hành chính công.

Ảnh: HOÀNG GIANG

. Đối mới lần 2 chắc chắn không bỏ qua vấn đề chuyển đổi số, kinh tế số hay ứng dụng công nghệ mới. Hiện nay các khẩu hiệu “chuyển đổi số” xuất hiện ở nơi nơi, nhưng đại dịch vừa qua cho thấy thực tế đã bị bỏ quá xa so với kỳ vọng. Chúng ta cần giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

+ Công nghệ là xu thế tất yếu, nhưng không phải DN nào hay cơ quan nào cũng áp dụng được. Giống như chuyển đối số, nhiều DN không chỉ ở VN mà nhiều nước khác thật sự không đạt được hiệu quả gì. Lý do là bản thân con người, hệ thống, mô hình kinh doanh của họ lỗi thời, không thích ứng được với chuyển đổi công nghệ.

Một lần dự hội thảo về chuyển đổi số ở Anh, một số công ty tư vấn làm chuyển đổi số có nói là bước quan trọng của áp dụng chuyển đổi công nghệ là tổ chức áp dụng có thể thật sự thích ứng mô hình hoạt động của họ với công nghệ không cái đã. Do đó điều đầu tiên không phải là đi tuyên truyền “anh cần áp dụng công nghệ”, mà phải phát triển các tổ chức tư vấn chuyển đổi công nghệ có năng lực để đi tìm hiểu, tư vấn công nghệ mới nào cần thiết, mô hình kinh doanh nào cần áp dụng.

Ảnh: HOÀNG GIANG

Bản thân các DN họ rất nhanh nhạy, nhưng họ cần có đủ thông tin và biết được đủ các chính sách hỗ trợ, rồi họ sẽ tự đề xuất cần giúp gì. Đừng tạo ra những chính sách theo kiểu “top down”, từ là áp đặt từ trên bàn giấy xuống bên dưới. Chúng ta không nên đưa ra một công thức là cần áp dụng công nghệ này, công nghệ kia, mà hãy đi đối thoại với DN để biết họ cần gì. Có thể cái họ cần không phải là công nghệ hay cơ chế ưu đãi, khuyến khích mà có thể đơn giản là đừng cấm họ làm cái này hay cái kia, miễn là những cái đó hợp pháp. Đôi khi cái gì tốt cho DN thì họ phải thử rồi mới biết. Nhưng chưa thử đã bị ép làm cách này hay cách kia thì dễ dẫn đến “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm