Trong khi hầu hết các nước đã từ bỏ mục tiêu “zero COVID” theo kiểu phát hiện kịp thời, khoanh vùng khẩn cấp, cách ly triệt để, giãn cách xã hội… thì các nhà khoa học trên thế giới vẫn âm thầm theo đuổi mục tiêu “zero COVID”, tức xóa sổ dịch bệnh bằng giải pháp khác - tìm kiếm các loại vaccine có hiệu quả cao, phân phối vaccine kịp thời và bọc lót bằng các loại thuốc điều trị COVID-19 hiệu quả.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng dù sẽ mất thời gian nhưng triển vọng xóa sổ đại dịch COVID-19 không phải là không thể, dù vaccine chưa thể có hiệu lực 100%.
Bước đi “khổng lồ” của vaccine
. Phóng viên: Cho đến nay thì việc phát triển vaccine ngừa COVID-19 của thế giới đạt được những thành tựu nổi bật nào, thưa ông
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM
+ PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Thời gian qua, ngành y học có rất nhiều thành tựu về vaccine ngừa COVID-19. Chỉ trong một năm sau đại dịch, thế giới đã có nhiều loại vaccine, điển hình là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt tám loại vaccine đưa vào sử dụng khẩn cấp (vaccine mRNA như Pfizer, Moderna (Mỹ); vaccine vector như AstraZeneca (Anh), Covishield (Ấn Độ); vaccine bất hoạt như Sinopharm, Sinovac (Trung Quốc), Covaxin (Ấn Độ)) Janssen (Mỹ).
Điểm quan trọng nhất chính là sự ra đời của công nghệ mới trong chế tạo vaccine, ví dụ năm 2019 đã có công nghệ vector và đợt dịch này (2020) có thêm công nghệ mRNA. Trước đây, muốn làm vaccine thì phải tạo ra kháng nguyên bằng cách nuôi cấy hoặc tổng hợp protein từ bên ngoài. Điều này tốn kém và mất thời gian để có thể sản xuất số lượng lớn vaccine.
Với các công nghệ mới, chúng ta có được vaccine nhanh hơn, nhiều hơn. Hiện thế giới có khoảng 8 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được đưa vào sử dụng.
Hiệu lực của vaccine cũng được nâng cao đáng kể. Ví dụ, các loại vaccine ngừa cúm đã được phát triển từ lâu nhưng hiệu lực dừng ở khoảng 50%-60%. Tuy nhiên, vaccine ngừa COVID-19 dù mới phát triển chưa lâu nhưng có loại hiệu lực trên 80%, thậm chí trên 90%.
Tính an toàn của các loại vaccine cũng rất tốt. Cứ mỗi triệu liều vaccine chỉ có khoảng 2-5 phản vệ và hầu hết đều được xử lý. Cứ mỗi triệu liều vaccine mRNA thì có khoảng 20 trường hợp gây viêm cơ tim nhưng biến chứng này thường chỉ ở mức độ nhẹ.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
. Các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay vẫn chưa thể khắc chế hoàn toàn COVID-19. Bằng chứng là việc tiêm đủ liều vẫn có thể bùng dịch, vẫn có khả năng tử vong dù nhỏ hơn nhiều so với không tiêm. Trong lịch sử có một số loại dịch bệnh, ví dụ bệnh đậu mùa đã được loài người xóa sổ. Liệu triển vọng đẩy lùi hoàn toàn dịch COVID-19 bằng vaccine sẽ thế nào?
+ Tôi cho rằng vaccine ngừa COVID-19 hiện nay thuộc trong nhóm các loại vaccine tốt nhất mà con người có được từ trước đến nay. Bởi lẽ ngay cả vaccine mà chúng ta dùng để xóa sổ bệnh đậu mùa - một căn bệnh dịch xuyên thế kỷ - cũng chỉ có hiệu lực ở mức 80%. Với đậu mùa, tiêm một mũi không đủ nên cứ khoảng năm năm thì lặp lại một mũi. Đến nay đã “thanh toán” được bệnh này.
Vậy vấn đề chính của thế giới trước COVID-19 đó là sự phối hợp mang tính toàn cầu. Bài học đậu mùa cho thấy nếu tất cả mọi người được tiêm chủng đầy đủ, có thêm mũi tiêm tăng cường thì có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng. Như vậy, giới khoa học rất quan tâm vào việc phân phối vaccine đảm bảo công bằng. Nơi nào cũng được chia sẻ vaccine chứ không chỉ các quốc gia có đủ năng lực sản xuất vaccine. Nếu dịch bùng ở bất kỳ quốc gia nào thì nguy cơ tạo ra biến thể mới tấn công ngược lại tất cả các nước là rất lớn. Thế giới có nước mạnh, nước yếu, nước giàu, nước nghèo. Nếu chung sức, chia sẻ nguồn lực vaccine kịp thời và hợp lý thì cùng với vaccine có hiệu lực tốt, có thể xóa sổ COVID-19 trong tương lai.
Bên cạnh đó, có một số nghiên cứu cho thấy trong protein gai của virus SARS-CoV-2 có một đoạn tương đối ổn định. Nếu chúng ta tấn công vào đoạn đó thì chúng ta có thể khống chế được virus. Nếu điều này đúng và tiếp tục đúng thì chúng ta sẽ có vaccine ngừa COVID-19 ổn định hơn. Điều này khác với bệnh cúm, vốn xảy ra hiện tượng “trôi” kháng nguyên (antigenic drift) nên khó có thể tìm ra một loại vaccine ổn định về hiệu lực.
Thuốc chữa trị - “vũ khí” bọc lót cho vaccine
. Bên cạnh vaccine, con người đang bào chế thuốc trị COVID-19. Tình hình bào chế thuốc trị COVID - 19 hiện nay trên thế giới ra sao?
+ Để chống lại virus SARS-CoV-2 sẽ có ba hướng chính. Hướng thứ nhất là dùng kháng thể (từ huyết thanh của người nhiễm bệnh đã khỏi hoặc kháng thể đơn dòng) để chống COVID-19. Hiện ở Mỹ, bệnh nhân mới mắc COVID-19 được tiêm kháng thể.
Hướng thứ hai là kháng virus dựa vào enzyme RNA-dependent RNA polymerase (RdRp). Loại thuốc đầu tiên áp dụng chính là Remdesivir nhưng phức tạp vì theo đường tiêm. Sau đó đã có thuốc Molnupiravir sử dụng theo đường uống. Nếu dùng thuốc sớm ở các bệnh nhân nhẹ và vừa thì giảm được diễn tiến nặng với tỉ lệ giảm nhập viện ở mức 50%.
Mới nhất, hãng dược Pfizer công bố thuốc trị COVID-19 ở dạng viên là Paxlovid. Loại thuốc này thuộc loại thuốc ức chế protease, với mục tiêu là ngăn enzyme mà virus SARS-CoV-2 cần để nhân bản. Theo công bố thì thuốc này có khả năng giúp người bệnh giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong lên đến gần 90%.
Ngoài ra, các nhóm khoa học khác, ví dụ nhóm thuộc Trường ĐH Hokkaido (Nhật Bản) cũng đang phát triển thuốc trị COVID-19 theo hướng ức chế protease, dự kiến triển khai ở một số nước, trong đó có Việt Nam (VN).
. Giá trị của thuốc điều trị được thể hiện như thế nào khi chúng ta đã có vaccine và các phương pháp phòng chống dịch khác?
+ Vaccine và các phương pháp khác là rất tốt nhưng hiện vẫn chưa đủ. Thứ nhất, ở các vùng chưa thể có đủ nguồn cung vaccine, số người nhiễm nhiều sẽ rất cần thuốc điều trị.
Thứ hai, có những người tiêm chủng đủ nhưng đáp ứng miễn dịch chưa tốt nên bị nhiễm, nhất là người lớn tuổi, có bệnh lý nền… Khi đó, thuốc giúp họ giảm tình trạng trở nặng hoặc tử vong. Quan trọng không kém, khi có biến chủng mới thì thuốc là “vũ khí” bọc lót rất tốt, bởi thuốc khó bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới.
. Xin cám ơn ông.•
Hướng ra cho vaccine Việt Nam Vaccine VN ra đời trong bối cảnh khó khăn hơn một số loại vaccine khác, nhất là các loại mà hiện chúng ta đang sử dụng. Khi chúng ta có vaccine thì dịch bùng phát và vaccine các nước được nhập về VN, nên việc thử nghiệm để chứng minh hiệu quả vaccine là khó khăn. Người dân có nhu cầu và Nhà nước phải tiêm vaccine của các nước để bảo vệ họ. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần nhìn vào bài học từ một số nơi như Đài Loan. Chính quyền Đài Loan đã phê duyệt khẩn cấp vaccine nội địa có tên là Medigen sau khi hoàn thiện kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 hồi tháng 8. Theo đó, từ số liệu tính sinh miễn dịch thì ngoại suy ra hiệu lực bảo vệ. Ở VN, Bộ Y tế cũng đang xem xét việc này với vaccine nội địa. Một số chuyên gia y tế cho rằng việc dựa vào số liệu tính sinh miễn dịch để ngoại suy ra hiệu lực bảo vệ của vaccine sẽ không chính xác. Điều này ở góc độ lý thuyết trước đây là đúng. Tuy nhiên, hiện có một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy có mối quan hệ giữa tính sinh miễn dịch và hiệu lực vaccine, dù mối quan hệ đó không phải rất cao. Ngoài ra, chúng ta cần chấp nhận thực tế rằng hiện khó có thể thử nghiệm vaccine khi người dân VN cũng như nhiều nước đã tiêm vaccine ngoại; nguồn lực của chúng ta cũng còn hạn chế, chưa thể theo quy chuẩn của nhiều loại vaccine ngoại. Vì vậy, khi vaccine nội có thể mang về hiệu quả và chúng ta có thể phát triển công nghiệp vaccine để tự chủ thì Nhà nước cũng cần xem xét và tạo điều kiện. PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG |
.........................................
“Tôi theo đuổi “zero COVID” nhưng bằng cách khác”
TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc), cho biết việc phát triển các giải pháp để xóa sổ COVID-19 có nhiều triển vọng.
Theo bà Thu Anh, nếu tiếp cận ở góc độ một nhà khoa học về y tế, việc theo đuổi các giải pháp để đạt “zero COVID” hay “zero” bất kỳ loại bệnh nào, như lao phổi, sốt xuất huyết… là rất quan trọng. Mục tiêu này rất cao và có thể chưa đạt được ngay nhưng nếu có cơ hội thì nhiều năm sau sẽ đạt được.
Vấn đề là: Đặt mục tiêu cao nhưng có khả thi không? Đợt dịch COVID-19 này có tác động rất lớn về sinh mạng con người và đời sống xã hội, nền kinh tế toàn cầu. Trước áp lực đó, nền khoa học của thế giới cũng phát triển cực kỳ nhanh chóng, trong đó có vaccine và thuốc mới để ngăn ngừa và chữa trị COVID-19. Điển hình như vaccine dùng công nghệ mRNA. Đây không phải công nghệ mới được nghiên cứu nhưng COVID-19 đã tạo ra một “cú hích” mạnh mẽ để vaccine công nghệ mới ra đời, có hiệu quả cao.
“Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là để đạt được miễn dịch cộng đồng thì ngoài hiệu quả vaccine phải cao, chúng ta cần đảm bảo được hai yêu cầu khác: (i) phải tiêm vaccine cho hầu hết người dân; (ii) tốc độ tiêm chủng nhanh, đảm bảo độ phủ vaccine cao trong thời gian ngắn” - bà Thu Anh nói.
Chuyên gia này nói thêm: Khi chưa có biến thể Delta, thế giới đã có vaccine hiệu lực cao, đảm bảo tiêu chí đầu tiên. Tuy nhiên, chúng ta đã không thể tiêm đủ rộng và tiêm đủ nhanh. Đến nay, nhiều quốc gia, điển hình như ở châu Phi, vẫn chưa có nguồn cung dồi dào. Chúng ta đã không thể tiêm rộng và tiêm nhanh vì nguồn cung hữu hạn, các nước cạnh tranh nhau, nhiều người bài xích vaccine... Điều đó khiến đại dịch bùng phát và Delta xuất hiện tạo ra sức công phá ghê gớm như vừa qua.
Hiện nay, sự điều phối vaccine đã tốt hơn, nhiều nước nghèo và đang phát triển đã tiếp cận vaccine dễ dàng hơn nhờ nguồn cung bắt đầu dồi dào hơn trước rất nhiều. Các cơ chế mua bán, hỗ trợ, chia sẻ vaccine cũng cởi mở hơn. Các nhà máy sản xuất vaccine, ví dụ của AstraZeneca, Pfizer… đã xuất hiện nhiều hơn ở các quốc gia khác chứ không chỉ Mỹ hay châu Âu.
Ngoài ra, sự phát triển vượt bậc của công nghệ vaccine cho chúng ta thấy trong thời gian tới, khi chúng ta có thêm số liệu, kinh nghiệm, nguồn lực, sáng kiến… thì chúng ta sẽ có thể tìm ra thêm các loại vaccine hiệu quả cao hơn hiện nay. Ví dụ, với vaccine mRNA, chúng ta có thể điều chỉnh vaccine rất nhanh trong thời gian ngắn để đối phó với các biến chủng mới. Không chỉ Mỹ mà Nhật Bản, Trung Quốc… cũng nghiên cứu công nghệ vaccine mới.
Ngoài công nghệ mRNA, người ta còn kỳ vọng vào vaccine dùng công nghệ DNA, ví dụ như Ấn Độ đã công bố loại vaccine này có tên là ZyCoV-D. Hiệu quả thế nào thì còn phải chờ. Tuy nhiên, rõ ràng loài người chúng ta không chấp nhận từ bỏ hay ngừng lại. Các nhà khoa học đang tìm kiếm các loại vaccine mới có hiệu lực cao hơn, với thời gian duy trì nồng độ kháng thể tối ưu dài hơn (chứ không phải giảm kháng thể theo thời gian như một số loại vaccine hiện nay) hoặc vaccine mới có thể kích hoạt đáp ứng miễn dịch tế bào T mạnh hơn.
ĐỖ THIỆN ghi