Sáng 28-9, bà Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế đã thay mặt Bộ Y tế giới thiệu với đại diện các cơ quan báo chí nội dung, tinh thần dự thảo Hướng dẫn tạm thời thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” mà đơn vị này làm đầu mối tham mưu dự thảo để trình Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 ban hành.
Tại cuộc họp, bà Liên Hương đã trả lời nhiều câu hỏi mà các cơ quan báo chí đặt ra:
. Bản hướng dẫn này có phạm vi hiệu lực thế nào? TP.HCM đề nghị được xây dựng bản Hướng dẫn riêng, quan điểm của Bộ Y tế ra sao?
+ Hướng dẫn tạm thời này áp dụng cho tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc, kể cả các địa bàn chưa có dịch.
Riêng với TP.HCM và Bình Dương, Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng, đề nghị xem xét để có quy định riêng, vì 2 địa phương này phức tạp hơn.
. Hướng dẫn này khá chi tiết, vậy có thay thế các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng?
+ Hướng dẫn tạm thời này do Ban Chỉ đạo quốc gia ban hành, chỉ có giá trị thay thế Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG, mà Ban Chỉ đạo quốc gia ban hành tháng 5, quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19.
Còn Chỉ thị 16 quy định về dãn cách xã hội, Chỉ thị 15 quy định hạn chế tập trung đông người đều có thời hạn áp dụng trong tháng 4-2020. Nhưng nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền các cấp sau đó đều đề cập tới các chỉ thị này như là căn cứ pháp lý. Vì vậy, Thủ tướng đã họp bàn với Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và một số bộ ngành liên quan để xem xét, có phương án phù hợp.
. Hướng dẫn này về bản chất sẽ chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch từ “zero COVID” sang sống chung an toàn. Tại sao chúng ta không chuyển hướng sớm hơn?
+ Vaccine phòng COVID-19 về nước ta chậm, khoảng tháng 3-2021 mới nhận những lô đầu tiên. Việc chống dịch vì vậy hoàn toàn dựa vào các giải pháp dự phòng, còn mảng điều trị thì không có cả thuốc đặc trị. Khó khăn như vậy nên phải đến khi vaccine về nhiều thì mới đặt ra việc xây dựng chiến lược phòng chống mới.
Trên thế giới cũng vậy, chuyển từ chiến lược “zero COVID” hay “zero F0” sang chiến lược giảm thiểu, các nước đều bắt đầu khi có vaccine. Nói điều này để khẳng định chiến lược phòng chống dịch như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào vaccine. Vaccine là biện pháp chiến lược chủ động để chúng ta giảm tỷ lệ mắc, tử vong.
. Khi xây dựng bản dự thảo này, Ban Chỉ đạo có rút kinh nghiệm từ các bài học, cả thành công, cả thất bại?
+ Bài học thực tiễn từ thành công, thất bại trên thế giới cũng như Việt Nam, chúng tôi đều nghiên cứu để đưa vào hướng dẫn này.
Chẳng hạn trong việc đi lại của người dân, việc tập trung đông người trong nhà, ngoài trời thì dự thảo đã nới ra khá nhiều với người đã tiêm vaccine. Thời gian cách ly với F1 đã tiêm đủ liều vaccine, F0 đã khỏi bệnh cũng được giảm, nhưng với điều kiện là sinh sống trong khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine trên 70%.
. Diễn tiến công tác phòng, chống dịch, đã xuất hiện nhiều kiến nghị như không nên tiếp tục xét nghiệm tầm soát với người đã tiêm vaccine, không nên cách ly tập trung F1, F0 không triệu chứng. Ý kiến Bộ Y tế thế nào?
+ Về thời gian cách ly với F1 đã tiêm vaccine, Bộ Y tế đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo từ CDC Hoa Kỳ cũng như rà soát quy định hơn 10 nước trên thế giới. Ngay Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng không khuyến cáo giảm thời gian cách ly, vì F1 được tiêm đủ vaccine mới chỉ có khả năng bảo vệ bản thân, giảm tỉ lệ tử vong chứ không chắc ngăn được mắc bệnh và lây bệnh cho người khác. Nếu không cách ly F1 nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng sẽ rất cao. Vì vậy hiện tại vẫn giữ thời gian cách ly 14 ngày, trừ khi đủ hai điều kiện như đã nêu ở trên.
Tương tự, F0 không triệu chứng dù chiếm tỷ lệ lớn nhưng vẫn có nguy cơ gây lây nhiễm cho người khác. Vậy nên vẫn phải có giải pháp cách ly, chăm sóc, điều trị. Bộ Y tế đã có hướng dẫn về trạm y tế lưu động cho đối tượng này, tiêu chí cụ thể bao nhiêu dân thì có một trạm, kèm theo nhân lực, cơ sở vật chất.
Còn cách ly tập trung hay tại gia đình thì Bộ Y tế đã có hướng dẫn để các địa phương cân nhắc. Cách ly tại gia đình thì phải đảm bảo được không lây nhiễm ra cộng đồng. Nhưng đấy là cách ly phân tán, sẽ cần số nhân lực y tế phục vụ rất lớn. Còn ách ly tập trung thì kiểm soát lây nhiễm tốt hơn và nguồn lực y tế cần thiết thường ít hơn.
. Tiêu chí phủ vaccine 80% người trên 50 tuổi có khả thi không?
+ Nhìn chung, tỷ lệ phủ vaccine với đối tượng này ở nước ta còn thấp, phần do nguồn vaccine còn khan hiếm, và nhiều nơi chưa chú trọng người từ 50 tuổi trở lên. Nhưng 81% số ca tử vong lại ở độ tuổi này, nên chúng tôi phải đưa tiêu chí này vào để các tỉnh, thành phấn đấu...
. Tại sao hướng dẫn này không có tiêu chí về số ca tử vong?
+ Các nghiên cứu thống kê đã đưa ra tỷ lệ khá chính số ca nhẹ, nặng, tử vong trên cơ sở số ca mắc. Vậy nên chỉ cần chỉ số ca mắc mới là đủ.
. Hướng dẫn này liệu có xung đột với các giải pháp phòng chống dịch theo chiến lược “zero COVID” mà nhiều tỉnh chưa có ca mắc hoặc mắc rất ít đang theo đuổi?
+ Không xung đột gì cả. Hướng dẫn này chuyển hướng mềm chứ không giật cục. Ngay cả những tỉnh không có ca mắc, nhưng chưa đạt được các tiêu chí về tỷ lệ tiêm chủng thì vẫn được giữ nguyên cấp độ dịch như hiện nay, tức có thể chuyển sang trạng thái bình thường mới.
. Điểm rất mới của hướng dẫn này là phân loại dịch đến cấp phường, xã, thậm chí nhỏ hơn, thay vì như gần hai năm qua là cấp tỉnh, huyện. Vậy đơn vị chủ trì đã khảo sát đến cơ sở để xem bao nhiêu, ở đâu, khả năng đáp ứng thế nào các tiêu chí này?
+ Chúng tôi đã khảo sát ở Sơn La, Bình Dương, Bắc Giang, Hải Dương. Phản hồi từ các xã là họ đánh giá có thể dựa trên bản hướng dẫn này mà tính toán, tự phân loại cấp độ dịch được. Chúng tôi cũng gửi dự thảo nhờ các tỉnh khảo sát thì nhiều tỉnh, thành phố liên tục gọi điện đề nghị ban hành ngay để có thể mở cửa trở lại hoạt động kinh tế - xã hội.
Đây là hướng dẫn khung của Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo các tỉnh sẽ tham mưu để địa phương bổ sung các biện pháp phù hợp. Quá trình thực hiện sẽ phải có giám sát, đánh giá, tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp từng giai đoạn.