Ngày 9-7, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp Viện sáng kiến Việt Nam, trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức "Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp (DN) cấp tỉnh năm 2024”.
Khát vọng để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu… mờ nhạt
Ông Trần Hoàng, Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cho biết, diễn đàn nhằm có góc nhìn đa chiều về tầm quan trọng của nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN cấp tỉnh, trong tổng thể. Qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững kinh tế từng địa phương.
Đối với doanh nghiệp TP.HCM, TS Huỳnh Thế Du, Chủ nhiệm báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của DN TP.HCM năm 2023- thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam cho biết, khi nhìn năng lực cạnh tranh của DN có bốn khía cạnh. Gồm chiến lược và hoạt động của DN; Hợp tác giữa các DN; Môi trường kinh doanh trong đó vai trò đặc biệt của chính quyền; Các yếu tố sẵn có.
Kết quả đánh giá cho thấy có ba yếu tố bị “trục trặc”.
Thứ nhất chiến lược và hoạt động của DN không rõ ràng. Đặc biệt, khi chúng tôi trao đổi với đội ngũ doanh nhân có vẻ khát vọng cạnh tranh với DN khác trong khu vực để khẳng định, xây dựng thương hiệu… mờ nhạt. Đây là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp Việt.
Thứ hai về khả năng hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp TP.HCM thấp. Khi chúng tôi trao đổi với đại diện các hiệp hội đều nhận lại cái lắc đầu, cho thấy mức độ hợp tác của DN không cao. Các DN khó cùng nhau đi xa.
Thứ ba về môi trường kinh doanh, cho thấy quyền tự chủ ngân sách, chính sách của TP.HCM rất cao. Chỉ có một số khía cạnh không bằng Hà Nội nhưng cao hơn so với 61 địa phương cả nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các DN chất lượng phục vụ của chính quyền khá thấp so với mặt bằng cả nước...
“Đó là các nhân tố cản trở, vì sao chúng ta chưa có nhiều DN, doanh nhân có tầm trong khu vực”- TS Du nói.
Đơn cử, xếp hạng Fortune tháng 6, trong danh sách 500 DN hàng đầu Đông Nam Á, đóng góp khoảng 4.000 tỉ đồng vào GDP toàn cầu, Việt Nam có 70 DN. Trong 70 DN này thì Hà Nội có 30 DN và 25 doanh nghiệp TP.HCM...
Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết tại TP.HCM đầu năm 2010 chiếm 50%, cuối năm 2022 còn chưa tới 1/3. Hà Nội có xu hướng ngược lại.
"Sức khỏe" DN TP.HCM cần cải thiện tốt hơn
Theo TS Du, báo cáo đánh giá chủ yếu phân tích vị trí doanh nghiệp TP.HCM so với khu vực và 10 địa phương dẫn đầu cả nước gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và Cần Thơ.
Kết quả được xem như “chẩn đoán” sức khỏe của doanh nghiệp TP.HCM, từ đó cải thiện tốt hơn. Song song đó, chúng tôi đưa ba nhóm khuyến nghị tổ chức hội đoàn, chính quyền Thành phố và DN.
“DN nên nghĩ lớn và làm lớn. Tức là DN cần có tầm nhìn xa, có chiến lược, có khát vọng... để khẳng định vị trí ở khu vực. Nếu không DN sẽ không biết đi đâu”- TS Du nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, theo kết quả nghiên TP.HCM vẫn dẫn đầu cả nước về giá trị tuyệt đối ở nhiều chỉ tiêu. Nhưng quy mô, kết quả hoạt động của doanh nghiệp TP.HCM nói riêng, các kết quả kinh tế của TP.HCM đang đi xuống tương đối so với bình quân chung cả nước...
Theo ông Dũng, thành phố đang định hướng phát triển Trung tâm dịch vụ lớn cả nước, Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế... Ngoài ra, thành phố chuẩn bị đưa vào hoạt động Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo.
Đây là những việc cụ thể để thành phố có bước phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn sắp tới. Điều này gắn liền với điều chỉnh quy hoạch TP.HCM về kinh tế xã hội đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, làm sao kinh tế TP.HCM vẫn là đầu tàu kinh tế của cả nước.