Doanh nghiệp Việt thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng và giá cả

(PLO)- Đại diện Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam cho rằng, tính kết nối của doanh nghiệp Việt với các thương hiệu lớn còn yếu, luôn ở thế bị động, thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng và giá cả.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Doanh nghiệp Việt đang gặp vô vàn khó khăn

Nói về khó khăn của ngành công nghiệp Việt Nam tại diễn đàn kinh doanh 2024 “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp”, ngày 26-6, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) nhận định, tính kết nối của doanh nghiệp Việt với các thương hiệu lớn còn yếu, luôn ở thế bị động, thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng và giá cả.

doanh nghiệp Việt Nam
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) nói về khó khăn của các doanh nghiệp điện tử Việt Nam.

Thậm chí, theo bà Hương, có những chính sách hiện hành đang gây khó cho doanh nghiệp nội. Đơn cử, những doanh nghiệp FDI trong khu chế xuất không phải chịu thuế xuất khẩu và thuế VAT, ngược lại, doanh nghiệp Việt khi gia công sản phẩm cho các FDI đầu chuỗi thì luôn phải chịu thuế tạm nhập tái xuất, thuế VAT. Quá trình hoàn thuế VAT thì kéo dài, khó khăn.

“Có những doanh nghiệp Việt phải vay ngân hàng để tạm nộp những khoản thuế mà tôi cho rằng những khoản thuế này không thuộc nghĩa vụ của doanh nghiệp. Đây là một bất công”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, đây cũng là lý do gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

Ngành công nghiệp Việt Nam có đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu cả nước. Trong vòng 10 năm, xuất khẩu điện tử chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam và đứng đầu trong các ngành chế biến chế tạo.

Tuy nhiên, theo bà Hương, hiện nay, hầu hết doanh nghiệp nội vẫn đang xuất khẩu nguyên liệu thô và nhập khẩu các nguyên liệu tinh từ nước ngoài. Do đó, cần có quy định khuyến khích chế biến chế tạo sâu để tạo sự bứt phá trong ngành chế biến chế tạo.

Đặc biệt, theo bà Hương, các doanh nghiệp luôn cần sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, dự án quốc tế trong đào tạo, nâng cao năng lực doanh nghiệp.

Thông tin tại diễn đàn, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam đang có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia; khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai, cấp ba…

Theo ông Bình, gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp. Nhưng sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh và quy định pháp luật không tạo ra vướng mắc.

Do đó, theo ông Bình, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ bởi các quy định pháp luật về nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị, kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu và các thủ tục hành chính có liên quan.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ bởi một hệ sinh thái khác, như các các cơ quan quy định về hệ thống chất lượng, kiểm định chất lượng, các phòng thí nghiệm, hệ thống các các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu

Ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) nhìn nhận, các chính sách về nguồn lực cần thiết để phát triển xuất khẩu còn thiếu hụt; Sản xuất nguyên liệu, thiết kế, phân phối chưa đồng bộ.

Chuỗi sản xuất, xuất khẩu còn gặp vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía các doanh nghiệp cũng là hạn chế.

Do đó, ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh, cần định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn như: Tổ chức các Hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường; Xây dựng và phát triển các thương hiệu; Xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ sản xuất trong nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm