Ngày 19-12, Báo Người Lao Động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ nhất có chủ đề “Kích cầu tiêu dùng nội địa”.
Đến lúc khai thác tốt thị trường nội địa
TS Trần Du Lịch cho biết, từ năm ngoái Chính phủ nhiều lần dùng từ “ba động lực tăng trưởng” nền kinh tế gồm xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa và dùng công cụ đầu tư công.
Gần đây là “cỗ xe tứ mã”, đầu tiên là tiếp tục đổi mới thể chế, thứ hai tiêu dùng nội địa, thứ ba là xuất khẩu, thứ tư là đầu tư công.
Theo TS Lịch, dự báo năm 2023 tăng trưởng của Việt Nam trên 5%, so với năm 2019 chưa tích cực nhưng so với thế giới và khu vực thì Việt Nam vẫn là điểm sáng. Tuy vậy thách thức sắp tới vẫn còn nguyên vẹn như 2020.
Trước hết là xuất khẩu, gần đây một số doanh nghiệp (DN) , kể cả ngành dệt may cho biết đơn hàng bắt đầu có trở lại. Qua đó, cho thấy năm 2023 xuất khẩu suy giảm nhưng có thể cải thiện năm 2024. Tuy nhiên, dự báo thị trường thế giới vẫn còn khó khăn.
Tiếp đến những nổ lực giải ngân đầu tư công, nếu năm nay giải ngân như kế hoạch 700.000 tỉ đồng, sẽ kích tổng cầu lên rất lớn.
Về tháo điểm nghẽn thị trường bất động sản mặc dù đạt được một số kết quả nhưng vẫn nghẽn về vốn và thủ tục. “Một số dự án bị nghẽn kỳ cục nghĩa là xây rồi nhưng không thể mở bán. Hy vọng từ quý I-2024 nhiều dự án sẽ đi vào hoạt động để kích ngành xây dựng lên. Những dấu hiệu này cho thấy năm 2024 bốn tứ mã mới cải thiện trong đó thị trường nội địa”- TS Lịch nói.
Cần nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu thị trường nội địa
Ông Lịch cho rằng đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa. Đây là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế.
"Vấn đề quan trọng là nổ lực của Sở Công thương, Sở Du lịch TP.HCM tiếp tục tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, chương trình quốc gia để hướng tới nhiều tầng lớp tiêu dùng có điều kiện mua sắm. Dĩ nhiên Việt Nam không đạt như các nước phát triển như Mỹ là người tiêu dùng hầu như vay trước trả sau nhưng cần mở rộng để kích cầu" -TS Lịch nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vấn đề tổ chức mạng lưới phân phối nội địa, hiện nay phụ thuộc quá nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Làm sao trong tương lai những tập đoàn bán lẻ Việt Nam có vị trí xứng đáng ở thị trường 100 triệu dân này.
“Tôi mong muốn có nhiều doanh nhân Việt Nam làm nòng cốt phát triển thị trường nội địa, đó là tín hiệu tốt cho nền kinh tế quốc gia”- TS Lịch nói.
Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, không chỉ DN Việt Nam xem thị trường nội địa là quan trọng mà nhiều nhà bán hàng quốc tế cũng vậy.
Với vai trò tham mưu cho UBND TP, các giải pháp Sở Công thương đã làm cho thấy thành công và năm 2024 kiên trì thực hiện.
Theo ông Vũ, từ khó khăn của thị trường xuất khẩu, Sở cùng các hiệp hội bàn giải pháp làm sao tăng bán hàng thị trường trong nước, xem là kênh tiêu thụ bù đắp cho xuất khẩu khó khăn trước mắt.
Từ sự trở bộ các hiệp hội, ngành Công thương đã thực hiện chủ trương của TP.HCM phải liên kết tỉnh, liên kết vùng.
“Chúng tôi không dừng lại chỉ tìm nơi cung cấp nguyên liệu sản xuất cho DN TP.HCM mà xem đây là kênh giúp cho DN TP.HCM tiếp cận với thị trường các tỉnh. Với sự trợ sức của UBND TP.HCM giúp chi phí tiếp cận thị trường cho DN giảm, cơ hội tiếp cận thị trường của DN lớn hơn và tín hiệu phản hồi lại từ phía DN chủ trương này tích cực”-ông Vũ nói.
Đáng chú ý, Sở Công thương cùng bàn DN khai thác Nghị định 81 khuyến mãi kịch khung 100% để kích cầu sâu hơn, tạo những đơn hàng lớn cho DN và người tiêu dùng mua được sản phẩm giá cạnh tranh.
Sở xin ý kiến Bộ Công thương triển khai khuyến mãi tập trung trong ba tháng. Kết quả doanh số bán buôn bán lẻ năm 2023 từ 625 ngàn tỉ đồng tăng lên 707 ngàn tỉ đồng. Đây là trụ cột góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế TP.HCM thời gian qua. Từ đó, quay lại tác động chỉ số sản xuất công nghiệp TP.HCM tăng 4, 6% so với cả nước là 2,8%.
“Đây là những hành động cụ thể của TP.HCM trong thực hiện kích cầu tiêu dùng nội địa, xem thị trường nội địa là một thị trường quan trọng của DN. Hơn nữa, dù trong tình hình kinh tế có sáng sủa lên hơn, thị trường nội địa cần chăm chút, khai thác hướng đến nâng cao chất lượng, giá cả cạnh tranh hướng đến phục vụ cho người tiêu dùng”-ông Vũ nhấn mạnh.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, xu hướng thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển, theo thống kê chưa đầy đủ, doanh thu TMĐT TP.HCM năm 2023 tăng 60%.
Các cửa hàng trên phố, một số phương thức kinh doanh truyền thống giảm nhưng doanh thu dịch vụ thương mại thành phố tăng và có nhiều nghi ngờ về chỉ số này.
Tuy nhiên, qua phương pháp, chỉ số thống kê cho thấy doanh thu dịch vụ thương mại thành phố tăng trên 10%, trong đó bán buôn bán lẻ góp phần quan trọng trong sự gia tăng này.