Bất chấp thị trường bán lẻ ảm đạm, nhiều siêu thị mới vẫn được mở

(PLO)-Sự trỗi dậy của ngành bán lẻ Việt Nam có nguyên nhân lớn từ sự dịch chuyển thói quen mua sắm từ cửa hàng tạp hóa đến các siêu thị của người tiêu dùng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-12 tới đây đại siêu thị Emart Phan Huy Ích quận Gò Vấp chính thức mở cửa phục vụ người dân TP.HCM. Đây là đại siêu thị thứ ba kể từ khi THACO thâu tóm thành công Emart Việt Nam (cuối năm 2021).

Việc đưa vào hoạt động đại siêu thị này nằm trong chiến lược mở rộng hệ thống bán lẻ cũng như mục tiêu trở thành chuỗi đại siêu thị hàng đầu Việt Nam của tập đoàn này.

Trong khi đó, nhà bán lẻ Saigon Co.op đang chuẩn bị đưa hai siêu thị mới tại Tiền Giang và An Giang vào hoạt động. Song song đó là 10 cửa hàng thực phẩm Co.opFood tại quận 9, Tân Phú, Gò Vấp…

Trước đó tháng 9 tại Hà Nội siêu thị Lotte Mart nằm trong trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake đã ra mắt người dân thủ đô. Qua đó, nâng tổng số lượng Lotte Mart tại Việt Nam lên 16 siêu thị.

ban-le-mo-rong.jpg
Các nhà bán lẻ tung nhiều khuyến mãi kích cầu tiêu dùng cuối năm.

Đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho biết, về lâu dài thị trường Việt Nam rất tiềm năng do một tỷ lệ lớn dân số đang bước vào giai đoạn độ tuổi lao động và tiêu dùng, bởi theo ước tính của McKinsey năm 2023 có khoảng 36 triệu người Việt Nam sẽ bước vào tầng lớp tiêu dùng (chi tiêu hơn 11 USD/ ngày).

Vì vậy, việc các ông lớn bán lẻ đang mở rộng đầu tư là để đón đầu xu hướng này và phục vụ người tiêu dùng trong nhiều năm tới.

Bên cạnh đó sự trỗi dậy của ngành bán lẻ Việt Nam không chỉ đến từ tăng trưởng thu nhập bình quân cũng như thu nhập khả dụng của người dân mà còn ở việc dịch chuyển thói quen mua sắm từ cửa hàng tạp hóa truyền thống đến các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi và các chuỗi cửa hàng chuyên doanh hiện đại.

Báo cáo tình hình thị trường tiêu dùng nhanh quý III của Kantar cho thấy các mô hình bán lẻ hiện đại vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định hai chữ số trong khi tỉ trọng kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm đa số nhưng đang giảm theo thời gian.

Cụ thể, thị phần của các kênh bán lẻ hiện đại và online tăng từ 22% năm 2018 lên 30% năm 2022. Trong đó, siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi thị phần tăng từ 5% lên 7%, online từ 2% lên 7%... Còn các mô hình bán lẻ truyền thống giảm từ 74% năm 2018 còn 65% năm 2022.

Mở cửa vào giai đoạn chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm và tết Nguyên đán, đồng thời hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung Shopping Season mà TP.HCM đang phát động, các nhà bán lẻ mang đến nhiều ưu đãi cho người tiêu dùng.

Cụ thể tại Emart Phan Huy Ích tung khuyến mãi lớn chưa từng có khi tất cả các nhóm hàng hoá như thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm, gia dụng, điện máy, thời trang,…được khuyến mãi lên đến 100%.

Bên cạnh đó, một loạt mặt hàng thiết yếu như gạo ST24 giá chỉ 99.000 đồng/túi 5kg, gạo thơm giống Nhật Japonica chỉ 88.000 đồng/5kg…

Tương tự nhà bán lẻ Saigon Co.op giảm giá trực tiếp từ 50% - 100% cho hơn 10.000 sản phẩm tết và luân phiên giảm giá mạnh cho hàng ngàn sản phẩm theo thứ tự ưu tiên gồm sản phẩm vệ sinh và trang trí nhà cửa, hàng thời trang, giỏ quà tết.

Lotte mart bên cạnh giảm giá sâu cho thực phẩm tươi sống, còn có chương trình tốp 15 sản phẩm “Rẻ vô đối”, 15 sản phẩm đồng giảm 45%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm