TS Lê Hồng Sơn: 2 băn khoăn về quy định xử phạt nồng độ cồn

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 đã có hiệu lực chín ngày. Trong đó, nội dung gây chú ý nhất là việc cấm tuyệt đối sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện và nâng cao mức phạt đối với hành vi này.

TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp), bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cần thiết phải đặt ra các mức phạt nặng để phòng chống tác hại rượu bia. Tuy nhiên, trao đổi với PLO, TS Lê Hồng Sơn có hai mối băn khoăn xung quanh vấn đề này.

TS.Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản. Ảnh: THU NGUYỆT

Có nồng độ cồn không có nghĩa là đã uống rượu bia

Theo ông Sơn, khi đã uống rượu bia thì trong máu và hơi thở đương nhiên sẽ có nồng độ cồn, ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, công luận chỉ ra và thực tế đã khẳng định trong một số trường hợp dù không uống rượu bia mà chỉ sử dụng một số loại thực phẩm nào đó cũng đưa đến kết quả trong máu và hơi thở có nồng độ cồn, thường là ở mức rất thấp.

“Nói như vậy để khẳng định rằng không thể đồng nhất uống rượu bia với nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở. Khi uống rượu bia đương nhiên có nồng độ cồn, nhưng không có nghĩa có nồng độ cồn là đã uống rượu bia” - ông Sơn nói.

Với lập luận trên, ông Sơn cho rằng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã chuyển một cách dễ dàng từ rượu bia sang nồng độ cồn. Đây là một quy định vượt ra khỏi đối tượng phạm vi điều chỉnh của luật khi mà một số trường hợp có nồng độ cồn nhưng không liên quan gì đến rượu bia.

Chính từ quy định và các lập luận quy nạp của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia dẫn đến việc Nghị định 100/2019 quy định cấm người có nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở được sử dụng các phương tiện giao thông từ xe đạp đến xe máy, ô tô.

“Chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia là rất tốt, rất cần nhưng sự quy kết một cách tự nhiên là khi có kết quả dương tính với nồng độ cồn thì đương nhiên người đó đã sử dụng rượu bia là không hoàn toàn chính xác. Không thể đánh đồng sự quy kết này là một, là duy nhất” - ông Sơn nhấn mạnh.

Nên cảnh cáo trước khi phạt tiền?

Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản dẫn lại một số trường hợp chỉ uống một vài ngụm bia, một ly rượu nhỏ dẫn tới dương tính với nồng độ cồn và bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019.

Một trường hợp có nồng độ cồn ở mức rất thấp, theo tài xế giải thích là do chỉ uống một ngụm rượu. Ảnh: TUYẾN PHAN

Theo TS Lê Hồng Sơn, nghị định này đưa ra mức phạt tiền ngay mà loại bỏ biện pháp xử phạt nhắc nhở, cảnh cáo. Việc giữ mức phạt cảnh cáo, nhắc nhở trong trường hợp có dương tính với nồng độ cồn ở mức thấp (gần mức sàn) là hợp lý.

“Trước đây, chúng ta quy định chỉ dương tính với nồng độ cồn ở một mức độ nào đó thì mới phạt tiền. Bây giờ bỏ đi biện pháp cảnh cáo, nhắc nhở cũng cần nên xem lại” - ông Sơn nêu quan điểm.

Vị này cho rằng quy định phạt tiền ngay dù chỉ số dương tính với nồng độ cồn rất thấp hoặc do sử dụng một số loại thực phẩm nào đó là biện pháp khá cực đoan.

“Thực tế, dương tính với nồng độ cồn ở mức độ thấp không ảnh hưởng đến khả năng làm chủ, điều khiển phương tiện giao thông một cách an toàn. Chỉ có chỉ số dương tính ở mức độ nào đó trở lên mới tác động đến sự tỉnh táo của người điều khiển phương tiện” - ông Sơn nhận định.

Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản nói quy định trên làm ông nhớ lại một thực tế khoảng 15-20 năm trước. Tại một số địa phương, người ta quy định hễ xét nghiệm có kết quả dương tính với chất gây nghiện nào đó thì lập tức kết luận người đó nghiện ma túy và phải vào cơ sở cai nghiện.

Tuy nhiên, kết quả dương tính với ma túy không phải lúc nào cũng do người dân bị nghiện, mà có thể là do sử dụng một loại thuốc nào đó cũng đem lại kết quả này.

“Nêu ví dụ này để thấy rằng cách thức lập luận và xử lý kết quả dương tính với nồng độ cồn và ma túy có khá nhiều điểm giống nhau. Đây là một suy luận logic đòi hỏi phải có sự giả định các tình huống chặt chẽ để có kết luận khách quan” - ông Sơn kết luận.

Lo ngại phát sinh tiêu cực

Một vấn đề khác mà TS Lê Hồng Sơn đề cập là lo ngại tình trạng tiêu cực của lực lượng CSGT có thể xảy ra, khi mức phạt rất cao dẫn tới người vi phạm có tâm lý muốn “cưa đôi” để được bỏ qua.

Do vậy, cùng với biện pháp tăng cường mức phạt thì việc siết chặt các biện pháp kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm là rất cần thiết. Điều này nhằm bảo đảm các quy định tại Nghị định 100/2019 được thực hiện một cách nghiêm túc, chính xác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm