Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) 2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7 khi luật này được áp dụng thì người lao động (NLĐ) được ký và không được ký hợp đồng lao động đều được bảo vệ nhiều quyền lợi hơn. Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, giới thiệu những điểm NLĐ cần nắm để hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi xảy ra sự cố trong quá trình lao động.
Tăng nhiều quyền lợi cho người lao động
. Phóng viên: Thưa luật sư, những điểm mới nào được quy định trong Luật ATVSLĐ đem lại cho NLĐ nhiều thuận lợi và quyền lợi?
+ Trước đây, NLĐ khi gặp tai nạn giao thông trên đường đi làm hoặc từ chỗ làm về nhà, nếu muốn được BHXH chi trả trợ cấp tai nạn lao động (TNLĐ) thì phải có biên bản ghi nhận hiện trường của CSGT. Tuy nhiên, Luật ATVSLĐ quy định trường hợp trên thì NLĐ chỉ cần có xác nhận của UBND hoặc công an phường, xã, thị trấn nơi xảy ra tai nạn. Điều này giúp NLĐ thuận tiện hơn trong quá trình cung cấp những giấy tờ có liên quan để được hưởng chế độ.
NLĐ cũng sẽ được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp mà không đáp ứng được công việc cũ.
Ngoài ra, trường hợp NLĐ bị tai nạn mà mất một bộ phận trên cơ thể thì được hỗ trợ tiền gắn cụ dụng giả để tiện sinh hoạt, phần hỗ trợ này do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện.
. Trường hợp “chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp” được hiểu thế nào?
- Điều 53 Luật ATVSLĐ dùng khái niệm “NLĐ đang làm việc bị chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp“. Nếu như trước đây NLĐ có thể được hưởng trợ cấp một lần khi chết do bị tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý thì quy định mới chỉ áp dụng khi NLĐ đang làm việc mà bị chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
. Khi ấy, thân nhân của họ có được hưởng thêm khoản trợ cấp nào khác ngoài những quy định trước đây?
+ Điều 145 Bộ luật Lao động quy định thân nhân NLĐ chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được hưởng ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động của NLĐ trư?c khi m?t. ?ớc khi mất. Điều 53 Luật ATVSLĐ quy định thêm: Thân nhân NLĐ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.
Người lao động chỉ làm việc khi được đảm bảo điều kiện an toàn lao động. Ảnh minh họa: HTD
Có quyền từ chối công việc đe dọa tính mạng
. Khi NLĐ đang làm việc tại môi trường mà họ thấy nguy hiểm nhưng người sử dụng vẫn buộc phải làm thì họ phải làm gì để bảo vệ an toàn cho mình mà vẫn được hưởng quyền lợi?
+ Luật ATVSLĐ quy định rõ NLĐ có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra TNLĐ đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình. Sau khi rời khỏi nơi làm việc, họ phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
. NLĐ không được ký hợp đồng lao động có được hưởng quyền lợi gì không khi bị TNLĐ (Bộ luật Lao động chưa quy định việc này)?
+ NLĐ không có hợp đồng lao động vẫn được tham gia và hưởng bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện. Ngoài ra, khi NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp thì quá trình điều trị, toàn bộ chi phí y tế người sử dụng lao động phải chi trả. Đối với NLĐ có BHYT mà các khoản chi điều trị không nằm trong danh mục bảo hiểm chi trả thì người sử dụng phải chi trả chứ NLĐ không phải chi trả như trước đây.
. Những trường hợp nào bị tổn hại sức khỏe trong quá trình làm việc mà không được hưởng chế độ TNLĐ?
+ Đó là do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; do NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
. Thưa luật sư, về thời điểm hưởng trợ cấp, Luật ATVSLĐ quy định ra sao?
+ Điều 50 Luật ATVSLĐ đã cụ thể, bổ sung các trường hợp sau: Điều trị ngoại trú thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng có kết luận của hội đồng giám định y khoa. Trường hợp bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của hội đồng giám định y khoa. Trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng NLĐ được cấp giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
. Xin cám ơn luật sư.
Chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội quy định thời gian nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe 5-10 ngày đối với NLĐ sau điều trị thương tật, tai nạn, bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi. Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức tại cơ sở tập trung. Điều 54 Luật ATVSLĐ năm 2015 đã sửa đổi quy định này: Trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi, NLĐ được nghỉ dưỡng sức từ 5 đến 10 ngày. Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa thì NLĐ vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức nếu hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Số ngày nghỉ dưỡng tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên; • Tối đa bảy ngày đối với trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%; • Tối đa năm ngày đối với trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%. Mức hưởng một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. |