Từ 2-1-2022, thay đổi công thức tính và số lần điều chỉnh giá xăng dầu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (Nghị định số 95) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu.

Từ 2-1-2022, áp dụng quy định mới về công thức giá cơ sở xăng dầu

Theo đó, Nghị định số 95 đã bổ sung Điều 38a về công thức giá cơ sở xăng dầu. Cụ thể, giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng (=) giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với (x) tỉ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng (+) giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với (x) tỉ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.

Từ 2-1-2022, áp dụng quy định mới về công thức giá cơ sở xăng dầu. Ảnh minh họa: PHI HÙNG

Giá cơ sở xăng sinh học được xác định bằng (=) tỉ lệ phần trăm thể tích xăng không chì (%) nhân (x) {(giá xăng thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam + chi phí về thuế nhập khẩu xăng) x tỉ trọng sản lượng xăng nhập khẩu + (giá xăng thế giới + premium + chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng (nếu có)) x tỉ trọng sản lượng xăng từ nguồn sản xuất trong nước)}  + tỉ lệ phần trăm thể tích Etanol nhiên liệu (%) x giá Etanol nhiên liệu + chi phí kinh doanh định mức + mức trích lập Quỹ bình ổn giá + lợi nhuận định + các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nghị định số 95 cũng bổ sung Điều 5a sau Điều 5 về việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt góp vốn hoặc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu có hoạt động sản xuất xăng dầu nếu có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Thay đổi thời gian điều hành giá xăng dầu

Trong Nghị định số 95 cũng thay đổi thời gian điều hành giá xăng dầu. Cụ thể, thời gian điều hành giá xăng dầu sẽ diễn ra vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.

Như vậy, một tháng sẽ có ba lần điều hành giá xăng dầu, thay cho hai lần/tháng như hiện nay. Điều này được nhiều ý kiến đánh giá là tiệm cận, theo sát với diễn biến giá thị trường xăng dầu thế giới.

Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ tết theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày lễ. Nếu trùng vào dịp Tết Nguyên đan, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ được hoạt động ở vùng sâu, vùng xa

Nghị định số 95 cũng bổ sung Điều 24a về thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ.  Theo đó, loại hình thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ được phép hoạt động nếu đáp ứng các yêu cầu.

Một là được kiểm soát về đo lường và kiểm định an toàn bởi các cơ quan chức năng theo quy định. Hai là hoạt động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa theo hướng dẫn của Bộ Công Thương phù hợp với các quy định hiện hành. Ba là thuộc sở hữu của thương nhân là đại lý bán lẻ xăng dầu, hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, hoặc thương nhân phân phối xăng dầu, hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, hoặc thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định này.

Thương nhân kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ phải gửi hồ sơ thông báo đến Sở Công Thương địa phương, nơi đặt thiết bị bán xăng dầu để được cấp giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ.

Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2-1-2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm