Từ 2016-2023, Việt Nam xảy ra 2 vụ tai nạn máy bay và 632 sự cố hàng không

(PLO)- Theo Bộ GTVT, trong tám năm qua, ngành hàng không trong nước đối diện với hai vụ tai nạn máy bay và 632 sự cố hàng không. Trong đó, có chín sự cố nghiêm trọng.

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng công tác đảm bảo an toàn giao thông trên cả nước thời gian qua. Trong đó, bộ này cho biết giai đoạn 2016-2023, ngành hàng không Việt Nam ghi nhận hai vụ tai nạn.

Cụ thể, ngày 12-1-2022, máy bay VN-C869 của Công ty TNHH Trường hàng không New Zealand đang thực hiện bay huấn luyện học viên phi công cơ bản (bài bay đơn, bay vòng kín tại sân) tại cảng hàng không Chu Lai. Trong quá trình hạ cánh thực hiện bay huấn luyện vòng kín, máy bay bị trượt ra khỏi đường băng. Trên máy bay chỉ có một học viên đã tự thoát ra khỏi máy bay bị nạn, không bị thương hay có vấn đề gì liên quan sức khỏe.

Tiếp đó, ngày 5-4-2023 xảy ra tai nạn đối với máy bay trực thăng BELL 505 số đăng ký VN - 8650 của Công ty Trực thăng miền Bắc - Binh đoàn 18 (Bộ Quốc phòng), trong quá trình bay chở hành khách ngắm cảnh Vịnh Hạ Long, tại khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Vụ việc khiến cho máy bay bị phá huỷ, tất cả 5 người trên tàu bay gồm một phi công lái chính và bốn hành khách tử nạn. Tai nạn hiện đang trong quá trình điều tra.

Về sự cố, tám năm qua, ngành hàng không ghi nhận 632 sự cố. Trong đó, có 9 sự cố nghiêm trọng (mức B), 63 sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) và 560 sự cố uy hiếp an toàn (mức D).

Trong giai đoạn 2009 đến hết năm 2023, nhà chức trách hàng không cũng ban hành 2.768 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền xử phạt hơn 28,7 tỉ đồng.

Bộ GTVT nhìn nhận, nguyên nhân của những vấn đề trên có cả yếu tố khách quan và chủ quan. Chẳng hạn như hạ tầng chưa đáp ứng được sự phát triển của lĩnh vực hàng không; Ý thức của người dân cùng với các thói quen, tập quán dẫn tới nhiều vi phạm làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, an ninh, an toàn và hiệu quả của hoạt động hàng không dân dụng.

“Tính chất của công tác bảo đảm an ninh đòi hỏi cần có sự tập trung, thống nhất cao, đồng thời cần phải nhanh chóng kịp thời trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành từ nhà chức trách hàng không, nhất là trong việc ứng phó, xử lý khi xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp tại cảng hàng không, sân bay hay trên chuyến bay. Tuy nhiên, việc tổ chức chủ quản của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không là doanh nghiệp cổ phần dẫn đến yêu cầu tập trung, thống nhất, nhanh chóng, kịp thời không đáp ứng được…”- Bộ GTVT cho hay.

Về quy định pháp luật, Bộ GTVT cho biết, hiện nay việc quản lý nhân viên hàng không đang gặp một số bất cập. Chẳng hạn khoản 2 điều 68 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định nhân viên hàng không phải được giao kết hợp đồng bằng văn bản với tổ chức sử dụng lao động. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 10 Bộ luật Lao động lại cho phép người lao động trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình.

“Điều này sẽ làm làm ảnh hưởng đến công tác an toàn bay trong hoạt động hàng không dân dụng, bởi lẽ phi công “nhảy việc”, doanh nghiệp không còn chủ động trong công tác nhân sự”-Bộ GTVT cho hay.

Thêm vào đó, khoản 2 điều 69 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định thành viên tổ lái, tiếp viên hàng không, kiểm soát viên không lưu phải mang theo giấy chứng nhận đủ điều kiện về sức khỏe, nhưng lại chưa quy định yêu cầu về sức khỏe là một điều kiện để được cấp giấy phép nhân viên hàng không theo quy định của ICAO.

Với những bất cập trên, Bộ GTVT hiện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới