Architecture MasterPrize là giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc, được thành lập bởi Farmani Group (Mỹ).
Đây là đơn vị chuyên tổ chức các giải thưởng về nhiếp ảnh, thiết kế và kiến trúc trên thế giới nhằm tôn vinh và công nhận những cá nhân hay đội ngũ vượt qua các ranh giới để thiết lập nên tiêu chuẩn mới và truyền cảm hứng phát triển nghệ thuật.
Rừng ngập mặn Phú Hài nhìn từ trên cao như cung đàn hạc cầm. Ảnh: Đỗ Hữu Tuấn
Rừng ngập mặn đầy rác thải
Nhìn từ trên cao, khu rừng ngập mặn duy nhất còn lại của thành phố Phan Thiết có diện tích hơn 32 ha giống như một cung đàn hạc cầm xanh ngăn ngắt tuyệt đẹp.
Tuy nhiên, do nằm gần các khu dân cư, rác thải (đặc biệt là rác thải nhựa, túi nylon) khu rừng phải gánh lấy rất nhiều, chồng chất từ năm này qua năm khác. Nhiều đoạn, rác thải còn ngăn chặn, bức tử dòng chảy của nước khiến nước đổi màu.
Đứng trên cầu Phú Hài nhìn xuống, mỗi ngày người ta đều dễ dàng nhìn thấy hàng hà sa số chai, lọ nhựa, túi nylon nổi lềnh bềnh trôi ra biển vô cùng phản cảm.
Rác rưới, túi nylon, chai nhựa bỏ khắp nơi quanh khu rừng ngập mặn. Ảnh: Đức Tín.
Theo UBND TP Phan Thiết, khu vực rừng ngập mặn này đã được quy hoạch là khu dân cư, thương mại dịch vụ (khoảng 12ha) và công viên (khoảng 18ha).
Trong đó, TP sẽ bán đấu giá diện tích 12ha để lấy tiền xây dựng công viên. Đây là dự án đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt vào năm 2020 với tổng mức đầu tư hơn 297 tỉ đồng.
Người dân địa phương đã lo ngại việc xây dựng khu dân cư ở khu rừng ngập mặn này chưa chắc xóa bỏ được vấn nạn xả rác thải trôi ra đại dương nhưng lại rất có khả năng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu rừng ngập mặn tuyệt đẹp với hệ sinh thái đa dạng duy nhất của thành phố biển này.
Giữ rừng bằng mọi giá
Tháng 4-2021, trong chuyến khảo sát và làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết, ông Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, cho rằng cần nghiên cứu lại phương án xây dựng khu dân cư tại rừng ngập mặn Phú Hài.
Theo ông An, trước đây khu vực này vốn là đất nuôi trồng thủy sản, đất làm ruộng muối, lâu ngày không sản xuất dần trở thành khu ngập mặn với thảm xanh rất đẹp và thu hút nhiều chim, cò hội tụ về sinh sống. Nếu làm khu dân cư thì chưa cần thiết và khả năng tiếp cận công viên cây xanh của người dân không nhiều.
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận trong lần khảo sát sông Cà Ty, Phan Thiết. Ảnh: Phương Nam
Trao đổi với chúng tôi, ông An cho biết việc đấu giá một phần khu đất để làm khu dân cư sẽ khiến Phan Thiết mất đi một khu rừng ngập mặn lớn hiếm hoi còn sót lại.
Giữ và bảo tồn khu rừng ngập mặn là sẽ giữ lại được tài nguyên thiên nhiên quý giá không thể tái tạo. Nơi đây sẽ quy hoạch làm quảng trường, cải tạo thành những lối đi như con kênh dưới tán cây của rừng ngập mặn; tạo ra một khu sinh thái đẹp giữa lòng thành phố, ngay bên tuyến đường chính đi ra Khu du lịch quốc gia Mũi Né.
Ý tưởng này sẽ tiết kiệm nhiều chi phí, tạo khu sinh thái ngập mặn đặc biệt cho người dân thành phố, thậm chí tạo điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch.
“Tỉnh Bình Thuận còn khó khăn, cần nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những khu đất khác để đưa ra đấu giá làm khu dân cư, thương mại, dịch vụ, không nhất thiết phải lấy khu rừng ngập mặn quý giá này” - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.
Công viên sinh thái Hạc Cầm
Từ những ý tưởng trên của Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, các kiến trúc sư Công ty Infinitive Architecture (TP.HCM) đã phối hợp với các kỹ sư, kiến trúc sư của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Bình Thuận bắt tay vào dệt thảm xanh cho cung đàn hạc cầm của Phan Thiết.
Phối cảnh một con đường trong rừng ngập mặn
Theo đơn vị thiết kế, việc biến khu rừng ngập mặn thành một công viên sinh thái là ý tưởng rất độc đáo. Địa điểm này là một khu vực bị bỏ hoang từ năm 2003 khi điều kiện nước để nuôi trồng thủy sản không còn thích hợp.
Kết quả đáng ngạc nhiên là khu rừng ngập mặn từ đó đến nay vẫn phát triển xanh tốt với hệ sinh thái thủy sinh và chim muông đa dạng.
Phối cảnh công viên sinh thái Phú Hài
Nhóm thiết kế đã tạo ra một cấu trúc cảnh quan giống như mê cung từ đất và nước hiện có bằng cách tạo ra các khe hở để cho phép nước lưu thông.
Sự cải tạo này giúp cải thiện môi trường của hệ sinh thái và hình thành một cảnh quan thiên nhiên độc đáo có thể tự cải thiện và đa dạng hóa từng ngày.
Công viên bắt đầu với một lối vào dài trải dọc theo đường phố chính, chức năng như một quảng trường cộng đồng, đáp ứng nhu cầu không gian tụ tập công cộng tại địa phương.
Du khách có thể đi bộ hoặc đạp xe trên những cây cầu từ lối vào này đến phần còn lại của công viên. Đối với những du khách thích mạo hiểm, có thể chèo thuyền kayak hoặc đi bộ xuyên rừng trên những con đường mòn.
Một tòa tháp quan sát hoạt động như hội trường cộng đồng và một nhà hát ngoài trời ba cánh cho các sự kiện văn hóa được dựng lên.
Với hy vọng biến mọi mảnh đất trở nên tươi đẹp hơn bằng giải pháp thiết kế bền vững, dự án mong muốn trở thành tấm gương cho việc chữa lành và mang lại sự sống cho mọi vùng đất bị bỏ hoang.
Được biết, Công viên Sinh thái rừng ngập mặn Phú Hài do kiến trúc sư trưởng Nguyễn Quang Hiền cùng nhóm thiết kế của ông thực hiện cùng với sự cộng tác, hỗ trợ của đội ngũ kiến trúc sư Sở Xây dựng Bình Thuận và ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.
Một góc Công viên sinh thái Phú Hài.
“Rồi đây khi Công viên Sinh thái rừng ngập mặn Phú Hài được triển khai, hình thành, khu rừng ngập mặn sẽ thật sự trở thành lá phổi xanh được bảo tồn, trân trọng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nâng cao ý thức của người dân.
Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, chắc chắn sẽ biến mất, không thể xuất hiện ở một địa điểm tuyệt đẹp, nơi được xem là hạc cầm xanh giữa lòng thành phố” - ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận chia sẻ.